COMA bị chìm trong thua lỗ vì đâu?

Nguyễn Việt 14/07/2019 03:01

Tổng Công ty cơ khí xây dựng - CTCP (COMA) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2018 cho thấy, tình hình kinh doanh bết bát của đơn vị này.

Tính đến thời điểm 31/12/2018, COMA ghi nhận khoản nợ phải trả 1.098 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn chiếm tới 1.085 tỷ đồng. Cùng thời điểm, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ 38,5 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 31/12/2018, COMA ghi nhận khoản nợ phải trả 1.098 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn lên tới  1.085 tỷ đồng. 

Theo đó, năm 2018, COMA ghi nhận khoản doanh thu thuần 394,6 tỷ đồng, giảm hơn 50 tỷ đồng so với năm 2017; giá vốn bán hàng chiếm tới 334,7 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp chỉ còn 60 tỷ đồng; doanh thu tài chính của công ty cũng chỉ đạt 1,6 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm 2017. Đáng chú ý, năm vừa qua, khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của COMA đều tăng rất mạnh lên mức lần lượt 5 tỷ đồng và 182,7 tỷ đồng. Năm vừa qua, công ty cũng ghi nhận khoản chi phí lãi vay 14 tỷ đồng.

Năm 2018, khoản lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của COMA âm 141,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức âm 36,4 tỷ đồng năm 2017. Kết quả, COMA ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 147,6 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 37,8 tỷ đồng năm 2017. Như vậy, tính đến hết năm 2018, COMA ghi nhận khoản lỗ lũy kế xấp xỉ 225 tỷ đồng.

Đến hết năm 2018, COMA có tổng tài sản 1.139 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 1.263 tỷ đồng năm 2017. Trong đó, tài sản ngắn hạn 896 tỷ đồng (khoản phải thu 402 tỷ đồng, hàng tồn kho xấp xỉ 450 tỷ đồng), tài sản dài hạn chỉ 197,3 tỷ đồng.

Cũng tính đến thời điểm 31/12/2018, COMA ghi nhận khoản nợ phải trả 1.098 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn chiếm tới 1.085 tỷ đồng. Trong đó, chi phí phải trả ngắn hạn là 202,7 tỷ đồng, nợ người mua trả tiền trước ngắn hạn 202,3 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 193,5 tỷ đồng, phải trả ngắn hạn khác hơn 185 tỷ đồng...

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ còn 38,5 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ phải trả đã gấp hơn 28 lần vốn chủ sở hữu, ảnh hưởng rất nhiều đến ''sức khỏe'' tài chính của công ty.

Sở dĩ COMA chìm ngập trong khó khăn do nhiều công trình như: Chống ngập triều cường TP.HCM, cầu vượt ngã tư An Sương… hiện chủ đầu tư đang có vướng mắc trong khâu nghiệm thu, quyết toán.

Ngoài ra, các công ty con của COMA là Công ty cổ phần khóa Minh Khai, Công ty TNHH MTV Xây lắp và kinh doanh Vật tư thiết bị số 27, Công ty TNHH MTV SX-XNK-DV phát triển nông thôn... có kết quả kinh doanh thua lỗ nên không đủ bù chi phí quản lý.

Được biết COMA tiền thân là Liên hiệp các Xí nghiệp cơ khí xây dựng được thành lập từ năm 1974. Ngày 20/11/1995, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định thành lập Tổng Công ty cơ khí xây dựng.

Sau đó, đến ngày 30/12/2005, Tổng Công ty cơ khí xây dựng chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con theo quyết định của Bộ Xây dựng. Ngày 2/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1428/QĐ-TTg kết thúc thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam, và Bộ Xây dựng có công văn số 975/QĐ-BXD ngày 18/10/2012 chuyển giao quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Cơ khí xây dựng từ Công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà về Bộ Xây dựng. Ngày 7/11/2016, Tổng Công ty cơ khí xây dựng - CTCP chính thức đi vào hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần.

COMA chuyên sản xuất, kinh doanh thiết bị cơ khí phục vụ ngành xây dựng và các ngành công nghiệp khác, thi công xây lắp các công trình công nghiệp và dân dụng, thiết kế, chế tạo và lắp đặt thiết bị các dây chuyền đồng bộ cho các công trình xi măng, nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, dầu khí… theo quy hoạch, kế hoạch phát triển của các bộ ngành trong nước và ngoài nước, theo yêu cầu thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
COMA bị chìm trong thua lỗ vì đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO