COVID-19: Hiệu quả từ việc “chặn đường” chống dịch

Diendandoanhnghiep.vn Từ hàng rào sắt tự chế đến việc dùng gạch, đất thậm chí cả tôn, lốp xe để chặn đường, chống dịch. Đó là cách mà một số địa phương đã và đang áp dụng khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Theo kết quả đánh giá mức độ thành công trong ứng phó với đại dịch, do Viện nghiên cứu Lowy (Australia) công bố ngày 28/1, Việt Nam đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng 98 nước về hiệu quả ngăn chặn và xử lý đại dịch COVID-19.

Nghiên cứu này dựa trên việc đánh giá thông tin của 6 chỉ số y tế được cập nhật liên tục trong 14 ngày tại 98 quốc gia trên thế giới bao gồm tỷ lệ xét nghiệm, số ca mắc và tử vong, số ca mắc trên 1 triệu dân...

Trong bảng xếp hạng này, Lowy đánh giá New Zealand là quốc gia xử lý đại dịch hiệu quả nhất trên thế giới. Còn Việt Nam thì xếp ở vị trí thứ 2 và được Viện Lowy đánh giá là có hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh vượt trội.

Ngay từ những ngày đầu tiên dịch COVID-19 xuất hiện, Việt Nam đã có những quyết sách chiến lược. Đó là sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ Trung ương tới địa phương; là sự quyết tâm, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.

Với những biện pháp quyết liệt như: công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu và đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc vào tháng 4-2020; hạn chế nhập cảnh, cách ly tập trung toàn bộ người từ nước ngoài về; truy vết người tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc; khoanh vùng, cách ly dập dịch… Việt Nam đã thành công trong bước đầu chống dịch ở Hà Nội, Vĩnh Phúc hay Đà Nẵng…

người dân ở một số xã, huyện tại Hải Dương dùng mọi vật liệu từ gạch, cây cối, lốp xe… để rào, lấp một số đường mòn, lối tắt

Người dân ở một số xã, huyện tại Hải Dương dùng mọi vật liệu từ gạch, cây cối, lốp xe… để rào, lấp một số đường mòn, lối tắt

Cuối tháng 1/2021, ổ dịch mới bùng phát tại Hải Dương. Việt Nam lại bước vào một cuộc chiến mới bởi virus lần này là loại biến thể, có tốc độ lây lan nhanh. Từ 0h ngày 16/2, tỉnh Hải Dương thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh. Cũng bắt đầu từ ngày đó, bên cạnh các chốt kiểm soát dịch COVID-19 được thành lập, những hàng rào chắn bằng lốp xe tại huyện Tứ Kỳ, rào tôn cao hơn đầu người tại huyện Kinh Môn, hàng rào bằng gạch ở huyện Kim Thành, hay hàng rào bằng sắt tự chế và cả đất, cát, cây cối xuất hiện…

Tất cả đều được người dân địa phương tự chế để ngăn cách giữa các huyện xã, nhằm hạn chế người và phương tiện ra vào. Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng: Liệu cách làm này có đang đi ngược lại với tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19?

Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, không phải “ngăn sông cấm chợ”, chưa phải phong toả xã hội.

Đúng vậy, tại Hải Dương hiện nay, khi cả 12/12 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Hải Dương đều có ca nhiễm COVID-19, thì địa phương đang nỗ lực từng ngày để chống dịch. Người dân địa phương đã thể hiện tinh thần quyết tâm dập dịch bằng cách chặn mọi đường mòn lối mở giao thông giữa các huyện, xã trong tỉnh, chỉ mở duy nhất một chốt để kiểm soát người ra vào. Họ tận dụng tất cả những vật dụng có thể để lập rào ngăn cách giữa các huyện xã, nhằm hạn chế và ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng.

tỉnh Hải Dương thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh từ ngày 16/2

Tỉnh Hải Dương thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh từ ngày 16/2

Không chỉ ở Hải Dương, ở nhiều địa phương khác, việc chặn hết lối mòn, đường tắt, chỉ mở một lối đi duy nhất cũng từng được vận dụng nhằm mục đích có thể kiểm soát tốt nhất lượng người và phương tiện qua lại.

Thời gian qua, đã xuất hiện nhiều trường hợp người dân trốn chốt hoặc “thông chốt” để đi sang địa bàn khác. Điển hình như vụ việc xảy ra vào khoảng 19h30 ngày 13/2 (tức mùng 2 Tết), tại khu vực chốt kiểm soát dịch COVID-19 cầu Đá Vách, lực lượng chức năng của thị xã Đông Triều đã truy đuổi và khống chế 8 thanh niên điều khiển xe máy đi đường mòn trốn qua chốt kiểm dịch, không thực hiện khai báo y tế.

Cũng đêm mùng 2 Tết, khi 34 thanh niên chạy môtô, xe máy từ Hải Dương cố tình “xuyên thủng” chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 vào Hải Phòng, bỏ qua những nỗ lực ngày đêm chống dịch của lực lượng chức năng. Và nếu chẳng may, một trong số những thanh niên này là “F” (người thuộc diện cách ly, theo dõi y tế…) thì việc vượt chốt sang địa phương khác tuỳ tiện như vậy sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Rồi trong đêm 15/2, 3 công dân từ tỉnh Hải Dương qua đường 10, đến gần chốt cầu Quý Cao đã đi lối tắt không qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 để về huyện Cát Hải. Khi đến Cát Hải, 3 công dân mới chịu đến cơ quan y tế.

Hay trong đêm 19/2, tổ công tác kiểm soát dịch COVID-19 ở Cầu 3 Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh phát hiện 1 xe ôtô bán tải, nhãn hiệu Toyota Hilux, biển kiểm soát 14C-309.61 đang đỗ tại gầm cầu. Qua kiểm tra và khai báo y tế, chỉ có một người được phép vào huyện; 3 trường hợp quê Nghệ An không đủ điều kiện vào nên tổ công tác đã không cho vào. Sau đó các đối tượng này đã tìm cơ hội trốn chốt kiểm soát dịch đi bộ xuống dưới gầm cầu 3 Vân Đồn để đi vào trong địa bàn huyện và lên xe ôtô bán tải để di chuyển vào sâu bên trong nhưng đã bị phát hiện.

Quay trở lại câu chuyện “chặn đường” chống dịch ở Hải Dương. Tại sao họ lại phải làm vậy? Trên thực tế, cách làm trên là hoàn toàn phù hợp với tình hình địa bàn. Tỉnh Hải Dương hiện triển khai 949 chốt kiểm soát, 203 khu cách ly tập trung, phong tỏa 74 khu dân cư, 9 thôn, 2 xã và 2 huyện, thành phố. Lập chốt là thế nhưng vẫn có những trường hợp cố tình vượt chốt, trốn chốt gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch.

Vậy thì việc người dân ở một số xã, huyện tại Hải Dương dùng mọi vật liệu từ gạch, cây cối, lốp xe… để rào, lấp một số đường mòn, lối tắt sẽ buộc các phương tiện và người dân tập trung đi trên đường chính; từ đó giúp cơ quan chức năng giám sát tốt việc ra, vào khu dân cư và kiếm soát dịch có hiệu quả hơn.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp và khó lường. Chính vì thế, công tác phòng chống dịch càng cần đến sự chung tay tham gia một cách có ý thức của cả cộng đồng, người dân chứ không chỉ có các cơ quan quản lý, y tế, bộ đội hay công an... “Chặn đường” chống dịch không chỉ giữ an toàn cho địa phương mà còn giữ an toàn cho cả nước.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết COVID-19: Hiệu quả từ việc “chặn đường” chống dịch tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711679042 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711679042 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10