Sự việc được cho là khá hy hữu khi chính quyền phường Phước Long B, quận 9, TP HCM, tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất của người dân trong khi không có thông báo hay quyết định thu hồi, khiến dư luận bức xúc trong suốt thời gian qua.
Chủ tịch phường có… lạm quyền?
Đơn kêu cứu của bà Dương Thị Thơ, địa chỉ: số 37/10, đường 22, khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9, TP HCM, gửi cho báo DĐDN nêu: Năm 1963, gia đình bà đã khai hoang hơn 6.000 m2 đất tại phường Phước Long B, quận 9, TP HCM, với mục đích sử dụng: trồng hoa màu, chôn cất những người thân trong gia đình... Đến năm 1978, Nhà nước có nhu cầu lấy đất để phục vụ cho việc xây dựng Trường Kỹ thuật Nghiệp vụ (nay là Trường Cao đẳng Công thương). Do đó, cha bà là ông Dương Lộc Cấn, đã hiến tặng 5.000m2 đất cho Nhà nước để phục vụ cho mục đích nêu trên, phần diện tích còn lại là 1.172m2, gia đình bà Thơ tiếp tục quản lý và thuộc thửa đất số 1265, 1266 tờ bản đồ số 04 tài liệu 02/CT-UB.
Đến năm 2006, nguồn nước tưới tiêu cho hoa màu không còn đáp ứng được do Nhà máy Dệt Phước Long giải thể, khiến cho việc trồng hoa màu không thể thực hiện được nữa. Vì vậy từ năm 2007 -2017, gia đình bà đã chuyển sang trồng cây lâu năm và làm 10 căn nhà cho các hộ thuê để kinh doanh buôn bán, đặc biệt trong suốt thời gian từ năm 1963 - 2017, không tranh chấp với ai. Tuy nhiên, tối ngày 28/03/2017, bà Cao Đoàn Ngọc Thúy - Chủ tịch UBND phường Phước Long B, đã xuống và chỉ đạo lực lượng chức năng dùng xe xúc, xe cẩu phá dỡ toàn bộ nhà cửa, cây cối và các vật kiến trúc trên mảnh đất của gia đình bà, đồng thời yêu cầu cầu gia đình bà phải dời khỏi khu đất, không được sinh sống tại nơi đây.
Chưa dừng lại ở đó, lực lượng này còn rào toàn bộ khuôn viên đất của gia đình bà bằng cột sắt và lưới thép B40, trong đó có 09 ngôi mộ của gia tộc được chôn cất trên mảnh đất từ những năm 1946 -1976, khiến dư luận bức xúc và dẫn tới việc 61 hộ dân sống trên địa bàn phải đồng loạt làm đơn, ký tên để kêu oan cho gia đình bà Thơ.
Chính quyền phi lý…?
Trao đổi với PV DĐDN, bà Dương Thị Thơ, cho biết: diện tích đất nêu trên có nguồn xuất xứ từ trước những năm 1963, do cha tôi là ông Dương Lộc Cấn, đã khai hoang và quản lý sử dụng liên tục, không có bất cứ một tranh chấp nào. Năm 1999, chính quyền địa phương có mời cha tôi lên để kê khai, xác nhận thông tin liên quan tới mảnh đất và điểm chỉ vào một số văn bản (do cha tôi không biết chữ).
Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà từ đó tới nay, diện tích đất còn lại sau khi đã hiến cho Nhà nước là 1.172m2 không được cấp sổ, nhưng mảnh đất vẫn thể hiện tại thửa đất số 1265, 1266 tờ bản đồ số 04 tài liệu 02/CT-UB, nhưng lại xuất hiện sự bất thường, vì trong sơ đồ đất được ghi và thể hiện là "đất trống", trong khi 09 ngôi mộ của gia tộc tôi vẫn còn nằm nguyên trên mảnh đất, và sự việc chỉ được phát hiện sau khi tôi và 61 hộ dân làm đơn khiếu nại gửi lên UBND quận 9 - bà Thơ bức xúc.
Bà Thơ cho biết thêm, trước những sự việc mà chính quyền phường Phước Long B, cưỡng chế phá hủy nhà cửa, vật kiến trúc và rào cách biệt 09 ngôi mộ cũng như toàn bộ diện tích đất 1.172m2, gia đình đã làm đơn khiếu nại gửi trực tiếp cho Chủ tịch UBND phường Phước Long B, tuy nhiên, UBND phường đã có văn bản từ chối và trả lại đơn vì cho rằng đơn khiếu nại của gia đình tôi phản ánh về sự việc nêu trên là không có cơ sở. Do đó, 61 hộ dân đang sống tại khu phố đã làm đơn khiếu nại gửi lên UBND quận 9, đề nghị chứng minh nguồn gốc đất và xử lý hành động lộng quyền, tự ý điều động lực lượng xuống phá dỡ công trình trong khi không có thông báo hay quyết định cưỡng chế đối với bà Chủ tịch UBND phường Phước Long B. Tuy nhiên, UBND quận 9 chỉ trả lời chung chung, khiến cho sự việc tới nay vẫn chưa ngã ngũ.
Cần xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội...
Để rộng đường dư luận và thông tin khách quan về sự việc nêu trên, PV DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Luông, địa chỉ 8/2B, khu phố 3, phường Phước Long B, đại diện cho 61 hộ dân, cho biết: Ông là người đã sống ở đây hơn 70 năm và chứng kiến toàn bộ sự việc từ việc ông Cấn khai hoang khu đất để trồng hoa màu cho đến việc chôn cất cậu ruột và 02 con của ông Cấn, mất năm 1964, 1976... và sau này là làm nhà cho thuê, trồng cây lâu năm.
Theo ông Luông, đúng ra Nhà nước phải có trách nhiệm cấp bằng khoán (sổ đỏ) cho ông Cấn từ ngay thời điểm hiến 5000m2 đất để xây dựng trường học, chứ không phải để đến tận bây giờ mới đưa ra để tranh cãi. Xét cho cùng, khi chính quyền muốn lấy lại đất của dân để sử dụng cho mục đích công công hay công trình nào đó thì phải có thông báo cho người dân được biết trước khi thu hồi, cưỡng chế... Trong sự việc này, chính quyền tự cho mình cái quyền, lợi dụng chức vụ quyền hạn để hành người dân như vậy là phi lý, khó có thể chấp nhận – ông Luông bức xúc.
Cũng theo ông Luông, việc chính quyền tự ý rào 09 ngôi mộ của gia đình bà Thơ và để ngoài sổ sách, không thể hiện trong thửa đất và tờ bản đồ quản lý đất đai của Nhà nước là lỗi của các cơ quan quản lý. Do đó, các cơ quan ban ngành cấp trên cần phải vào cuộc, xem xét trách nhiệm tất cả những người có liên quan để xác định hành vi này là vô tinh hay cố ý, trên cơ sở đó để xử lý, kỷ luật đúng người, đúng tội – ông Luông nhấn mạnh.
DĐDN đã làm việc với các cơ quan chức năng và sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc