Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc chơi mà mỗi quốc gia mặc định là một phần trong đó. Cuộc cách mạng này đang diễn ra trên khắp thế giới, đây là xu hướng không thể thay đổi và trì hoãn. Tôi đã nghe nhiều chuyên gia nói Việt Nam đã có Cách mạng 4.0 nhưng ở mức độ thấp, chưa có quy mô và phổ cập.
Theo đó, Thủ tướng nêu 4 vấn đề mà Việt Nam cần giải quyết để ứng dụng Cách mạng 4.0 vào gia tăng phát triển tại Việt Nam. Trước tiên, Thủ tướng mong muốn toàn xã hội nhận thức về cuộc Cách mạng 4.0 cần sâu sắc, rõ ràng hơn.
“Đây là cuộc cách mạng diễn ra ngay trong đời sống, ngay trong các ứng dụng của cá nhân. Từ nhận thức đó chúng ta sẽ thay đổi phương thức và nhận thức về nền kinh tế số, thay đổi giải pháp công nghệ chứ không chỉ áp dụng công nghệ truyền thống”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Dẫn lời một diễn giả tại cuộc gặp chiều 12/7, Thủ tướng cho biết, có vị nêu Việt Nam đã có công nghiệp 4.0 nhưng chưa phải quy mô lớn.
“Muốn tốc độ cao hơn thì chính sách rất quan trọng. Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam, trong khi nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay 40% lao động nông nghiệp, năng suất thấp, hệ thống giáo dục phải là chính sách cực kỳ quan trọng", Người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Do đó, Thủ tướng đề nghị phải trang bị lại kỹ năng cho người lao động ứng phó với thực tế là các lĩnh vực như tài chính ngân hàng sẽ được chuyển sang nền kinh tế số. Vậy, để người lao động không bị đào thải, cần có kỹ năng và nhận thức cao hơn.
Về cơ sở hạ tầng cho phát triển 4.0, Thủ tướng khẳng định, phát triển hạ tầng, nhất là công nghệ thông tin là nền tảng quan trọng để Cách mạng 4.0 thành công. Việt Nam cần xây dựng cả cơ sở vật chất "cứng" lẫn hạ tầng "mềm" là chính sách, ý tưởng và đặt hàng. Đây là cơ sở và điều kiện đầy đủ cho sự phát triển Cách mạng 4.0 tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
10:42, 13/07/2018
08:40, 13/07/2018
06:08, 13/07/2018
21:26, 12/07/2018
Về tạo công bằng trong phát triển và tiến bộ, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, cách mạng 4.0 đưa ra cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức về phân hóa giàu nghèo, trình độ, nhận thức hay không trình độ, nhận thức, những mặt trái của Cách mạng 4.0 cần phải được quan tâm, để không ai bị đẩy bên ngoài sự phát triển và bị bỏ lại phía sau.
"Việt Nam có nhiều lợi thế về dân số trẻ, năng động và thích ứng nhanh. Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều bất cập về nhận thức, cơ sở hạ tầng nên phải xem lại về chính sách phát triển", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đồng thời khẳng định chúng ta muốn làm nhanh, làm tốt thì chính sách rất quan trọng. "Đảng và Nhà nước, địa phương của Việt Nam sẵn sàng lắng nghe những khuyến nghị về Cách mạng 4.0. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam "đảo chiều" về đầu tư, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo để nâng cao vị thế, đi tắt đón đầu trên trường quốc tế. Vì vậy, đảo chiều trong tư duy và hành động rất quan trọng. Ứng dụng Cách mạng 4.0 có thành công hay không chính là nhận thức của chúng ta", Thủ tướng nhắn nhủ.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc chơi mà mỗi quốc gia mặc định là một phần trong đó”. Vì vậy Việt Nam không có lựa chọn, không thể đứng ngoài mà phải nhanh chóng bước lên “con tàu” 4.0.
“Đây là cơ hội để Việt Nam trở thành dân tộc phồn vinh. Trên tinh thần đó, chúng tôi đã đưa ra những nội dung quan trọng. Theo đó, xây dựng Nghị quyết chính trị về 4.0 , gắn công nghiệp 4.0 với chiến lược quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, xây dựng đề án, chương trình hành động về công nghiệp 4.0 của Việt Nam với sự tham gia của các bộ ngành”, Thủ tướng nói đồng thời cho biết cuối năm nay, chiến lược hành động này sẽ được hoàn thành để thực hiện Nghị quyết.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đặc biệt nhấn mạnh tới nhiệm vụ xây dựng mạng lưới nhân tài. Các Bộ ngành địa phương phải có chương trình đào tạo nhân lực đáp ứng cách mạng 4.0.