Nở rộ trong năm 2019, nhưng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, mạng xã hội Việt sẽ xoay xở ra sao trong năm 2020?
Hàng loạt mạng xã hội ra đời
Kết thúc năm 2019, Việt Nam có tới 455 mạng xã hội có giấy phép, với các mạng như Zalo (60 triệu người dùng), Mocha (8,7 triệu), Gapo (2,62 triệu)…
Đáng chú ý nhất trong năm 2019 là sự ra đời của một số mạng xã hội được đầu tư khá lớn. Tháng 9/2019, mạng xã hội Lotus với vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng ra mắt công chúng với tham vọng cạnh tranh với Facebook. Với dự án này, VCCorp đã đầu tư khá bài bản, hợp tác với hàng trăm đơn vị sản xuất nội dung khác nhau như sản xuất video, sản xuất nội dung giải trí, các ngôi sao, các tờ báo, đài truyền hình để đảm bảo nội dung cho người dùng.
Trước đó, tháng 7/2019, mạng xã hội Gapo cũng rầm rộ ra mắt, nhận 500 tỷ đồng từ G-Capital với mục tiêu đạt 50 triệu người dùng vào năm 2021.
Tháng 6/2019, Hahalolo trình làng, với tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với Facebook, đạt 2 tỷ người dùng vào năm 2024 và lên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 2025…
Tuy nhiên, sau một thời gian ra mắt, chỉ có Gapo đã công bố đạt mốc 3 triệu người dùng, còn Lotus, Hahalolo thì bặt hơi lặng tiếng. Những tưởng mạng xã hội Việt hồi sinh, cạnh tranh với Facebook, Google để giành lại hơn 60 triệu người dùng, nhưng chỉ sau vài tháng ra mắt, các mạng xã hội Việt đuối dần. Có vẻ như “vết xe đổ” của Zing Me, Yume.vn, Tamtay.vn, Biztime.vn… rút lui không kèn, không trống đang phủ bóng đen.
Ngoại trừ Zalo vẫn được nhiều người dùng xem là ứng dụng trò chuyện, thì các mạng xã hội Việt đều chưa cho thấy sự khác biệt đủ lớn để người dùng từ bỏ các mạng xã hội lớn hiện nay.
Muốn phát triển mạng xã hội, phải làm khác Facebook
Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng dường như Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất quyết tâm trong việc tạo dựng một mạng xã hội riêng của Việt Nam.
Ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media cho biết, Mocha đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ có 20 triệu người dùng thường xuyên, phủ kín khách hàng trẻ từ thành thị đến nông thôn, sau đó mở rộng tới các đối tượng khách hàng khác.
Mới đây, ca sĩ Sơn Tùng, Chủ tịch Công ty M-TP Entertainment chia sẻ về kế hoạch của bản thân và Công ty trong năm 2020, với mục tiêu đầu tiên là ra mắt mạng xã hội SkySocial.
"Dùng Instagram, Facebook, tôi thấy rất khó tiếp cận một người bạn mới cùng suy nghĩ, độ tuổi và cùng cung hoàng đạo. Với SkySocial, câu chuyện đó sẽ trở nên dễ hơn rất nhiều", Sơn Tùng chia sẻ.
Chia sẻ về hướng phát triển của Lotus, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp nhận định, các doanh nghiệp nội dung số trong nước vẫn có cơ hội giành lại thị trường từ nền tảng mạng xã hội nước ngoài.
“Các nền tảng nước ngoài tuy mạnh và độc quyền, nhưng vì đặc trưng của họ chỉ là phân phối mà không có sản xuất nội dung, nên các nhà sản xuất nội dung Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để lấy lại chủ quyền thông tin. Nếu các bên có nội dung mạnh thì có thể đàm phán và chiếm lợi thế”, ông Tân nêu quan điểm.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng, định hướng phát triển mạng xã hội Việt Nam phải có cách tiếp cận mới, khác biệt căn bản với Facebook. Theo đó, khi xây dựng mạng xã hội mới, quan trọng nhất với người đứng đầu là vấn đề tư tưởng. Các mạng xã hội mới sẽ không thể thành công nếu bắt chước Facebook.
Ông Hùng cũng khẳng định, Việt Nam không đặt mục tiêu tạo ra mạng xã hội để thay thế mạng xã hội nước ngoài, vì mỗi mạng có chức năng riêng, không gian riêng, khách hàng riêng. Các mạng xã hội Việt Nam sẽ tồn tại song song, với điều kiện các mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ luật pháp như các mạng trong nước.
Đại diện mạng xã hội Gapo nhận định, các mạng xã hội Việt cũng có không ít lợi thế như thấu hiểu, có khả năng tuỳ biến công nghệ, nội dung phù hợp với người Việt, hay đảm bảo an toàn dữ liệu bởi hệ thống máy chủ được đặt tại Việt Nam nên dễ dàng xử lý khi có phát sinh.
Đại diện Gapo mong cơ quan quản lý hoàn thiện những quy định về khung hành lang pháp lý với dịch vụ thông tin điện tử trên mạng, tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa mạng xã hội trong và ngoài nước. Một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay là những quy định hiện tại chưa thể đảm bảo việc quản lý hoạt động của các mạng xã hội nước ngoài.
“Chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý có quy định chặt chẽ để đảm bảo các mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ đầy đủ các điều kiện, thủ tục tương đương như các mạng xã hội trong nước, nhằm đảm bảo sân chơi cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ”, đại diện Gapo đề xuất.