Kế nghiệp, duy trì và phát triển doanh nghiệp qua nhiều thế hệ là mong muốn của các doanh nghiệp gia đình.
Dù định hướng cho thế hệ kế cận từ rất sớm thông qua định hướng nghề nghiệp và đào tạo tại các nền giáo dục tiên tiến nhưng phần lớn các doanh nghiệp gia đình Việt Nam đều đang gặp khó khăn trong quá trình chuyển giao cho thế hệ thứ hai và những thế hệ tiếp theo.
Nguyễn Thị Vinh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương Mại Thái Hưng Quá trình chuẩn bị cho việc chuyển giao từ thế hệ thứ nhất sang thế hệ thứ hai diễn ra từ rất sớm. Chính vì vậy, hế hệ thứ hai được thừa hưởng rất nhiều thành quả, nền tảng mà thế hệ đi trước dày công xây dựng. Đây vừa là thuận lợi nhưng cũng tạo ra áp lực rất lớn cho thế hệ thứ hai trong quá trình phát triển. Đến thời điểm này, Thái Hưng đang đi đúng lộ trình mà thế hệ đi trước đã định vị, đứng trong top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất ngành thép Việt Nam và đang những bước bứt phá phù hợp với xu hướng phát triển. Chúng tôi cũng bước sang một số lĩnh vực khác để tận dụng cơ hội, lợi thế của tỉnh Thái Nguyên. Từ thực tế chuyển giao thế hệ thứ nhất sang thế hệ thứ hai, ngay từ bây giờ, chúng tôi đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc chuyển giao sang thế hệ tiếp theo. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới khâu giáo dục đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng với chiến lược phát triển nhận sự dài hạn. Nguyễn Duy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần KOVA Trading Mỗi doanh nghiệp có những vấn đề riêng, không giống nhau, vì vậy rất khó để tìm được mô hình chung trong chuyển giao của các doanh nghiệp gia đình cũng như công thức kết nối giữa các thế hệ. Bản thân tôi đã tham gia cùng doanh nghiệp của gia đình 8 năm. Lúc đầu chỉ vì cảm nhận được khó khăn, vất vả của các thành viên trong gia đình, muốn chia sẻ cùng. Bản thân tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu, chưa thấy được giá trị cốt lõi của doanh nghiệp nhưng từ thực tế công việc tôi tự đặt hàng loạt câu hỏi: Doanh nghiệp gia đình mình tồn tại được bao lâu? Giá trị mang doanh nghiệp lại là gì? Điều gì giúp doanh nghiệp đi xa hơn? Câu trả lời mà tôi tự có được, đó là phải tạo ra được các giá trị xã hội. Chúng tôi mong muốn tạo ra một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội. Bởi vậy, tôi cho rằng, muốn có sự chuyển giao kế nghiệp tốt phải tìm ra được thành viên trong gia đình có thể đưa doanh nghiệp đến một đích nào đó, có mục tiêu rõ ràng. Đặc biệt, phải có sự nuôi dưỡng những đam mê từ nhỏ để có sự thấm nhuần. Đam mê thì mới đi được xa. |
Giai đoạn mong manh
Nguyễn Duy Ninh là thế hệ thứ hai trong doanh nghiệp gia đình, được đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin tại Đức. Dù định hướng từ rất sớm để kế nghiệp nhưng quá trình học tập ở nước ngoài, Nguyễn Duy Ninh có ý tưởng startup trong lĩnh vực công nghệ thông tin và tìm được nhà tài trợ vốn. Nguyễn Duy Ninh trăn đã trở rất nhiều trong việc lựa chọn ở lại Đức khởi nghiệp theo đúng lĩnh vực mình đam mê hay quay về Việt Nam tiếp quản, điều hành doanh nghiệp gia đình. Cuối cùng, anh quyết định về Việt Nam.
Sau rất nhiều nỗ lực, đến nay, Nguyễn Duy Ninh vẫn theo đuổi được niềm đam mê phát triển sự nghiệp của riêng mình là thành lập, phát triển công ty A2H chuyên sản xuất, xuất khẩu phần mềm trong lĩnh vực y tế vừa tiếp nhận chuyển giao công việc với vai trò Giám đốc dự án, tập đoàn Hồ Gươm. Đây là một sự “may mắn” cho cá nhân anh và cả Tập đoàn Hồ Gươm bởi quá trình chuyển giao đang diễn ra khá hoàn hảo.
Để chuyển giao kế nghiệp thành công, giữa các thế hệ phải thường xuyên có đối thoại, phản hồi và thế hệ kế nghiệp phải được trao quyền.
Tuy nhiên, những trường hợp như Ninh không nhiều. Việt Nam đang hình thành một thế hệ con em sinh ra trong gia đình doanh nhân có nhiều lợi thế như: được tiếp xúc, định hướng nghề nghiệp từ rất sớm; được đào tạo tại các nền giáo dục tiên tiến. Nhưng phần lớn các doanh nghiệp gia đình Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong quá trình chuyển giao cho thế hệ thứ hai và những thế hệ tiếp theo.
Đây là một thách thức rất lớn đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam và nền kinh tế. Không lâu nữa, quá trình chuyển giao từ thế hệ thứ nhất sẽ diễn ra trên quy mô lớn vì phần lớn các doanh nghiệp gia đình của Việt Nam đều được hình thành sau những năm 90 của thế kỷ trước. Nếu không có chiến lược, kế hoạch chuyển giao kế nghiệp rõ ràng, sẽ rất khó thành công.
Nhiều chuyên gia khẳng định, giai đoạn mong manh nhất đối với một doanh nghiệp gia đình là giai đoạn doanh nghiệp được truyền từ thế hệ sáng lập sang thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, khảo sát doanh nghiệp gia đình năm 2018 của PwC với 2953 người tham gia tại 53 quốc gia cho thấy có tới 85% không có kế hoạch kế nhiệm bài bản và chi tiết.
Còn theo nghiên cứu của Deloitte toàn cầu, chỉ có 30% doanh nghiệp gia đình thực hiện chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 2, 12% chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 3 và chỉ 3% chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 4 và các thế hệ tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 07/04/2019
11:05, 03/04/2019
15:15, 20/02/2019
12:00, 11/02/2019
Nguyên tắc vàng cho thành công?
Rất khó tìm ra một “công thức chung” cho chuyển giao thành công cho tất cả các doanh nghiệp gia đình vì có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến việc chuyển giao, kể cả yếu tố thị trường và cạnh tranh.
Tuy nhiên trên cơ sở khảo sát, PwC đã đưa ra 5 nguyên tắc để xây dựng chiến lược kế nhiệm hướng tới tương lai.
Thứ nhất, vạch ra định hướng về ban lãnh đạo, HĐQT và chủ sở hữu trong tương lai để xây dựng được một kế hoạch kế nhiệm bài bản, chi tiết.
Thứ hai, lập kế hoạch chiến lược trung hạn với trọng tâm là quá trình chuyển giao và hỗ trợ thế hệ kế nhiệm trở thành những nhà quản lý mới của doanh nghiệp
Thứ ba, việc kế nhiệm các vị trí lãnh đạo cần được đưa vào chiến lược dài hạn (5-15 năm). Doanh nghiệp cần nhiều ứng viên khác nhau và cho họ cơ hội đào tạo và phát triển.
Thứ tư, các thành viên HĐQT với góc nhìn đa dạng về ngành nghề sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được sự thay đổi, đặc biệt là về kỹ thuật số.
Thứ năm, kế hoạch kế nhiệm cần tính đến cơ cấu sở hữu hiệu quả nhất cho doanh nghiệp và gia đình có nhiệm vụ đánh giá lại thường xuyên cơ cấu này.
Ông Trần Quí Thanh - Tổng giám đốc Tan Hiep Phat" target="_self" rel="">Tân Hiệp Phát từng nói với CNBC: “Tôi phải chọn đúng người để trở thành CEO của công ty và giao trách nhiệm cho người tốt nhất. Tôi hy vọng con cái sẽ làm việc chăm chỉ để đạt được điều đó, thay vì nghiễm nhiên được hưởng đặc quyền, vì thừa kế không phải là đặc quyền, nó là trách nhiệm”.
Trần Uyên Phương – con gái ông Thanh chia sẻ: “Cha tôi có thể rất khắt khe khi nuôi dạy con cái, nhưng ông muốn tạo ra văn hóa lao động chăm chỉ và thành quả chỉ đến với người xứng đáng. Và quả thực, tôi và em gái đã chăm chỉ như cha đã từng. Chúng tôi còn ngủ ít hơn ông ngày xưa, chỉ 4 tiếng mỗi ngày, cha tôi giờ đã được ngủ 6 tiếng, thay vì 4 tiếng như ngày xưa. Ông cũng bắt đầu đến phòng gym 6 ngày mỗi tuần. Ông là người không bao giờ làm điều gì một cách nửa vời”.
Thành viên trẻ tuổi cần phải đặt ra tiêu chuẩn rõ ràng về hành vi và thành tưu. Tham gia công việc của gia đình không nên được coi là đặc quyền. Đó nên là thứ mà chúng phấn đấu để đạt được chứ không phải nghiễm nhiên được thừa kế.
Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam: 95% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp gia đình và 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam chiếm tới 20% GDP. Nhưng phần lớn các doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang được dẫn dắt chủ yếu từ thế hệ đầu hoặc đang có sự đan xen quản lý và điều hành giữa hai thế hệ nên thực trạng chuyển giao “quyền lực” nếu có chỉ có thể nói đại đa số là vẫn trong thời kỳ quá độ, đan xen chứ chưa thấy được sự chuyển giao tuyệt đối. Mong muốn của chúng tôi là có “thực đơn” tốt nhất cho doanh nghiệp gia đình Việt Nam phát triển chuyên nghiệp và chuyển giao kế nghiệp thành công. “Bởi vậy, tôi cho rằng, giữa các thế hệ phải thường xuyên có đối thoại, phản hồi và thế hệ kế nghiệp phải được trao quyền. Làm sao để thế hệ sau hiểu được họ có thể làm tốt hơn. Bên cạnh nỗ lực định hướng từ các thế hệ đi trước thì ý thức, tinh thần học tập của thế hệ kế nghiệp cũng sẽ quyết định sự chuyển giao thành công” - ông Đoàn nhấn mạnh.
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam phối hợp với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sự kiện thường niên lần thứ 3: Diễn đàn Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2019 với chủ đề “Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công”. Thời gian tổ chức Diễn đàn từ 08h30 – 12h00, thứ ba, ngày 25/6/2019, tại tầng 7, Trung tâm Thương mại quốc tế, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội. Chương trình mở cửa miễn phí. |