Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cần lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.
Sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến “4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp". DĐDN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến về sự phát triển của hệ thống chế biến nông sản hiện nay.
Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có khả năng đảm bảo chế biến, bảo quản khoảng 130 – 140 triệu tấn nguyên liệu nông lâm thủy sản/năm. Có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Ngoài ra còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình làm nhiệm vụ sơ chế, chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa.
-Tuy nhiên, Thứ trưởng đánh giá đầu tư cho công nghiệp chế biến nông sản đã tương ứng với tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp hay chưa?
Sự phát triển của ngành chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, còn bộc lộ những tồn tại, nút thắt trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, năng lực chế biến một số ngành hàng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Công nghệ chế biến nông sản chưa cao, chủ yếu là sản phẩm thô, tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp (tính chung 15 - 20%), chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú, tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Cùng với đó, chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chế biến còn thấp, còn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, tổ chức liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ.
Như vậy ta có thể thấy rằng, nhìn chung công nghiệp chế biến nông sản đã có bước phát triển cao trong thời gian qua, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản như: Thủy sản, gỗ, hạt điều, gạo, chè, cao su.... Trong 3 năm 2017 - 2019 đã có gần 40 dự án đầu tư với số vốn hơn 30 nghìn tỷ được khởi công/khánh thành. Tuy vậy vẫn còn một số ngành hàng khâu chế biến, bảo quản còn yếu và thiếu chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất và tiêu dùng như ngành hàng rau quả và thịt.
- Vậy còn việc tổ chức liên kết giữa sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản hiện nay vẫn còn được đánh giá là lỏng lẻo, thưa Thứ trưởng?
Trong thời gian vừa qua việc tổ chức sản xuất, liên kết giữa sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị bước đầu được hình thành ở một số ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả tích cực, giúp cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững và ổn định.
Tuy vậy, Tổ chức liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Ngoài một số mô hình liên kết doanh nghiệp “đầu tàu” với nông dân theo chuỗi giá trị đạt hiệu quả tốt, thực tế vẫn còn quá ít chuỗi liên kết hoàn chỉnh. Đa số chuỗi ở khâu đầu vẫn là thu gom của nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp thông qua hệ thống thương lái, chi phí trung gian lớn, không tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp.
- Nguyên nhân của tình trạng này là gì, thưa Thứ trưởng?
Nguyên nhân khiến việc liên kết theo chuỗi giá trị còn nhiều khó khăn, thứ nhất, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có nguồn lực tài chính yếu, quản trị doanh nghiệp kém nên chưa đủ điều kiện làm “đầu tàu” dẫn dắt liên kết chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự cần thiết xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, những lợi ích mang đến khi tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị chưa được nghiều, mới dừng lại ở những hội thảo chuyên đề, chưa thẩm thấu đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, có cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi còn bất cập, khó nhân rộng các mô hình để tạo ra sự thay đổi diện mạo của sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vừa mới ban hành, thời gian triển khai thực hiện ngắn nên chưa đánh giá được kết quả.
Có thể bạn quan tâm
03:09, 21/02/2020
04:00, 20/02/2020
- Vậy theo Thứ trưởng, cần có những giải pháp đột phá gì để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản?
Để công nghiệp chế biến nông sản phát triển mạnh theo tôi cần một số giải pháp, thứ nhất là việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường, trong đó chú trọng đa dạng hóa thị trường nhất là phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường “ngách”, đặc biệt quan tâm đến thị trường trọng tâm, trọng điểm của nông sản Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản...
Cùng với đó là phải coi trọng phát triển thị trường tiêu thụ nội địa, là thị trường tiềm năng với trên 110 triệu người tiêu dùng vào năm 2030 và là giải pháp để hỗ trợ thị trường xuất khẩu.
Thứ hai là cần tổ chức sản xuất nguyên liệu, phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản và tổ chức sản xuất nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến. Trên cơ sở đó thực hiện việc rà soát quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sản xuất cây trồng vật nuôi, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, có tính đến những tác động của biến đổi khí hậu để xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung đảm bảo đủ nguyên liệu cho cơ sở chế biến đạt công suất thiết kế.
Đồng thời, phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản, găns kết chế biến với việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm, bao gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; Nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương; Phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản tại các địa phương, các vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực.
Lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.
Thứ ba, đẩy mạnh đầu tư vào chế biến nông sản, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm. Tập trung đầu tư mạnh để phát triển sản xuất, chế biến những ngành hàng nông lâm thuỷ sản còn nhiều dư địa về thị trường mà Việt Nam có lợi thế và những ngành hàng mà tỷ lệ nông sản được đưa vào chế biến còn thấp như: các loại rau quả, thịt, trứng… Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến sâu nông sản hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm.
Thứ tư, nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ vào chế biến và bảo quản nông sản. Đẩy nhanh cách mạnh công nghiệp 4.0.
- Muốn vậy, việc hoàn thiện cơ chế chính sách cần thực sự tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp, thưa Thứ trưởng?
Phải khẳng định chúng ta đang hướng xây dựng chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, phát triển các công ty, tập đoàn tư nhân lớn về chế biến - kinh doanh các ngành hàng nông lâm thủy sản có thương hiệu nổi tiếng mang tầm cỡ quốc tế.
Đồng thời, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô nhỏ và vừa để tiêu thụ sản phẩm nông sản tại chỗ cho người nông dân. Hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư đối với từng địa bàn có tính đặc thù của các vùng, miền, ngành hàng.
Đặc biệt, hoàn thiện chính sách đất đai, cụ thể, xây dựng khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp, cho phép mua thuê lại đất của nông dân để cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chuyên canh nông sản hàng hoá quy mô lớn, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến.
Về chính sách thương mại, hội nhập, triển khai công tác cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời tận dụng tốt các quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam trong thương mại quốc tế.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!