Gần 10 năm đi vào hoạt động nhưng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ - “cổng trời” Tây Đô chỉ mới khai thác được hơn 20% công suất.
Sáng ngày 06/6/2018, từ Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, chuyến bay mang số hiệu VZ.3971 của hãng hàng không Thai VietJet Air đã cất cánh đưa 179 hành khách đầu tiên từ vùng đất Tây Đô bay thẳng đến thành phố Bangkok, Thái Lan mở đầu cho 28 chuyến bay khứ hồi trong mùa hè 2018 này.
Bất ngờ với tiềm năng
Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ và khu vực Tây Nam bộ, cho biết chúng tôi dự báo lượng khách đặt tour Thái Lan sẽ tăng khoảng 30% so với năm trước nên đề nghị Công ty Cổ phần Dịch vụ Vận chuyển Thế giới (WorldTrans), hãng hàng không Thai VietJet Air chỉ khai thác khoảng 7 chuyến charter Cần Thơ – Bangkok trong mùa hè này.
Tuy nhiên, sau đó thấy chưa đáp ứng nhu cầu nên đề nghị tăng thêm hàng chục chuyến nữa mà vẫn còn thừa khách đăng ký.
Ông Vũ Đức Biên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc WorldTrans cũng tỏ ra bất ngờ với lượng khách tăng nhanh ở đường bay này.
“Ban đầu chúng tôi chỉ dự định mở 8 chuyến bay Charter đường bay này. Tuy nhiên, sau đó thấy lượng khách liên hệ đặt vé khá đông nên quyết định tăng lên 28 chuyến... Điều khá bất ngờ là chỉ sau 60 ngày kể từ ngày họp báo công bố và mở bán thì toàn bộ 5.000 vé của 28 chuyến bay được đặt mua sạch. Hiện nay, nhu cầu du khách đi lại đường bay này vẫn còn nên chúng tôi đang đàm phán với Thai VietJet Air duy trì đường bay này đến hết năm nay. Đồng thời, WorldTrans cũng lên kế hoạch khai thác các chuyến bay thẳng đến Đài Loan, Hàn Quốc từ Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ trong dịp Quốc khánh 2/9 và tết Dương lịch”, ông Biên chia sẻ.
Tiềm năng lớn, khai thác nhỏ
Năm 2005, Dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ được khởi công xây dựng đến đầu năm 2011 dự án đã hoàn thành cả hai giai đoạn với tổng kinh phí đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, năng lực tiếp nhận máy bay vận tải lớn như B777-300ER, B747-400 và tương đương, công suất phục vụ 3-5 triệu hành khách/năm.
Vùng ĐBSCL có hơn 19 triệu dân - là vùng sản xuất nông sản lớn nhất cả nước. Nếu không tính một số vùng ven TP HCM như Long An, Tiền Giang, Bến Tre có thể dùng chung sân bay với TP HCM thì sân bay Cần Thơ vẫn còn đối tượng phục vụ hơn chục triệu dân, đó là chưa kể nhu cầu đi lại của khách du lịch, nhà đầu tư muốn đến vùng này.
Trong khi đó, cả vùng hiện có 4 sân bay, nhưng chỉ có sân bay Cần Thơ và Phú Quốc là sân bay quốc tế. Sân bay Phú Quốc thì chỉ phục vụ cho khách đi, đến đảo, còn sân bay Cần Thơ mới thật sự là phục vụ cho cả vùng.
Tuy tiềm năng là vậy nhưng trong thời gian qua lượng hành khách qua cảng năm cao nhất chỉ đạt 700.000 lượt gần 4.000 tấn hàng hóa, bưu kiện, đạt chưa đến 30% công suất thiết kế và chủ yếu là bay nội địa. Việc mở thêm đường bay mới, bay quốc tế đã được địa phương tính đến nhưng nhiều năm vẫn chưa thực hiện được.
Theo Phó giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, Lê Tiến Dũng: Do sự mất cân đối giữa khách đi và khách đến làm cho nhiều chuyến bay chiều trở về không đảm bảo lượng khách để các hãng hàng không có lãi. Đây là điều nan giải hiện nay trong mở đường bay mới tại sân bay Cần Thơ. Địa phương cũng đã tính đến phương án hỗ trợ bù lỗ cho đường bay mới nhưng chưa được thông qua.
Ông John Lindquist, cố vấn cấp cao của The Boston Consulting Group (BCG, đơn vị tư vấn dự án "Phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu") chia sẻ: "Một đường bay mới phải mất ít nhất 3 năm để ổn định, cho nên để mở một đường bay mới, buộc phải có chính sách hỗ trợ từ chính quyền, cùng chiến lược kinh doanh, quảng bá hiệu quả. Để du lịch Cần Thơ và ĐBSCL trở thành ngành mũi nhọn, thì mở các đường bay là yếu tố đầu tiên phải được quan tâm.