Theo ĐBQH Bùi Xuân Thông, cần đánh giá thêm Công ước này vì có nhiều điều mới, liệu đưa vào có phát huy tác dụng tại doanh nghiệp hay không?
Tạo cơ sở pháp lý cho người lao động
Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ còn một số quy định của Bộ luật Lao động về một nội dung là bảo đảm tính tự nguyện trong thương lượng tập thể là chưa hoàn toàn tương thích với Công ước số 98, cần được sửa đổi, bổ sung khi gia nhập Công ước. Những nội dung có liên quan đến vấn đề này đều đã được đưa vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Việc gia nhập và triển khai thực hiện Công ước số 98 sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác trong quan hệ lao động như làm thêm giờ, bữa ăn giữa ca và các chế độ phúc lợi khác…
Theo ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội: "Đây chính là nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động tại Việt Nam phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, giúp cho sự phát triển đi theo đúng hướng, tiến tới xây dựng quan hệ lao động hiện đại ở Việt Nam".
Còn một số điểm cần làm rõ
Theo ĐBQH Bùi Xuân Thông (Đồng Nai), cần đánh giá thêm Công ước này vì có nhiều điều mới, liệu đưa vào có phát huy tác dụng tại doanh nghiệp hay không. Trong khi, hiện tại đang có tổ chức công đoàn, trong luật cũng quy định có tổ chức đại diện của người lao động để thỏa thuận tất cả các vấn đề thương lượng lao động tập thể hoặc các vấn đề khác. “Đây là vấn đề cần được phân tích thêm”, ông Thông nói.
Về thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp, ông Thông nhận thấy “gần giống” như quy định về thành lập hội hiện nay. Đại biểu Bùi Xuân Thông phân tích: Tổ chức này phải phải giải quyết những khiếu nại, thắc mắc của người lao động. Nhưng nếu giải quyết không đúng và không tốt thì ai sẽ đứng ra xử lý vấn đề này? Điều này trong luật chúng ta không quy định rõ, mà chỉ quy định tổ chức này phải hoạt động theo đúng hiến pháp, pháp luật và điều lệ. Tuy nhiên, những tranh chấp, phát sinh trong nội bộ tổ chức này thì ai giải quyết?
Tại phiên thảo luận ở tổ chiều 29/5 về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) tán thành việc thông qua Công ước số 98, song có một số điểm đại biểu này muốn được làm rõ thêm.
Cụ thể, với nội dung sửa đổi vai trò đại diện của công đoàn cấp trên, công đoàn cơ sở đại diện cho người lao động sẽ tiến hành thương lượng. Tức là, nếu theo Công ước sẽ không có cấp trên đại diện, từ đây bà Như Ý đặt câu hỏi và thắc mắc: Đối với các doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn hoạt động theo hệ thống công đoàn Việt Nam, cũng như không có tổ chức đại diện ở công đoàn cơ sở thì sẽ như thế nào?
“Như vậy, nếu người lao động muốn thương lượng thì bên nào sẽ là bên đại diện cho người lao động? Nếu doanh nghiệp chưa kịp thành lập tổ chức công đoàn, vậy ai sẽ là người đại diện để làm một bên thương lượng với người sử dụng lao động?”, bà Như Ý nêu ý kiến.
Còn nếu thương lượng ở bất cứ cấp nào, theo bà Như Ý, trong khi ở luật hiện hành, chúng ta chỉ được thương lượng ở 2 cấp, đó là cấp doanh nghiệp và cấp ngành. Nhưng với quy định trong Công ước số 98, hai bên thương lượng có thể chọn cấp nào cũng được. Ví dụ, cấp vùng, cấp nhóm hay cấp các bên thương lượng định hướng được.
“Trong nội dung báo cáo thẩm tra có nêu, đối với nội dung thương lượng các bên liên quan có thể chọn cấp thương lượng bao gồm: cấp quốc gia, khu vực, cấp ngành hoặc bất kỳ cấp nào mà họ mong muốn. Nếu không có sự hạn chế và giới hạn thì sẽ rất phức tạp trong việc chọn lựa cấp thương lượng. Và đây là nội dung khiến tôi rất lo lắng”, bà Như Ý bày tỏ.