“Con người không ngại thay đổi. Họ chỉ ghét bị ép phải thay đổi mà thôi!”
Ông Phương Trầm, cựu Giám đốc Công nghệ thông tin (CIO) toàn cầu của DuPont, một tập đoàn đa ngành với doanh thu 85 tỷ USD chia sẻ về quá trình quản lý thay đổi khi doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số.
Năm 2018, Phương Trầm quyết định nghỉ hưu, rời DuPont sau gần 30 năm đóng góp cho những thành bại bước ngoặt của doanh nghiệp thuộc Top 500 công ty lớn nhất thế giới, đặc biệt là thành quả to lớn cho Dupont sau quá trình chuyển đổi số. Để đảm đương khối lượng công việc của ông, Tập đoàn này đã phải tuyển đến hai người thay thế!
“Khi hệ thống CNTT không đủ mạnh để làm việc, hãy thay đổi nó”
Để nói về vị cựu CIO đình đám của làng CNTT thế giới này, hai từ nổi trội gắn với hầu như mọi hoạt động của ông chính là “công nghệ” và “quy trình”.
Ngay từ thời còn là sinh viên ngành Kỹ sư Hóa tại ĐH New South Wales (Úc), Phương Trầm đã thể hiện rõ thế mạnh của mình qua các bài viết về mô phỏng máy tính để kiểm soát quy trình, tối ưu hóa nhà máy trên các tạp chí kỹ thuật hóa học và tạp chí chuyên đề. Tiếp đó, ông dành 11 năm xây dựng và quản trị hệ thống MRP, ERP giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng của các nhà máy tại công ty hóa chất ICI Australia. Năm 1989, ông gia nhập DuPont.
Tại một tập đoàn đa ngành với lịch sử hơn 2 thế kỷ, Phương Trầm có lẽ không phải nhân sự nổi bật từ đầu. Nhưng ông đã ghi dấu bước chân mình bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ và lối tư duy khác biệt.
“May mắn của tôi là được đi nhiều nơi, hợp tác với những cộng sự tuyệt vời. Từ một cán bộ nghiệp vụ, tôi đã học dần kiến thức về công nghệ theo cách đó”, ông Phương chia sẻ. Khởi điểm với vị trí trưởng phòng vận hành chi nhánh tại Úc của DuPont, ông sang Singapore và nhanh chóng được thăng chức lên Giám đốc hệ thống thông tin và Cải tiến quy trình kinh doanh. Phương Trầm đã triển khai thành công hệ thống quản lý (SAP R3), giải được nan đề về tăng sức cạnh tranh dịch vụ khách hàng và tăng doanh thu cho công ty tại thị trường rộng lớn châu Á – Thái Bình Dương. Vậy là năm 2000, ông được vời về công ty mẹ tại Hoa Kỳ.
Nói về lý do DuPont phải chuyển đổi số, hay nói đúng hơn là ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất kinh doanh của DuPont, ông chỉ cười: “Tôi đã từng đi qua nhiều vị trí chuyên môn, từ điều hành, phân phối, thương mại, bảo mật, chiến lược. “Nỗi đau” của tôi khi ấy là hệ thống CNTT của công ty không đủ mạnh để hỗ trợ tôi trong công việc. Vì vậy, tôi phải thay đổi nó!”
Từ thủ lĩnh chuyển đổi số toàn cầu của tập đoàn tỷ đô
Trong vai trò của mình, ông là người dẫn dắt mảng CNTT và quy trình (IT & Processes) của DuPont trên khắp thế giới, tập trung hỗ trợ công nghệ thông tin trực tiếp cho các đơn vị kinh doanh, đơn vị chức năng và hoạt động khu vực. Ông đã khởi xướng, xây dựng và hoàn thành cơ sở hạ tầng kinh doanh tối thiểu tại 28 quốc gia, cho phép DuPont điều hành các doanh nghiệp kỹ thuật số do mình kiểm soát một cách liền mạch và dễ dàng với chi phí thấp.
53 tuổi, ông chính thức trở thành CIO toàn cầu phụ trách mảng CNTT & quy trình của tập đoàn khổng lồ DuPoint, quản lý ngân sách 500 triệu USD với 1200 nhân viên dưới quyền. Đây cũng là một giai đoạn hoàng kim của DuPont, và Phương Trầm là một nhân tố tích cực góp phần vào điều đó.
Ông hợp tác với Microsoft để thiết lập và vận hành môi trường điện toán đám mây Azure lớn nhất, bao gồm hàng ngàn server; cùng SAP củng cố và tạo ra 4 máy chủ toàn cầu, biến DuPont thành công ty đầu tiên thiết kế và vận hành SAP Hana Data Hubs; cùng AT&T sáng tạo nên Netbond, phương thức giao tiếp điện toán đám mây bảo mật, giúp kết nối các API mã nguồn mở với toàn bộ môi trường điện toán đám mây thương mại như Salesforce, SoftLayer, Azure…
DuPont trở thành một công ty điển hình cho việc tiên phong sử dụng công nghệ tạo nên thế mạnh kinh doanh, là công ty đầu tiên sử dụng Window 365 thay thế cho LotusNotes đã lỗi thời. DuPont cũng là công ty đầu tiên tung ra mô hình E-comemrce giúp giảm thiểu chi phí, cải tiến dịch vụ khách hàng ở Brazil, Singapore và phát triển ra hơn 20 nước khác trên toàn cầu.
Với chiến lược chuyển đổi số rõ ràng và tích hợp, Phương Trầm đã giúp DuPont tiết kiệm được hơn 1,6 tỷ USD chi phí cho công nghệ thông tin, giảm 80% thời gian xử lý đơn hàng, tạo thêm hàng tỷ USD lợi ích cho tập đoàn. Ngắn gọn hơn, ông đã đưa tên tuổi của DuPont thành một trong những hình mẫu doanh nghiệp thành công nhất thế giới về chuyển đổi số.
Đến ước muốn của một người con nước Việt
Năm 2019, vị chiến tướng tài ba này quyết định trở về Việt Nam hợp tác cùng FPT với vai trò Tư vấn trưởng Chuyển đổi số. Ông bảo: “Là người Việt, tôi mong muốn giúp công ty Việt Nam trở thành một công ty đẳng cấp thế giới. FPT ngoài năng lực công nghệ mạnh, còn sở hữu hệ thống giáo dục tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số, có tham vọng trở thành tập đoàn toàn cầu. Nếu FPT thành công, đây sẽ là mô hình để các doanh nghiệp khác hướng tới, góp phần đưa Việt Nam lên bản đồ số thế giới.”
Ngay trong năm 2019, với năng lực, kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số cho các tập đoàn hàng đầu thế giới cùng sự tư vấn của ông, FPT tuyên bố sẽ chuyển đổi thành doanh nghiệp số, trở thành một trong những doanh nghiệp hiếm hoi vận hành dựa trên dữ liệu gần thời gian thực (Near - Real time Data – Driven Enterprise), nâng cao năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ bằng đổi mới sáng tạo và ứng dụng các công nghệ 4.0.
Mới đây, trong buổi đối thoại cùng top 30 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về chuyển đổi số, một trong những phát biểu đáng nhớ nhất của ông là: “Nghĩ lớn, nhưng hãy làm từ những bước nhỏ một cách thông minh”. Trong thời đại hiện nay khi công nghệ đang len lỏi vào từng ngõ ngách trong đời sống xã hội, doanh nghiệp nào nhận ra và chớp lấy thời cơ sớm hơn, doanh nghiệp đó sẽ thắng. Đó là những gì DuPont đã làm 7 năm trước, cũng là sự động viên lớn lao cho quyết tâm sẵn sàng chuyển đổi của mỗi doanh nghiệp Việt Nam. Và hơn ai hết, Phương Trầm biết cách để làm việc đó.