Đại án liên quan đến ông Đinh La Thăng: Không có “kim bài” miễn tội cho bất kỳ vị trí nào

Song Nhi 08/01/2018 15:41

Ngày hôm nay, vụ án liên quan đến Đinh La Thăng và 21 đồng phạm với những sai phạm về kinh tế đã được đưa ra xét xử. Điều này càng minh chứng, không có bất cứ “vùng cấm” hay ngoại lệ trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Sai phạm đã rõ

Theo cáo trạng, Petro Vietnam là Tập đoàn do Nhà nước sở hữu với vốn điều lệ 281.500 tỷ đồng và có nghĩa vụ bảo toàn và phát triển vốn. Hội đồng thành viên của Petro Vietnam là cơ quan đại diện theo ủy quyền của Nhà nước, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và pháp luật về các quyết định gây thiệt hại cho Petro Vietnam và chủ sở hữu. 

Ông Đinh La Thăng trong thời gian lãnh đạo Petro Vietnam bị cáo buộc đã mắc một số sai phạm về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Ông Đinh La Thăng trong thời gian lãnh đạo Petro Vietnam bị cáo buộc đã mắc một số sai phạm về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Ông Đinh La Thăng trong thời gian lãnh đạo Petro Vietnam bị cáo buộc đã mắc một số sai phạm về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Cụ thể, năm 2010, ông Thăng ủy quyền cho cấp dưới phê duyệt Tổng công ty  Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với số vốn gần 1,7 tỷ USD. Lúc này, PVC do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch hội đồng quản trị đã đầu tư vào 46 công ty "con" hơn 3.400 tỷ đồng, vượt hơn 1.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ nên mất cân đối, phải trích lập dự phòng.

Để tạo điều kiện cho PVC hoạt động, ông Đinh La Thăng gửi văn bản lên Thủ tướng, đề nghị Petro Vietnam được giao việc cho PVC theo hình thức chỉ định thầu, đồng thời Petro Vietnam được phép chỉ định thầu cho dự án Thái Bình 2.

Sau khi được đồng ý, ông Thăng ký nghị quyết chọn PVC thực hiện gói thầu EPC. Đến tháng 10/2010, ông Thăng ký nghị quyết về việc thành lập liên danh tổng thầu EPC gồm PVC và các đơn vị nước ngoài có năng lực từ Mỹ, Đức.

Đối với bị can Trịnh Xuân Thanh, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng; chỉ đạo việc sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, bị can Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương cùng bị can Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó tổng giám đốc PVC và Lương Văn Hòa, nguyên giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. 

Quyết tâm “đánh” tham nhũng đến cùng

Phiên tòa hôm nay khẳng định quyết tâm cao độ của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực. Có cán bộ đang giữ chức vụ cao trong Đảng, đã từng được thử thách, rèn luyện qua nhiều chức vụ, cương vị công tác nhưng lại có những sai phạm nghiêm trọng đến mức bị khởi tố, bắt tạm giam và đưa ra xét xử trước pháp luật.

Điều này đặc biệt cho thấy sự nhất quán, không có vùng cấm trong Đảng và bất kể cán bộ ở cấp nào, cương vị nào, ngành nào nếu vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội với tinh thần mọi công dân, mọi Đảng viên đều bình đẳng trước pháp luật. Bất kỳ ai có hành vi sai phạm, vi phạm pháp luật thì đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Tinh thần và chủ trương đều rất rõ: Không có vùng cấm - Không có “kim bài” miễn tội cho bất kỳ vị trí nào.

Trong năm 2017, một loạt đại án liên quan đến nhiều đại gia, cựu quan chức đã được ngành tòa án đưa ra xét xử, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, khẳng định cuộc chiến chống “giặc nội xâm” này không có vùng cấm, không loại trừ bất cứ ai. Xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tham ô tài sản xảy ra tại PVC, một lần nữa khẳng định quyết tâm “đánh” tham nhũng đến cùng. 

Tội tham nhũng cũng nguy hiểm không kém tội phản quốc, tội gián điệp… vì đều là hành vi phá hoại đất nước, gây mất lòng tin của nhân dân. Luật Phòng, chống tham nhũng, sửa đổi 73 điều và bổ sung 49 điều. Bởi thế “đánh” mạnh, “đánh” tham nhũng đến cùng chính là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” trường kỳ, gian khổ và phải đánh thắng để củng cố vững chắc sự tin cậy của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đại án liên quan đến ông Đinh La Thăng: Không có “kim bài” miễn tội cho bất kỳ vị trí nào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO