Các Đại biểu cho rằng, thực tế công tác xử lý trách nhiệm thiếu nghiêm minh khi để xảy ra các vụ cháy nổ và “văn hoá đổ lỗi” là nguyên nhân đẩy những vụ cháy nổ tới con số báo động.
Thảo luận tại Nghị trường về những con số báo động tình trạng cháy, nổ, các Đại biểu đề nghị thanh tra, kiểm tra xử lý dứt điểm, kiên quyết đình chỉ các dự án cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về PCCC, công khai danh sách các đơn vị vi phạm pháp luật về PCCC.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) nêu quan điểm: "Phải tránh tình trạng cháy rồi mới rút kinh nghiệm. Đặc biệt phải khắc phục được nguyên nhân đầu tiên là công tác tuyên truyền chưa đảm bảo yêu cầu nên không bao phủ được các địa bàn, không đến được nhiều đối tượng, không làm chuyển biến được nhận thức của người dân".
Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, đã đến lúc nhìn thẳng vào thực trạng phòng, chống cháy nổ hiện nay để thấy những lỗ hổng cần phải truy trách nhiệm, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Trước tiên, Đại biểu nhấn mạnh tới lỗ hổng trong những văn bản hướng dẫn. “Qua tham gia một số đoàn giám sát, tôi nhận thấy có sự chồng chéo, bấp cật, thiếu thống nhất, sự lạc hậu của các quy định pháp luật, không chỉ quy định pháp luật trực tiếp về phòng, chống cháy nổ mà cả các quy định liên quan ở đối tượng xây dựng, giao thông, điện lực. Đây là nguyên nhân khiến các địa phương lúng túng trong thực hiện”, Đại biểu Mai Hoa nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
09:59, 13/11/2019
10:45, 13/11/2019
04:00, 13/11/2019
20:50, 29/06/2019
Bên cạnh đó, Đại biểu cho rằng “lỗ hổng trong thực hiện cũng khá rõ”. Cơ quan chức năng khẳng định làm tốt công tác tuyên truyền, nhưng người dân khi được hỏi thì bảo không biết. Cơ quan chức năng khẳng định quan tâm thực hiện kiểm tra, giám sát nhưng những sai phạm trong cháy nổ phát hiện và xử lý rất ít.
Thực tế khi sự cố cháy nổ xảy ra mới xem xét nguyên nhân, quy trách nhiệm. Cháy rừng ở một vài địa phương thì các địa phương khác quan tâm đến công tác phòng chống cháy rừng. Cháy quán karaoke ở một địa phương thì ở các địa phương khác rà soát phòng, chống cháy nổ ở đây. Cháy chung cư ở một địa phương thì người dân, cũng như chính quyền ở các địa phương khác mới quan tâm, lo lắng giám sát nhiều hơn.
Theo Đại biểu, chuyện đáng buồn là khi quy trách nhiệm thì có tình trạng đổ lỗi: “Trên đổ lỗi cho dưới là không chấp hành, dưới đổ lỗi cho trên là không hướng dẫn. Người dân cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền cho là người dân không chấp hành”.
Cho rằng “đây là văn hóa đổ lỗi trong quy trách nhiệm”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, chúng ta phải nhìn thẳng vào các tồn tại, bịt ngay lỗ hổng trong công tác xây dựng lập pháp, hướng dẫn triển khai thực hiện, giám sát thực hiện. Hơn hết là hãy dừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn, từ đó tìm giải pháp phù hợp hơn.