Một loạt những ưu đãi chưa từng có được đề xuất trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được Quốc hội xem xét.
Đặc khu nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, nhưng với các nhà đầu tư điều họ quan tâm chính lại không phải là ưu đãi.
Theo dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là Luật Đặc khu, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và đã trình Quốc hội, rất nhiều những ưu đãi vượt trội đã được đề xuất tại các đặc khu kinh tế được chọn thí điểm là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
“Chỉ kém các thiên đường thuế”
Có thể bạn quan tâm |
Các ưu đãi đó bao gồm miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm và giảm một nửa trong các năm tiếp theo. Thậm chí, nếu là nhà quản lý, nhà khoa học, hay chuyên gia được miễn thuế tới 10 năm đầu, nhưng không quá 2030. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Nhà đầu tư được thuê đất tối đa 99 năm so với mức tối đa 70 năm hiện tại. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng được hưởng những ưu đãi thuế xuất nhập khẩu tại khu phi thuế quan, được lưu hành tự do ngoại tệ và có thể làm visa ngay tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cuối năm ngoái từng miêu tả rằng những đề xuất ưu đãi tại các đặc khu kinh tế của Việt Nam “chỉ kém các thiên đường thuế.” Có nghĩa rằng nếu so với nhiều nước trên thế giới, thì những ưu đãi trên cũng được xếp vào hàng “chiếu trên”. Tuy nhiên, những đề xuất ưu đãi này đang vấp phải sự quan ngại của nhiều đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với các chính sách ưu đãi để đảm bảo tính nổi trội của đặc khu. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng cần phải xem xét lại kỹ mức ưu đãi, bởi nếu không cẩn thận thì chẳng thu được gì nhiều lắm so với số bỏ ra. Ông Hiển cũng cảnh báo rằng nếu không cẩn thận sẽ tạo ra gánh nặng cho ngân sách nhất là sử dụng chính sách miễn, giảm, giãn một cách tràn lan. Chính những quan ngại trên đã khiến nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất cắt giảm bớt ưu đãi giành cho các đặc khu kinh tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng nếu cắt giảm nữa sẽ mất tính vượt trội và cạnh tranh trong thu hút đầu tư của các đặc khu.
Môi trường đầu tư là số 1
Lý lẽ của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư không phải không có lý. Với các nhà đầu tư, khi đầu tư vào bất cứ nơi nào thì chính sách ưu đãi là một trong những yếu tố cần phải xem xét. Ưu đãi lớn thì sẽ càng có lợi cho nhà đầu tư. Nhưng ưu đãi chưa phải là yếu tố tiên quyết để thu hút các nhà đầu tư.
“Chúng tôi muốn đầu tư lâu đài và bền vững vào các đặc khu kinh tế của Việt Nam nên chính sách ưu đãi không phải điểm quyết định, cái cần nhất là môi trường đầu tư cởi mở, các thủ tục liên quan phải nhanh gọn” ông Kim Dong Hwi, Tổng giám đốc công ty Sejoong Việt Nam.
Thực tế, môi trường đầu tư luôn là rào cản lớn nhất với các nhà đầu tư tư nhân nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng tại Việt Nam. Thủ tục hành chính phức tạp, chồng chéo, sự hỗ trợ yếu kém của chính quyền địa phương, hay điều kiện gia nhập thị trường không tốt, cùng với lực lượng lao động tay nghề cao thiếu hụt và thiếu cả chuỗi cung ứng là rào cản không nhỏ.
Bà Đào Thị Thiên Hương, Phó tổng giám đốc công ty kiểm toán PWC Việt Nam, công ty từng tư vấn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cho rằng dưới góc nhìn của nhà đầu tư, Nhà nước cần phải có một cái chiến lược rõ ràng trong dài hạn, cũng như sự cam kết trong dài hạn của chính quyền để đảm bảo rằng nhà đầu tư sẽ đến đây và họ có thể thực hiện công việc kinh doanh của họ một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Rõ ràng, ưu đãi là quan trọng nhưng không phải là điều quan trọng nhất. Trong nhiều năm qua, Chính phủ luôn giành những ưu đãi đầu tư lớn nhất cho những khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, các khu kinh tế ven biển nhằm thu hút đầu tư tư nhân. Nhưng thực tế cho thấy các nhà đầu tư vẫn lựa chọn đầu tư vào những khu vực kém ưu đãi hơn, nhưng có môi trường đầu tốt hơn như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Ninh…
Không có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đảm bảo sự minh bạch, an toàn cho các nhà đầu tư thì sẽ khó thuyết phục dòng vốn tư nhân trong và ngoài nước đến các đặc khu kinh tế của Việt Nam.