Đây là ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo mới đây.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng - ông Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, đến năm học 2017-2018, toàn thành phố có 231.911 học sinh, với 209 trường mầm non, 1088 nhóm lớp độc lập tư thục,103 trường tiểu học, 62 trường THCS, 27 trường THPT, 3 Trung tâm giáo dục thường xuyên. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 56 trung tâm học tập cộng đồng, 167 trung tâm ngoại ngữ, 16 trung tâm tin học, 18 công ty tư nhân tham gia đào tạo kỹ năng sống, 54 tổ chức, công ty được cấp giấy chứng nhận hoạt động tư vấn du học.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng, trong những năm gần đây, tỷ lệ dân số cơ học của thành phố tăng nhanh đã gây áp lực rất lớn cho ngành trong việc mở rộng, xây mới trường lớp phục vụ nhu cầu đưa con em đến lớp của người dân, đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học.
Trước đó, tại cuộc làm việc có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc (hồi đầu tháng 8/2018), ông Đặng Việt Dũng cũng đã trình bày khó khăn, thách thức của ngành giáo dục TP như phương pháp dạy – học thụ động một chiều vẫn còn khá phổ biến, tình trạng "bệnh thành tích" xin điểm, chạy điểm vẫn xảy ra; chương trình đào tạo chưa toàn diện; công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật cho học sinh hiệu quả chưa cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị không đủ phục vụ cho nhu cầu thực hành của giáo viên, học sinh…
Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng đặc biệt nêu ra vấn đề ngành giáo dục chưa chú trọng cũng như chưa khai thác được nguồn đầu tư trong xã hội vào giáo dục.
Để khắc phục những bất cập, Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng trước tiên phải làm tốt công tác quy hoạch hệ thống các trường học của tất cả các cấp học trên địa bàn, bao gồm cả trường công lập và trường tư thục.
Ông Trương Quang Nghĩa đề nghị Sở Xây dựng TP phối hợp Sở Giáo dục & Đào tạo, các đơn vị liên quan sớm xây dựng khung quy hoạch hệ thống giáo dục toàn thành phố, cả về không gian, vị trí và tiêu chí diện tích theo chuẩn quốc gia.
Khẳng định quan điểm của lãnh đạo thành phố đối với quỹ đất công sau khi rà soát, thu hồi là sẽ ưu tiên dành cho các công trình văn hóa và giáo dục, Bí thư Trương Quang Nghĩa yêu cầu Sở Xây dựng cần sớm có phương án quy hoạch, đề xuất những vị trí thích hợp ưu tiên xây dựng trường học, đặc biệt trường mầm non, nhà trẻ.
Bí thư cho biết với xu hướng chung của cả nước về giảm dần các trường công lập, ông đề nghị ngành giáo dục thành phố chú trọng, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, với tiêu chí “tư nhân quan tâm và làm được thì ưu tiên trước”.
Có thể bạn quan tâm
05:14, 16/08/2018
17:09, 11/08/2018
11:11, 11/08/2018
14:03, 27/07/2018
11:34, 18/07/2018
05:00, 18/07/2018
16:03, 05/07/2018
16:03, 30/06/2018
19:34, 27/06/2018
Bí thư Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu Sở GD&ĐT thành phố tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm thời gian đến như thực hiện nghiêm túc các kỳ thi; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; rà soát, lập báo cáo đánh giá về mức độ hiệu quả của mô hình trường chuyên Lê Quý Đôn trong những năm qua cũng như ở thời điểm hiện tại, qua đó đề xuất chính sách điều chỉnh phù hợp.
Với định hướng xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh, cùng với y tế, giáo dục đang là lĩnh vực được TP Đà Nẵng ưu tiên triển khai xây dựng, áp dụng công nghệ với mục tiêu hướng đến nền giáo dục công bằng và chất lượng. |