Thủ tục đơn giản, chỉ cần một cú điện thoại là có ngay tiền tươi, nhưng đến khi trả hết nợ không ít người tán gia bại sản vì "tín dụng đen".
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo 138 (Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống tội phạm của Chính phủ) chiều 26/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu những đánh giá cơ bản về tình hình tội phạm.
Đáng chú ý là phát biểu liên quan đến lĩnh vực tín dụng: “Tín dụng đen đi liền với tội phạm hình sự. Hầu hết các cơ sở cho vay tín dụng đen đều là cho vay mượn, thế chấp nhà cửa đất đai, tài sản. Nhiều vụ mở những giấy cam kết ra thấy như đi cướp ngày”. Bộ trưởng Công an nói.
Có thể bạn quan tâm
12:31, 28/06/2017
13:42, 20/03/2016
09:30, 07/11/2015
00:00, 17/05/2015
00:00, 20/12/2013
Thật ra, không có bất cứ định nghĩa “tín dụng đen” nào là chính thống. Tên gọi “tín dụng đen” xuất phát từ những tín dụng không tốt, xấu ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng nên người ta thêm “đen” vào chữ “ tín dụng”. Tức là, có thể hiểu “tín dụng đen” là hình thức cho vay vốn nhưng có lãi suất cao của cá nhân hoặc một tổ chức nào đó.
Nếu “tín dụng trắng” có tính pháp lý để bảo về người vay và người cho vay thì “tín dụng đen” hoàn toàn nằm ngoài pháp luật. “Tín dụng đen” không được kiểm soát cũng như bảo vệ người vay. Lãi suất “tín dụng đen” không có quy định cụ thể. Hầu như lãi suất do cá nhân hoặc tổ chức cho vay tự đặt, lãi suất thường vượt 150% mức lãi suất căn bản của ngân hàng nhà nước.
Mặc dù rất nhiều hệ lụy đã được phản ánh, nhưng vì nhu cầu chi tiêu và đầu tư sản xuất. Hoặc do suy nghĩ đơn giản và ít biết tính toán lo xa… nên không ít người vẫn chấp nhận đi vay tiền nóng lãi cao để rồi chịu không ít thiệt thòi.
Ví như trường hợp mới đây của bà Nguyễn Thị Thái ở TP Thái Bình chẳng hạn. Bà đang vô cùng đau khổ với gánh nợ “lãi mẹ đẻ lãi con” đang đè lên cuộc sống của gia đình vì khoản nợ của con trai mình. “Chính vì chuyện nợ nần mà gia đình tôi lục đục, cãi nhau triền miên. Nhưng vẫn phải tìm cách giải quyết khoản nợ ngày càng nhiều, nếu không sẽ không sống yên thân với những người cho vay nặng lãi. Có lẽ tôi chỉ còn cách bán nhà mới đủ tiền trả nợ cho con…”- Bà Nguyễn Thị Thái ngậm ngùi.
Cũng từ thực tế này cho thấy, tốc độ tăng tiêu dùng của Việt Nam tăng mạnh và liên tục trong nhiều năm qua trực tiếp làm tăng nhu cầu về tín dụng tiêu dùng. Ngoài ra, do tốc độ tăng trưởng khá ổn định ở mức cao làm tăng niềm tin vào thu nhập trong tương lai của người dân. Do đó, họ sẵn sàng vay nợ để tăng tiêu dùng hiện tại. Thêm vào đó, Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng, tỷ lệ người trẻ tuổi cao và đây là nhóm người có nhu cầu và sẵn sàng vay nợ để tiêu dùng cao nhất.
Có nhiều ý kiến cho rằng đây là hoạt động mang tính “vừa mua thuận bán” và nhiều trường hợp không có “tín dụng đen” thì nhiều khi bức bí, không giải quyết được vấn đề, nó giải quyết được việc cần gấp ngay tại thời điểm đó. Đây chính là lý do để “tín dụng đen” có mặt khắp nơi và hoạt động công khai bằng tờ rơi, bảng quảng cáo dán ở cột điện, vách tường,... thậm chí có cả bảng hiệu tại nhà hẳn hoi.
Vấn đề ở chỗ, ai cấp phép cho các hoạt động tài chính đen này? Nếu không có cấp phép mà trương biển hiệu thì có bị làm sao không? Trên các biển quảng cáo hoặc tờ rơi đều có số điện thoại liên lạc ta có thể biết chủ nhân các số điện thoại này, tại sao nó vẫn ung dung tồn tại trước mắt mọi người như thế?
Hơn nữa, “tín dụng đen” đa phần phục vụ cho cờ bạc, tạo điều kiện cho vụ cờ bạc, lô đề… cũng là một thực tế chúng ta phải chấp nhận và cần có biện pháp quản lý sao cho hợp lý.
Để đẩy lùi nạn “tín dụng đen” có trách nhiệm lớn từ phía ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay đa số ngân hàng lại không mặn mà với vay tín chấp. Người vay có nhu cầu nhiều khi phải tìm đến “tín dụng đen” với mức lãi quá cao. Và chỉ cần một cú điện thoại là có ngay tiền tươi, nhưng đến khi trả hết nợ không ít người tán gia bại sản.
Đồng thời, hoạt động này cũng là nguồn cơn của tội phạm hình sự. Chính vì vậy, đang có khá nhiều chuyên gia tài chính lẫn pháp lý trăn trở về hoạt động của “tín dụng đen”.