Được “phong” là thành phố môi trường, thành phố đáng sống nhưng trong thời gian dài, vấn đề ô nhiễm tại nhà máy thép Dana Ý vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Tối 26/2, hàng trăm người đã kéo đến Công ty cổ phần Thép Dana Ý thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) để phản ứng việc sản xuất thép gây ô nhiễm môi trường.
Ô nhiễm kéo dài
Nguyên nhân của hành động này, người dân cho biết, họ bao vây nhà máy vì đơn vị này gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống. Bên cạnh đó, nhiều người bức xúc vì chính quyền Đà Nẵng chậm trễ trong việc di dời các hộ dân bị ảnh hưởng do nhà máy thép gây ra.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên nhà máy này gây bức xúc cho người dân. Trước đó, người dân cũng đã nhiều lần phản ứng vì nhà máy này gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Được biết, tại khu vực này, hiện có hai nhà máy thép đang hoạt động, nhiều lần gây bức xúc cho người dân là nhà máy thép Công ty CP thép DaNa - Úc và Công ty cổ phần thép DaNa - Ý.
Vẫn chưa có giải pháp
Liên quan đến việc xử lý tình trạng ô nhiễm này, đầu năm 2017, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ đã giao Sở TN-MT Đà Nẵng chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP khẩn trương lập dự toán kinh phí đền bù, giải tỏa, tái định cư các hộ dân tại khu vực đồng thời giao Sở Xây dựng TP lập dự toán thiệt hại về việc sử dụng đất nằm trong khoảng cách ly an toàn đối với nhà máy thép theo quy định và phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra đề xuất phương án về lâu dài di dời hai nhà máy. Hoặc phương án để lại hai nhà máy và chọn địa điểm các khu tái định cư để di dời, giải tỏa các hộ dân.
Tiếp đó, vào ngày 9/6/2017, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã chủ trì cuộc họp giải quyết những vướng mắc xung quanh việc di dời giải tỏa các hộ dân và giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại 2 nhà máy nói trên.
Tại cuộc họp, ông Hồ Kỳ Minh – PCT UBND TP Đà Nẵng cho biết thời gian thực hiện di dời, giải tỏa: Thực hiện giải phóng mặt bằng trong phạm vi cách 2 nhà máy thép 300m trong 6 tháng cuối năm 2017, hoàn thành dứt điểm công tác di dời, giải tỏa trong 6 tháng đầu năm 2018.
Cũng tại cuộc họp nói trên, UBND thành phố Đà Nẵng nhất quán nguyên tắc yêu cầu hai Công ty Cổ phần thép Dana – Úc và Công ty Cổ phần thép Dana - Ý, mỗi đơn vị chịu 50% trên tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ tại dự án (Theo khái toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ dự án khoảng 243 tỷ đồng)
Ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh: “việc gây ô nhiễm của hai nhà máy là tình trạng khẩn cấp, nên phải cắt một số quyền của nhà máy để bảo đảm quyền của người dân. Đây là thử thách không chỉ cho nhà máy, mà còn là thử thách cho chính quyền”.