Cụm công nghiệp Thái Yên vì sao chưa thể lấp đầy?

TÂM ĐAN 02/12/2021 20:49

Sau 3 năm đi vào hoạt động, cụm công nghiệp Thái Yên (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) mới chỉ lấp đầy được gần 50%.

Dù được đầu tư khá bài bản nhưng người dân vẫn chưa mặn mà chuyển vào cụm để mở rộng sản xuất, kinh doanh. 

p/Không mặn mà với cụm công nghiệp, nhiều hộ dân xã Thanh Bình Thịnh vẫn sản xuất tại nhà

Không mặn mà với cụm công nghiệp, nhiều hộ dân xã Thanh Bình Thịnh vẫn sản xuất tại nhà

Cụm công nghiệp Thái Yên (xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ) do Công ty Cổ phần IDI làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng. Dự án có quy mô gần 16ha với trên 200 lô đất được chia làm 3 khu A, B, C.

Khó tách sản xuất khỏi cụm dân cư

Đây là một trong những cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh được đầu tư khá đồng bộ về hệ thống đường giao thông, đường điện cao áp, cây xanh… Đặc biệt, hệ thống dẫn thải và xử lý nước thải được xây dựng bài bản, đáp ứng yêu cầu bức thiết về hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất nghề mộc truyền thống.

Năm 2018, cụm công nghiệp Thái Yên chính thức đi vào hoạt động, tuy nhiên, sau hơn 3 năm toàn cụm chỉ bán được gần 100 lô đất, trong đó có gần 70 lô được người mua tiến hành xây dựng nhà xưởng.

Theo tìm hiểu, làng nghề mộc Thái Yên hiện có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mộc, nội thất, trong đó có hơn 100 cơ sở sản xuất lớn. Thôn Bình Định, xã Thanh Bình Thịnh là nơi có nhiều hộ dân làm nghề mộc nhất với hơn 80% hộ dân trong thôn. Đặc biệt, cụm công nghiệp Thái Yên lại nằm ngay trên địa bàn của thôn, thế nhưng nhiều năm qua, phần lớn các hộ dân ở đây vẫn sản xuất tại nhà.

Gia đình ông Phan Đăng Thìn (thôn Bình Định) làm nghề sản xuất đồ mộc khoảng 40 năm nay. Tuy nhiên, xưởng sản xuất của gia đình nằm ngay khu dân cư, hằng ngày tiếng ồn, bụi bẩn trong quá trình sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường sống cho gia đình và những người xung quanh. “Khi xây dựng cụm công nghiệp, người dân chúng tôi rất phấn khởi và mong muốn chuyển ra cụm để mở rộng sản xuất. Thế nhưng, để ra cụm công nghiệp phải đầu tư số tiền khá lớn mua đất, xây dựng nhà xưởng, thuê công nhân… trong khi nguồn vốn của gia đình lại eo hẹp,”, ông Thìn cho hay.

Cần thay đổi thói quen

Theo tính toán của ông Thìn, để chuyển ra cụm công nghiệp, ông phải bỏ ra số tiền khoảng 400 – 500 triệu đồng mua đất và hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị máy móc… Mấy năm nay, tình hình dịch COVID-19 khiến việc sản xuất càng khó khăn hơn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Với chi phí đầu tư lớn như thế, chúng tôi không dám mạo hiểm khi công việc kinh doanh ngày càng ảm đạm.

Cũng như ông Thìn, phần lớn người dân làng nghề mộc truyền thống ở xã Thanh Bình Thịnh không mặn mà chuyển đến Cụm công nghiệp Thái Yên để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nguyê nhân là do sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, vốn đầu tư xây dựng lớn, trong khi việc sản xuất tại nhà có thể tiết kiệm được một khoản chi phí đầu tư không nhỏ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh cho biết: “Xã đã nhiều lần vận động các các hộ dân chuyển đến cụm công nghiệp để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn, những hộ còn ở lại chủ yếu là các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, nguồn vốn eo hẹp, một phần do tập quán sản xuất của người dân muốn tận dụng nguồn lao động trong gia đình”.

Cũng theo ông Hường, hầu hết các lô mặt đường thuận lợi kinh doanh đều đã được người dân mua và xây dựng ki-ốt, còn những lô phía sau chủ yếu làm xưởng sản xuất nên người dân cũng không mấy mặn mà. Hơn nữa, 2 năm nay, dịch bệnh COVID-19 khiến việc sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ.

“Để phát triển bền vững nghề mộc, đảm bảo môi trường, chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên có chính sách hỗ trợ các hộ sản xuất chuyển ra cụm, đồng thời nhà đầu tư xem xét giảm giá mặt bằng để giảm bớt “gánh nặng” về chi phí đầu tư khi chuyển đến cụm công nghiệp”, ông Hường thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cụm công nghiệp Thái Yên vì sao chưa thể lấp đầy?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO