[COVID-19] Doanh nghiệp da giày đứng trước nguy cơ cạn vốn, đứt nguyên liệu

Diendandoanhnghiep.vn Thiếu nguyên liệu sản xuất, cạn kiệt vốn trong khi vẫn phải chi trả lương cho người lao động,… là những khó khăn mà các doanh nghiệp da giày đang đối mặt.

Gần 3 tháng nay, sự bùng phát và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp, ngành nghề lao đao. Da giày – một trong những ngành công nghiệp chủ lực của đất nước cũng đang chật vật tìm cách duy trì hoạt động, đợi cơn bão “COVID-19” đi qua.

Nguy cơ giảm và thiếu việc làm tháng 4, tháng 5

Theo báo cáo Quý I/2020 của Bộ Công Thương, cùng với dệt may, da giày sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy cơ giảm và thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và nguy cơ mất việc của người lao động.

Bộ Công Thương cho hay, đến nay, khi Trung Quốc đã bước qua đỉnh dịch, nhiều doanh nghiệp đã quay lại sản xuất, do đó việc nhập khẩu nguyên phụ liệu của nhiều doanh nghiệp da giày tại Việt Nam đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, từ tháng 3, toàn cầu bước vào giai đoạn đại dịch với mức độ lây lan nhanh nguy hiểm.

da giày sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy cơ giảm và thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5

Da giày sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy cơ giảm và thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5.

Hiện nay, do dịch bệnh, Chính phủ các quốc gia đang ban hành những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập, mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... khiến nhu cầu mua bán hàng hóa như giày dép tại các thị trường nêu trên giảm sút.

Việc đóng cửa biên giới (closure of external borders) không phải là phong tỏa các hoạt động, tuy nhiên, giao thương giữa các nước với các đối tác trong đó có Việt Nam, theo Bộ Công Thương cũng sẽ phần nào bị hạn chế.

Theo ước tính của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, với tình hình thị trường như hiện nay, dự báo tới giữa tháng 4 khoảng 70-80% doanh nghiệp ngừng việc sẽ ảnh hưởng tới khoảng 800.000 lao động; tới cuối tháng 4 tình hình không có gì tiến triển, dự báo hầu hết doanh nghiệp ngừng hoạt động, ảnh hưởng tới khoảng 1,2 triệu lao động trong ngành.

Bên cạnh đó, do hàng loạt hệ thống bán lẻ tại châu Âu và Hoa Kỳ đóng cửa vì dịch, dẫn đến lượng cung - cầu của thị trường; nhu cầu trao đổi hàng hóa; các hoạt động giao thương cũng sẽ phần nào bị hạn chế. Nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu như hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại... sẽ suy giảm.

Ngoài việc xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển gặp khó khăn, dự báo hàng hóa nhập khẩu vào các nước bằng đường hàng không có thể bị ảnh hưởng đáng kể do nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc cắt giảm.

Ngoài ra, vận tải nội khối cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do một số quốc gia siết quy định kiểm soát biên giới.

Do các quy định liên quan đến kiểm soát dịch và nhu cầu suy giảm, một số nhà nhập khẩu đã thông báo tạm dừng nhập khẩu các đơn hàng đã ký kết, da giày sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy cơ giảm và thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và nguy cơ mất việc của người lao động.

Trước diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng tại các nước có thị trường xuất khẩu lớn của ngành da giày như Mỹ và EU, tổng số đơn hàng bị hủy của toàn ngành tại các thị trường ước tính chiếm đến khoảng 70%.

“Nếu không có sự thay đổi về đơn hàng thì dự kiến phần lớn các doanh nghiệp chỉ hoạt động được đến hết tháng 4/2020”, Bộ Công Thương nêu rõ.

Doanh nghiệp lo "không biết đi đâu về đâu"

Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giày Phúc Yên chia sẻ, từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, thị trường tiêu thụ chính của doanh nghiệp là Mỹ và châu Âu đã đóng cửa, ngừng nhập hàng, nhiều đơn hàng bị hủy do dịch bệnh. Đến nay, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa, thông thương trở lại, nguồn nguyên liệu được nhập về nhưng sản phẩm lại bí đầu ra, không tiêu thụ được, khiến tình hình của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Ông Vinh buồn rầu: “Sản lượng giày hiện đã giảm 30 - 40% so với cùng kỳ năm trước, hết tháng 5 tới không biết tình hình thế nào, doanh nghiệp sẽ đi đâu, về đâu. Do phần lớn sản phẩm sản xuất ra để dành cho xuất khẩu nên rất khó tiêu thụ tại thị trường nội địa bởi giá thành cao”.

Từ đầu năm cho đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vẫn đang xuất khẩu đơn hàng cũ, còn đơn hàng đang sản xuất khách hàng đã lùi thời gian giao hàng đến tháng 6, tháng 7. Với tình hình này, doanh nghiệp chỉ có thể cầm cự sản xuất được đến cuối tháng 4 sau đó sẽ phải tiến hành giãn, giảm lao động hoặc cho nghỉ chờ việc.

Với Công ty cổ phần kết nối châu Âu Eurolink tình hình còn bi đát hơn, ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc điều hành cho biết, đây là thời điểm “đen tối” của doanh nghiệp, với đặc thù chuyên sản xuất các mặt hàng thời trang, cả da giày và may mặc, khó khăn hiện hữu còn lớn hơn nhiều các doanh nghiệp khác.

Ông Thành cho biết, đến thời điểm này, vật tư nguyên phụ liệu của công ty đã gần hết, sản xuất bị ngừng trệ, dự tính đến ngày 20/4 sẽ hết nguyên phụ liệu sản xuất. Việc nhập khẩu nguyên liệu hiện giờ là không thể bởi thị trường châu Âu đã đóng cửa, trong khi 70-80% nguyên liệu phải nhập từ Italia, quốc gia đang là tâm dịch của EU. Ban lãnh đạo doanh nghiệp đang rất lúng túng, chưa biết sẽ phải chuyển đổi sản xuất như thế nào để duy trì doanh nghiệp.

Khó khăn tiếp theo là vốn, đối tác khách hàng đã dừng lại các đơn hàng, chưa có thông tin phản hồi để nhận đơn hàng tiếp theo. Các cửa hàng trong nước thì đóng cửa, hoàn toàn không tiêu thụ được sản phẩm, khiến doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn vốn.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, tổng thư ký Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết, diễn biến phức tạp của dịch COVID- 19 khiến các thị trường mua hàng lớn của ngành da giày - túi xách Việt Nam là Mỹ, EU giảm mạnh đơn hàng, nhất là khi các quốc gia và khu vực này đóng cửa biên giới. So với cú sốc nguyên liệu, cú sốc thị trường nghiêm trọng hơn rất nhiều, bởi không chỉ ảnh hưởng tới tài chính của doanh nghiệp mà còn là vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động và biến động lao động sau dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, các hợp đồng đàm phán của quý 2, thậm chí quý 3 chưa thể chốt được do lượng tiêu thụ tại EU, Mỹ giảm mạnh sau các lệnh phong tỏa, đóng cửa điểm bán ở những quốc gia này.

Để gỡ bớt một phần khó khăn cho các doanh nghiệp công nghiệp, Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam, Bộ Công Thương đã kiến nghị cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 2019, 2020; hoãn nộp Thuế VAT đến hết quý 4/2020; Gia hạn và miễn, giảm tiền thuê đất, phí hạ tầng khu công nghiệp, phí xử lý nước thải trong thời gian nhà máy dừng hoạt động do dịch bệnh; Cho phép miễn nộp phí công đoàn năm 2020 cho cả người sử dụng lao động và người lao động.

Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng có giải pháp hỗ trợ giảm tỷ lệ ký quỹ, giảm phí thanh toán quốc tế đối với doanh nghiệp có nhập khẩu nguyên liệu để doanh nghiệp sớm tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất; hỗ trợ kéo dài thời gian vay vốn lưu động lên 11 tháng, bao gồm cả phần đang vay do nguyên phụ liệu về chậm và khách hàng cũng chậm trả, giãn tiến độ giao hàng.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết [COVID-19] Doanh nghiệp da giày đứng trước nguy cơ cạn vốn, đứt nguyên liệu tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711635868 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711635868 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10