Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Đảm, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Tiền Giang cho biết: Trong thời gian tới,
Tiền Giang ưu tiên phát triển, xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm mang đặc trưng riêng, có khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch, nhất là đối với thị trường khách du lịch quốc tế.
Trong quý I/2019, tổng lượt khách du lịch đến Tiền Giang đạt 489,2 nghìn lượt, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế 162,7 nghìn lượt, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 1.605,2 tỷ đồng, tăng 9%; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 98,2%.
Phát triển du lịch thông minh
Theo ông Nguyễn Đức Đảm: Bên cạnh đa dạng hoá loại hình du lịch, sản phầm du lịch, việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch có ý nghĩa rất quan trọng để thu hút du khách, phát triển du lịch.
Hiện, trên địa bàn tình Tiền Giang đã thu hút được 10 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng vốn đầu tư gần 2.199 tỷ đồng, gồm các dự án: khách sạn Mekong theo chuẩn 3 sao; Khách sạn Central Plaza Mỹ Tho, tiêu chuẩn 4 sao; Cảng du thuyền; Khu du lịch - Nhà hàng - Khách sạn MeKong Paradise; Khách sạn Moon River Hotel; Khu đón tiếp đường bộ cù lao Thới Sơn; Khách sạn ÊEM Cái Bè, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Mỹ Đức; Khu du lịch sinh thái Gò Công; Khu du lịch Sinh thái - Nghỉ dưỡng Ốc Đảo.
Ngoài ra, tỉnh đã trao chủ trương nghiên cứu dự án Bến tàu khách du lịch (tàu cao tốc), vốn đầu tư: 985 tỷ đồng, do Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP làm chủ đầu tư. Các dự án đang được quan tâm đăng ký đầu tư phát triển du lịch như: Dự án Khu nghỉ dưỡng - Khu du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn; dự án Khu thể thao dưới nước; Dự án Khu du lịch sinh thái Hàng Dương biển Tân Thành.”- ông Đảm chia sẻ.
Năm 2018, ngành Du lịch Tiền Giang đã đón trên 2 triệu lượt khách, trong đó có trên 800 ngàn lượt khách quốc tế.
Đặc biệt, nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch, tạo sức hấp dẫn du khách trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ các hoạt động du lịch, Tiền Giang đã đưa vào hoạt động bộ sản phẩm du lịch thông minh, với địa chỉ truy cập: http://mytiengiang.vn với những sản phẩm: Cổng thông tin du lịch, Bản đồ du lịch, hệ thống wifi thông minh, camera an ninh trên phạm vi toàn tỉnh và các tiện ích hỗ trợ người dùng bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Qua đó, doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch và du khách có thể cập nhật những thông tin cần thiết, tìm kiếm thông tin du lịch tại Tiền Giang một cách dễ dàng trên máy tính và các loại điện thoại thông minh. Ngoài ra, hệ thống còn tích hợp bản đồ số về du lịch giúp du khách dễ dàng định vị, tìm đường đi, tìm kiếm các địa điểm xung quanh, tạo lịch trình riêng theo thời gian, sở thích...
Đây là kênh thông tin tương tác đa chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước – doanh nghiệp người dân, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch, tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu về du lịch tỉnh Tiền Giang đến người dân, du khách tham quan trong và ngoài nước.
Cổng thông tin du lịch thông minh có thể xem là bước đột phá trong chiến lược phát triển của du lịch Tiền Giang. Đây cũng là những bước đi cụ thể trong lộ trình số hóa ngành du lịch.
Đa dạng hoá sản phẩm du lịch
Ông Đảm cho biết: Định hướng phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang năm 2019 và các năm tiếp theo là ưu tiên phát triển, xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm mang đặc trưng riêng, có khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch, nhất là đối với thị trường khách du lịch quốc tế.
Theo Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy Tiền Giang đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020, đón khoảng 2,2 triệu lượt khách (tăng bình quân từ 8 đến 10%/năm). Trong đó, có hơn 900 ngàn lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt 7,3 ngàn tỷ đồng (tăng bình quân khoảng 10%); có ít nhất 290 cơ sở lưu trú, với 7,2 ngàn phòng; có ít nhất 34,8 ngàn lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có khoảng 7.000 lao động trực tiếp. Riêng năm 2019, Tiền Giang dự kiến đón hơn 2,1 triệu lượt khách, trong đó, có khoảng 850 ngàn lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 1,141 ngàn tỷ đồng.
Để xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao và tăng khả năng cạnh tranh, trên cơ sở khai thác tối đa các đặc trưng riêng của từng địa phương, trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ tập trung khai thác phát triển các sản phẩm du lịch chủ yếu ở 4 khu vực chính: Trung tâm TP.Mỹ Tho, huyện Cái Bè, huyện Tân Phước và huyện Gò Công Đông.
Nhằm phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, Du lịch Tiền Giang tiếp tục triển khai Đề án Lễ hội Văn hóa du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Tiền Giang; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị chợ nổi Cái Bè hình thành tour du lịch đặc trưng của tỉnh: Chợ nổi Cái Bè - Làng cổ Đông Hòa Hiệp- làng nghề truyền thống - các nhà vườn cù lao Tân Phong. Bên cạnh đó, Xây dựng Đề tài mô hình du lịch sinh thái và tâm linh vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, nhằm phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh trong liên kết phát triển du lịch Tiểu vùng Đồng Tháp Mười giữa Tiền Giang – Đồng Tháp – Long An với phương châm “Ba địa phương một điểm đến” nhằm mục tiêu khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch và kết nối với thành phố Hồ Chí Minh hình thành các tour du lịch: Sinh thái – văn hóa, sinh thái – tâm linh, sinh thái – nghiên cứu khoa học, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm ẩm thực phong phú và đa dạng của vùng sinh thái miệt vườn và vùng ngập nước Đồng Tháp Mười.
“Về lâu dài, chúng tôi tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch, tập trung đầu tư các dự án tạo bước đột phá để phát triển du lịch Tiền Giang; Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển du lịch; Đầu tư cơ sở hạ tầng, huy động nguồn vốn phát triển du lịch; Phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch; Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về du lịch; Liên kết phát triển du lịch; Tăng cường công tác đảm bảo an ninh và an toàn trong du lịch.”- ông Đảm nhấn mạnh.