Ngày 13/10 hàng năm được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam, mở ra một trang mới trong lịch sử kinh tế Việt Nam, khi doanh nhân được thừa nhận có một vai trò quan trọng trong sự phát triển của quốc gia.
Ngày 20 tháng 09 năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải ban hành quyết định Số 990/QĐ-TTG về Ngày Doanh nhân Việt Nam, khẳng định quan điểm của ông đối với vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp.
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhớ lại, năm 2004, trong những lần trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc, hai người đã cùng mổ xẻ bức thư Bác Hồ gửi cho giới công thương vào ngày 13/10/1945, và cùng chia sẻ rằng chữ “tận tâm” mà Bác đã sử dụng là không thể ý nghĩa hơn.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, trong lúc nền độc lập còn “trứng nước”, Bác hiểu hơn ai hết vai trò của một “nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng", điều kiện cần để chế độ chính trị non trẻ mới được thiết lập có cơ hội trụ lại giữa áp lực từ nhiều phía.
Bối cảnh của những năm đầu thế kỷ 21 đã cho phép “giới công thương” nhận được cái nhìn khác hẳn. Luật Doanh nghiệp 1999 mở đường cho hàng ngàn doanh nghiệp ra đời và lớn mạnh dần, và quá trình đó nhận được sự cổ vũ, ủng hộ mạnh mẽ từ chính quyền. TS Vũ Tiến Lộc và nhà sử học Dương Trung Quốc hiểu, cơ hội để làm sống lại thông điệp một thuở của Bác Hồ đã tới, và hai ông quyết định hiện thực hóa bằng một đề xuất gửi lên Văn phòng Chính phủ và Thủ tướng Phan Văn Khải.
Theo hồi ức của ông Vũ Tiến Lộc, quá trình này diễn ra khá nhanh.
Cho dù Văn phòng Chính phủ lúc đó có tiến hành thẩm định, công việc này “chủ yếu là hình thức”. Cuối tháng 8/2004 tờ trình được gửi đi thì ngày 20/9, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định chọn 13/10 làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.
Trong một bài viết ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ Thủ tướng, ông Khải viết rằng: “qua thực tiễn phát triển doanh nghiệp, hình thành đội ngũ doanh nhân”, bài học rút ra là phải “khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí kinh doanh, giải phóng các lực lượng sản xuất, phát huy sức mạnh vật chất và trí tuệ, tinh thần của nhân dân, huy động và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế là nguồn gốc của mọi thắng lợi”.
“Thành công nhiều hay ít trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước tùy thuộc vào mức độ giải phóng nguồn sức mạnh vô tận này”, ông Khải khẳng định.
Có thể nói, từ chỗ đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng các giai tầng xã hội trước đây đến việc dành hẳn một ngày trong năm để tôn vinh Doanh nhân là một cách nhìn biện chứng của Đảng, Nhà nước ta về Doanh nhân Việt Nam.
Mặc dù, chưa từng có con số thống kê về số lượng doanh nhân trên cả nước. Tuy nhiên, nhìn vào sự phát triển của doanh nghiệp trong những năm qua, cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, và tính hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, có thể khẳng định đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lớn mạnh cả về số và chất lượng.
Theo Tổng cục Thống kê, Tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động do ngành Thống kê điều tra, cập nhật vào thời điểm 31/12/2017 trên phạm vi cả nước ước tính là 561.064 doanh nghiệp, tăng 11,1% so với năm 2016.
Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới cả nước đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 126.859 doanh nghiệp, có 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, 21.684 doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký, 12.113 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể.
Giai đoạn 2010 - 2016: Tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động của cả nước bình quân mỗi năm tăng 10,4% số doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp bình quân mỗi năm thu hút thêm 6,1% lao động, thu hút tăng thêm 16,4% vốn cho sản xuất kinh doanh, doanh thu tăng 15,1%, lợi nhuận tăng 12,3%.
Từ việc “có một ngày 13/10” mà Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định - Doanh nhân Việt Nam, từ xa xưa, đến cận đại và thời đại hiện nay, đã dần dần khẳng định vị trí và đóng góp của mình vào công cuộc phát triển chung của đất nước. Họ, cũng như những người nông dân, công nhân, trí thức, đã vượt qua biết bao nhiêu nhọc nhằn, lấm láp, có lúc nhục, có khi vinh, trong những biến cải thăng trầm dâu bể của nước non.
Những người làm giàu cho mình, cho xã hội, từ chưa có tên gọi trong từ điển, phải gọi bằng những cái tên có phần coi nhẹ hoặc trung tính, vì nhiều căn nguyên nhận thức, khúc nhôi lịch sử, từ sau công cuộc Đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đến nay, đã trang trọng được định danh là Doanh nhân. Và từ Doanh nhân đã đi vào trong Nghị quyết của Đại hội Đảng, đi vào trong Hiến pháp.
Năm 2011, Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Nghị quyết riêng về Doanh nhân - Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế
Đặc biệt, những quy định về quyền kinh tế và doanh nhân trong Hiến pháp năm 2013 là “cú hích” có sức nặng pháp lý cơ bản, quan trọng và xuyên suốt thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập và phát triển.
Trong lịch sử lập pháp của nước ta, đây cũng là lần đầu tiên các quy định về doanh nhân, về quyền đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nhân, của doanh nghiệp được hiến định.
Mới đây nhất, vào tháng 6/2017, hai nghị quyết của Trung ương đã được ban hành: Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đảng, Nhà nước và nhân dân càng ngày càng nêu cao vai trò và động lực của Doanh nhân trong sự nghiệp chung vì dân chủ, văn minh và tiến bộ xã hội.
Doanh nhân là một danh từ cao quý mà xã hội dùng để gọi những con người có khát vọng và ý chí, biết vượt lên để làm giàu.
Doanh nhân ngày nay, đã được yêu mến và kính trọng như là những con người tinh hoa và có công trạng lớn đối với đất nước.
Doanh nhân đã trở thành một trong những hình mẫu đẹp của giấc mơ nhiều em bé đang ngồi trên ghế nhà trường. Doanh nhân đã là lựa chọn trong khởi đầu hành trình lập thân lập nghiệp của nhiều người trẻ tuổi...