Cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông: Trung Quốc ngày càng bất lợi!

Diendandoanhnghiep.vn Những yêu sách, tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông đều không nhận được sự cảm tình của các nước. Khi mà ngày càng nhiều nước có một lập trường chung, phản đối gã khổng lồ Châu Á.

Tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông (Ảnh: Hoàn cầu).

Tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông (Ảnh: Hoàn cầu).

Mới đây, các nước Pháp, Anh và Đức gửi công hàm chung thể hiện quan điểm với 7 công hàm Phái đoàn Trung Quốc đề nghị lưu hành tại Liên hợp quốc (LHQ). Đây là lần đầu tiên cả 3 nước cùng gửi một công hàm (Joint Note verbale) có chung nội dung liên quan đến Biển Đông và Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS) tới Tổng thư ký LHQ.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn ngang ngược tiếp tục bác bỏ những công hàm của các nước nói trên cũng như các quy định trong UNCLOS.  Việc này đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận trong nước và quốc tế. Bởi, nó khiến cho cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông vẫn chưa biết hồi kết.

Theo đó, trong công hàm chung, 3 nước Pháp - Anh - Đức nhấn mạnh tính chất toàn cầu và nhất quán của UNCLOS trong việc thiết lập một khung pháp lý xác định các vùng biển và thực thi các hoạt động biển trên toàn thế giới. Công hàm nhấn mạnh sự toàn vẹn thống nhất của Công ước trên phạm vi toàn cầu. 

Khẳng định các hoạt động cải tạo đất hoặc bất kỳ hình thức chuyển đổi nhân tạo nào đều không thể thay đổi được các đặc tính của một thực thể biểntheo UNCLOS. 

Công hàm Pháp - Anh - Đức cũng có quan điểm: Phần II của Công ước áp dụng cho các quần đảo và thực thể biển thuộc một quốc gia ven bờ. Phần IV chỉ có thể áp dụng cho quốc gia quần đảo. Không có cơ sở pháp lý nào để không tôn trọng các quy định liên quan của Phần II hay cố tình áp dụng Phần IV cho các quần đảo và thực thể biển của quốc gia ven biển…

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh được cho là sẽ tới Biển Đông vào năm tới - Ảnh: Hải quân hoàng gia Anh

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh được cho là sẽ tới Biển Đông vào năm tới - Ảnh: Hải quân hoàng gia Anh

Ấy thế mà, ngày 18/9, Trung Quốc đã gửi công hàm CML/63/2020 đáp trả công hàm chung Pháp - Anh - Đức gửi Tổng thư ký LHQ trước đó 2 ngày. Công hàm phái đoàn Trung Quốc vẫn khẳng định Trung Quốc  có chủ quyền lãnh thổ và các quyền về biển được xác lập trong quá trình lịch sử  lâu dài và có sự nhất quán của các chính quyền kế tiếp, phù hợp với luật quốc tế bao gồm cả Hiến chương LHQ và UNCLOS.  

Trung Quốc cho rằng đã có một tập quán quốc tế sử dụng đường cơ sở thẳng quần đảo cho các đảo xa bờ này và quốc gia ven biển vừa có thể áp dụng đường cơ sở thẳng theo điều 7 phần II vừa áp dụng đường cơ sở quần đảo theo điều 47 phần IV của UNCLOS để có lợi tối đa… 

Dẫu vậy, qua sự kiện “công hàm chung của 3 nước Pháp - Anh - Đức” đã thể hiện sự nhất quán của 3 nước có nền kinh tế và ảnh hưởng chính trị pháp lý lớn nhất châu Âu bác bỏ cách giải thích đơn phương của Trung Quốc về một loạt vấn đề liên quan, gây mất ổn định, hòa bình và trật tự pháp luật ở Biển Đông.

Theo các chuyên gia, phản ứng của 3 nước có hai ý nghĩa. Một mặt, các nước này không công nhận lập luận của Trung Quốc là đã có một tập quán quốc tế về việc áp dụng các đường cơ sở thẳng quần đảo cho các quần đảo của quốc gia ven bờ. 

Mặt khác, Pháp, Anh và Đức cũng khẳng định các quy định về chế độ pháp lý của các đảo theo điều 121 của UNCLOS là áp dụng cho các địa thể đất nổi hình thành tự nhiên. Vì vậy, các hoạt động cải tạo đất hoặc bất kỳ hình thức chuyển đổi nhân tạo nào đều không thể thay đổi được các đặc tính của một thực thể theo UNCLOS. Đây cũng là kết luận của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016 và nội dung các công hàm của Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam, Australia và Mỹ gần đây.

Điều này có ý nghĩa bác bỏ “vùng hàng hải Hải Nam - Tây Sa” trong “Quy tắc kỹ thuật để kiểm tra theo luật định tàu biển trong các chuyến đi nội địa”.  Văn bản này từng được ban hành năm 1974 và Trung Quốc đã sửa đổi mở rộng nhằm nội hóa vùng biển giữa Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa từ 1/8/2020, vi phạm chủ quyền của Việt Nam và cản trở quyền tự do đi lại của tàu thuyền quốc tế. 

Thực tế trên cho thấy, những yêu sách, tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông đều không nhận được sự cảm tình của các nước. Khi mà ngày càng nhiều nước có một lập trường chung, phản đối gã khổng lồ Châu Á.

Cuộc chiến công hàm khởi đầu từ Malaysia tháng 12/2019, đến nay đã có 23 công hàm và công thư (Trung Quốc - 8, Philippines - 2, Malaysia - 3, Việt Nam - 3; Indonesia - 2, Mỹ - 1, Australia - 1, Pháp - Anh - Đức - 3), tương lai sẽ còn nhiều nước chính thức lên tiếng phản đối.

Và các kết luận trong các công hàm này có thể tạo ra hiệu ứng erga omnes (áp dụng cho tất cả) khiến cho Trung Quốc ngày càng gặp bất lợi trên Biển Đông, suy giảm uy tín trên trường quốc tế.

Vì thế, Trung Quốc nên từ bỏ yêu sách đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) do mình tự vẽ ra để đòi chủ quyền ở Biển Đông. Làm vậy, sẽ giúp bản thân Trung Quốc tăng sức mạnh mềm và có được nhiều bạn bè ở Đông Nam Á.

“Đây là lúc để Trung Quốc từ bỏ đường 9 đoạn. Yêu sách này không mang lại lợi ích cho họ” – tiến sĩ Li Nan, một chuyên gia về Trung Quốc và là nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Đông Á (EAI) thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói.

Còn một khi Trung Quốc vẫn một mình một đường bất chấp chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia khác, đe dọa an ninh an toàn hàng hải quốc tế thì cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông sẽ không bao giờ biết được hồi kết.

  

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông: Trung Quốc ngày càng bất lợi! tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711654198 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711654198 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10