“Cởi trói” cho mô hình kinh doanh mới

Phan Nam 18/08/2019 01:20

Đây không phải lần đầu tiên sandbox được nhắc đến trong hoạt động hoạch định chính sách ở nước ta.

Trong đề án về kinh tế chia sẻ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới. Đây là thách thức không nhỏ với cơ quan quản lý.

Đến bây giờ, mỗi lần nhắc lại, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang vẫn tỏ ra nuối tiếc vì không phát triển được hệ thống homestay từ hơn 10 năm trước, khi còn làm lãnh đạo sở Thương Mại. Đây là mô hình lưu trú rất phù hợp với du lịch sông nước miệt vườn của địa phương nhưng những lo ngại về công tác quản lý, an ninh trật tự, cũng như chưa nhìn thấy lợi ích của homestay đã khiến cho các cơ quan quản lý lúc đó không thúc đẩy sự phát triển của mô hình này.

p/Sandbox được coi như

Sandbox được coi như "lời giải" cho bài toán pháp lý với các loại hình kinh tế chia sẻ. (Ảnh: Grab từ một ứng dụng taxi công nghệ đã mở rộng sang dịch vụ giao hàng nhanh, ship đồ ăn, trung gian thanh toán... )

Cơ hội cho các startup công nghệ

Gần đây, Yên Bái, Lào Cai, Hoà Bình và một số tỉnh miền núi đã rất thành công với mô hình homestay và trở thành một đặc trưng cho các sản phẩm du lịch của địa phương.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong việc thử nghiệm mô hình kinh doanh mới.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kí Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Theo đó, điểm nhấn là việc Chính phủ sẽ thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho rằng, sandbox (khung chính sách riêng) là chính sách đúng theo tư tưởng doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm chứ không thể cứ áp vấn đề cấp phép xin phép sẽ làm mất cơ hội phát triển của doanh nghiệp.

Còn Chủ tịch kiêm CEO Công ty Got It Trần Việt Hùng nhận định: Cơ chế Sandbox được thực hiện để hỗ trợ các doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, sẽ giúp rất nhiều cho sự phát triển các startup công nghệ của Việt Nam.

Trước đó, tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng lấy dẫn chứng về chủ trương dịch vụ Mobile Money. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, khi chính sách này được triển khai, các doanh nghiệp viễn thông sẽ trở thành ngân hàng, và người dân có thể nạp tiền vào tài khoản nhà mạng rồi dùng điện thoại di động để chuyển tiền cho nhau hoặc chi tiêu hàng hoá có giá trị nhỏ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Việc này đã được Bộ TT&TT và Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất cho triển khai thử, đồng thời đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho triển khai thử”.
Bộ trưởng TT&TT cho rằng: “Các doanh nghiệp có thể đề xuất thử nghiệm cái mới trong một thời gian nhất định. Sau thời gian thử nghiệm đó, khi mọi thứ đã rõ hơn mới đưa ra một chính sách cho vấn đề Sandbox.

“Thước đo”… sandbox?

Đây không phải lần đầu tiên sandbox được nhắc đến trong hoạt động hoạch định chính sách ở nước ta. Tuy nhiên, cơ chế thử nghiệm pháp lý này vẫn đang khá lúng túng. Chương trình thí điểm đối với taxi công nghệ là một ví dụ điển hình. Sau hơn hai năm thử nghiệm, gia hạn, và điều chỉnh, đến nay taxi công nghệ vẫn chưa thể chính thức bước vào một không gian vận hành thực thụ. Trong khi đó, tốc độ triển khai và thực hiện ý tưởng là yếu tố quan trọng hàng đầu với thành bại của doanh nghiệp, quyết định sự thành công của các mô hình kinh doanh mới.

Khi bàn về Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ cuối tháng 2/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Trong kinh tế chia sẻ, còn nhiều lĩnh vực nhạy cảm, khó kiểm soát, nhưng quản lý nhà nước cần sớm đối diện với những khó khăn này; cách tiếp cận là tạo điều kiện ra đời, phát triển chứ không thể mặc kệ hoặc là không làm được thì cấm”. Điều này cũng nhất quán với quyền tự do kinh doanh đã được cụ thể hóa trong Luật Doanh nghiệp 2014.

Theo Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, Chính phủ sẽ sớm xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ, chú ý đến việc giải quyết vấn đề nảy sinh trong kinh tế chia sẻ, như lao động, việc làm, an sinh xã hội và tạo thị trường cho mọi công dân tham gia vào các hoạt động kinh doanh chia sẻ.

Đối với người sử dụng dịch vụ trong kinh tế chia sẻ, Đề án hướng đến nâng cao năng lực hiểu biết và sử dụng dịch vụ kinh tế số, pháp luật về hợp đồng số cho người sử dụng dịch vụ, chú trọng việc đảm bảo an toàn lao động và an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử.

Đề án cho thấy kỳ vọng rất lớn từ Chính phủ, nhưng số lượng, chất lượng, tốc độ triển khai ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ mới là phép thử, thước đo sandbox tại Việt Nam trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Cởi trói” cho mô hình kinh doanh mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO