Các cuộc khủng hoảng dù mang đến những thách thức không nhỏ nhưng cũng là cơ hội sàng lọc để chọn ra các startup đủ mạnh để tiến đến một thời kỳ phát triển nhanh hơn trong tương lai.
Trước cơn bão COVID-19, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đều đang điêu đứng và phải mạnh tay cắt giảm chi phí, nhân sự. Với những doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là startup càng lại khó khăn trước cuộc đào thải khốc liệt này.
Theo một cuộc khảo sát từ tổ chức Startup Genome, khoảng 74% startup tại 45 quốc gia buộc phải sa thải nhân viên toàn thời gian do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Phần lớn các startup chỉ còn đủ vốn duy trì trong vài tháng trong khi gần như "tắt hy vọng" về việc huy động được thêm vốn trong ngắn hạn. Điều này sẽ khiến hơn 60% start-up phải đóng cửa sau khi dịch COVID-19 kết thúc.
Theo số liệu được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, gần 63.500 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm nay, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2019. Bình quân mỗi tháng khoảng 9.060 doanh nghiệp đóng cửa, tập trung nhiều ở nhóm quy mô vốn nhỏ và mới thành lập. Gần 33.000 doanh nghiệp trong số này đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng trên 40% so với cùng kỳ. Đây là năm ghi nhận lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh nhiều nhất kể từ năm 2015 đến nay, tăng đều ở tất cả các lĩnh vực.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vui chơi giải trí, dịch vụ lưu trú và ăn uống có tỉ lệ ngừng kinh doanh cao nhất. Điểm đặc biệt nhất chính là hầu hết doanh nghiệp đóng cửa có thời gian hoạt động ngắn, một nửa là dưới 5 năm và quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng, trong đó có một lượng lớn startup.
Hàng hoạt startup đình đám tuyên bố phá sản, thu hẹp quy mô hoạt động hoặc sáp nhập với các đối thủ để tìm hướng vượt qua khủng khoảng. Cùng với đó là hàng ngàn startup nhỏ, siêu nhỏ chưa có sản phẩm hình thành, nhiều startup mới là ý tưởng và đang trong quá trình xây dựng, nhiều startup còn chưa kịp thành lập doanh nghiệp đã bị "lũ" COVID-19 cuốn trôi.
Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị NextTech Group, giải thích, các startup vốn dĩ không hề có lượng tiền dồi dào, chưa kể mô hình của nhiều startup có vấn đề và dịch bệnh chỉ thúc đẩy nhanh hơn quá trình phá sản.
Chuyên gia này cũng đưa ra lời khuyên, những ai đang có mong muốn khởi nghiệp trong thời điểm hiện tại thì nên dừng lại, trừ khi tìm được đúng “long mạch” để phát triển. Còn những ai đã khởi nghiệp thì nên tổ chức lại cơ cấu, thực hiện chuyển đổi số, cắt giảm mọi chi phí từ marketing, quảng cáo... nhằm đạt được mục tiêu thu đủ bù chi.
“Nếu quá khó khăn, tôi xin gửi một câu cho các nhà sáng lập startup: “Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt”, nên biết lùi bước, buông bỏ đúng lúc, đừng để phải đi vay nặng lãi mà hãy giải tán sớm startup hiện tại và tìm cơ hội làm lại trong tương lai”, ông Bình đưa ra lời khuyên.
Trong năm 2019, số vốn đổ vào các startup công nghệ tại Việt Nam chiếm 18% toàn Đông Nam Á, trong khi của Singapore là 17%. Các startup Việt Nam đã có nhiều thương vụ gọi vốn lớn lên tới hàng trăm triệu đô như của MoMo, VNPAY...
Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, các startup còn lại chỉ gọi được 670 triệu USD, ít hơn nhiều so với năm 2018 (gần 900 triệu USD). Thực tế này cho thấy, cuộc đua khởi nghiệp đã bước vào giai đoạn chắt lọc, đặc biệt là khi dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2020. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong năm 2020 số vốn đổ vào các startup tại Việt Nam sẽ tiếp tục giảm so với năm 2019 và tới năm 2021 có thể sẽ chạm đáy.
Là chuyên gia trong lĩnh vực việc làm, bà Phạm Lan Khanh, người sáng lập kiêm CEO FreelancerViet, cho rằng COVID-19 là liều thuốc thử cho tất cả DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp. Điểm chung của các startup là tìm ra các cơ hội mới trong đại dịch, triển khai một cách nhanh chóng và đưa ra thị trường để tận dụng xu hướng chuyển dịch đang diễn ra.
Các cuộc khủng hoảng dù mang đến những thách thức không nhỏ cho đa phần startup nhưng đó cũng có thể là cơ hội sàng lọc các startup đủ tốt, vượt qua giai đoạn khủng hoảng để tiến đến một thời kỳ phát triển nhanh hơn trong tương lai.
Đồng quan điểm, bà Quỳnh Võ, Giám đốc Phát triển Quỹ đầu tư mạo hiểm Zone Startups Việt Nam, cho rằng qua dịch COVID-19, các startup, dù không muốn, cũng phải bước vào giai đoạn chọn lọc.
Các nhà đầu tư, các quỹ có tính chọn lọc còn cao hơn nữa. Họ sẽ nhìn xem việc kiểm soát dòng tiền của startup có tốt hay không, vì hiện nay thị trường đã chuyển qua cuộc chiến về dòng tiền, chi phí và startup phải chứng minh khả năng của mình nhiều hơn để vượt qua thời kỳ dịch bệnh.
“Đối với các quỹ, đơn cử như Zone Startups, chúng tôi đã luôn có kế hoạch dự phòng ngay cho các công ty khởi nghiệp khi COVID-19 bùng phát. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các startup hoàn thiện lại mô hình kinh doanh và tối ưu hóa Runway (khoảng thời gian cho tới khi doanh nghiệp tiêu hết tiền), cắt giảm chi phi marketing”, bà Quỳnh Võ nhận định.
Cũng theo bà Quỳnh Võ, dịch bệnh là cơ hội để thế giới sản sinh ra nhiều hình thức kinh doanh doanh mới. Trước dịch COVID-19, không ai nghĩ là sẽ làm việc tại nhà hoàn toàn, nhưng hiện có rất nhiều công ty công nghệ cung cấp phương tiện làm việc và đã phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, các nền tảng livestream cũng phát triển rất nhanh trong giai đoạn này.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hòa Bình, các startup có năng lực thực sự, mô hình tốt, kinh doanh thực chất sẽ ngày càng gọi được vốn lớn, bất kể trong dịch COVID-19 hay không. Mặt khác, dịch COVID-19 như là một cú hích lớn cho lời kêu gọi chuyển đổi số và đây thực sự là cơ hội vàng để Việt Nam đưa ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số lên một tầm cao mới.
“Công nghệ chính là xu hướng của toàn cầu. Có thể thấy giá trị cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn trên toàn cầu đều tăng phi mã ngay trong dịch COVID-19, trái ngược hoàn toàn với các ngành nghề kinh doanh truyền thống”, ông Bình nhận định.
Qua các báo cáo thị trường nửa đầu năm 2020 vừa được công bố, danh sách startup Việt Nam đạt mốc định giá trên 100 triệu USD tiếp tục được nối dài với các cái tên mới, theo bộ phận nghiên cứu của Cento Ventures.
Trong đó, nổi bật có 2 startup vươn lên mức định giá trên 500 triệu USD là VNPay và Tiki. Tiki đã gọi thành công vòng vốn hơn 100 triệu USD ngay giữa thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến căng thẳng. Nhiều ngành kinh tế có thể chịu tác động tiêu cực vì dịch, nhưng với nhà đầu tư, thương mại điện tử không nằm trong số đó.
Sau giai đoạn cao điểm dịch, một startup Việt quy mô lớn khác là Momo cũng vừa cho biết đã cán mốc 20 triệu người dùng, với tốc độ tăng trưởng người dùng 100% chỉ sau 1 năm. Thậm chí, startup này còn đặt mục tiêu trở thành một siêu ứng dụng, một nền tảng mở giúp các khách hàng doanh nghiệp chuyển đổi số.
Các startup "lớn nhanh" nhất trong giai đoạn vừa qua tập trung vào 2 ngành là thương mại điện tử và thanh toán số. Qua báo cáo của DealStreetAsia, 2 lĩnh vực này trở thành nơi hút vốn đầu tư startup nhiều nhất tại Đông Nam Á, với 700 triệu USD cho thương mại điện tử và 500 triệu USD cho thanh toán điện tử.
Ngoài ra, các startup cung cấp những giải pháp chuyển đổi số cũng đang nhận được lượng lớn vốn đầu tư từ các quỹ, điển hình là Next100 của Shark Bình. Từ đầu năm tới nay, Next100 đã đầu tư cho nhiều startup như bot bán hàng, Computer Vision Việt Nam - startup về giải pháp trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính cho các công ty fintech đều đã nhận được số tiền lên tới 10 tỉ đồng.
Theo ông Huỳnh Công Thắng, đồng sáng lập trung tâm hỗ trợ startup Innolab.Asia, trong báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á - Việt Nam 2019 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, nền kinh tế số Việt Nam ghi nhận giá trị 12 tỉ USD năm 2019, bao gồm các lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ. Như vậy, từ giá trị chỉ 3,8 tỉ USD vào năm 2015, đến nay nền kinh tế số của Việt Nam đã tăng hơn 3 lần. Đây sẽ tiếp tục là xu hướng trong tương lai chứ không chỉ bùng nổ trong dịch COVID-19.
Dịch bệnh chỉ là cơ hội để các hình thức trực tuyến tiếp cận nhanh hơn các thị trường và khách hàng. Trong tương lai, những sản phẩm liên quan tới công nghệ y tế khám chữa bệnh từ xa, ví điện tử, fintech cũng sẽ phát triển rất tốt.
Ông Thắng cũng cho rằng, trên thực tế, tiền đầu tư cho các startup từ các tập đoàn này hoàn toàn không thiếu. Vấn đề ở đây là startup cần chứng minh có khả năng sống khỏe sau dịch mà thôi. Ông này cũng đưa ra lời khuyên, các startup Việt Nam cần suy nghĩ thực chất hơn và trở về với điều cốt yếu là phát triển công nghệ, chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ đủ tốt để có thể làm chủ được thị trường trong nước trước.