Thúc đẩy sử dụng khoa học công nghệ là một trong những giải pháp để phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Nhiều doanh nghiệp dựa vào công nghệ thì trụ vững và phát triển như Viettel, Vingroup, FLC, Vinamilk, TH True Milk, Masan…., theo Chủ tịch VUSTA kiêm đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng.
Bàn về tình hình kinh tế xã hội tại hội trường, nhiều đại biểu đề cập đến tình trạng khó khăn của doanh nghiệp.
Theo ông Trần Văn Tiến, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc, trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh, năng lực, sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu ớt. Bình quân mỗi tháng trong nửa đầu năm nay có 11.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cao hơn nhiều cùng kỳ. Trong đó, 622 doanh nghiệp vốn trên 100 tỷ đồng rút khỏi thị trường. Bình quân 3.836 doanh nghiệp thành lập mới, thấp hơn gần một nửa so với cùng kỳ.
"Chính phủ cần nghiên cứu, giải pháp không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh bớt khó khăn mà còn có cơ hội phục hồi, bứt phá thời gian tới", ông đề nghị.
Một trong các giải pháp được TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), đoàn đại biểu Ninh Thuận đề cập, đó là cần thúc đẩy việc sử dụng khoa học công nghệ và đội ngũ trí thức trong nước, để phát triển kinh tế dài hạn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ông Dũng cho rằng, đại dịch diễn ra lại một lần nữa chứng minh trí tuệ người Việt không hề thua kém bất cứ quốc gia nào.
Ví dụ, bộ kit xét nghiệm “made in Viet Nam” được công bố rất sớm và đã được gửi tới giúp đỡ hơn 20 quốc gia, khu vực trên thế giới. Phương pháp và phác đồ điều trị Covid-19 của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Vaccine của Việt Nam nếu điều kiện thuận lợi dự kiến cuối năm nay sẽ có và như vậy Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới có thể làm việc này.
“Robot hỗ trợ y tá bác sỹ bệnh nhân của chúng ta làm được không thua một nước công nghiệp nào cả. Doanh nghiệp Việt Nam dựa vào công nghệ thì trụ vững và phát triển, như Viettel, Vingroup, FLC, Vinamilk, TH True Milk, Masan…Chính phủ số, kinh doanh số, xã hội số chưa bao giờ phát triển nhanh như vậy, có thể nói cả nước ta như đang sống trong một môi trường số”, ông Dũng nói và cho rằng với 100 triệu người dân Việt Nam đang tin tưởng vào đội ngũ trí thức khoa học công nghệ và sử dụng các sản phẩm công nghệ của Việt Nam thì đây chính là một thị trường tuyệt vời để phát triển.
Từ góc nhìn tương đồng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, đoàn Kiên Giang cũng cho rằng, trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều thử thách nhưng cũng có những lĩnh vực có thể biến nguy thành cơ, để tạo điều kiện phát triển kinh tế thích hợp với từng thời điểm, thời vụ như lĩnh vực công nghệ thông tin.
“Đề nghị Chính phủ có giải pháp ưu tiên phát triển và nâng cao năng lực công nghệ, tạo hạ tầng số để phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nêu ý kiến.
Thảo luận về các giải pháp chống dịch đang được áp dụng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận xét thời gian qua nhiều địa phương đã có những giải pháp phòng chống dịch sáng tạo, linh hoạt. Nhưng một số tỉnh, thành áp dụng biện pháp thái quá, gây cản trở cho người dân, doanh nghiệp, như không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù có giấy xác nhận an toàn.
"Cả nước như một cơ thể sống quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, nên không thể vì một chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là cách ly mà không tách rời, gây đứt gãy nền kinh tế", bà Thủy nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng phê bình các địa phương áp dụng biện pháp thắt quá chặt và yêu cầu rà soát việc vận chuyển hàng hóa.
Còn theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đoàn Quảng Bình, dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, nhưng việc ứng phó hiện nay còn mang tính ngắn hạn. Ngoài các giải pháp như 5K, vaccine…đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp dài hạn, chiến lược sống chung với dịch bệnh, hướng tới bình thường mới.
Ví dụ, cần có các kịch bản cụ thể để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong điều kiện dịch bệnh, trong đó chú trọng đến các cơ quan hoạt động có tính chất đặc thù như Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, đặc biệt đối với Tòa án, Viện kiểm sát, công an làm sao để hoạt động xét xử giam giữ tiến hành phù hợp không để tồn đọng án và vẫn phòng ngừa được dịch bệnh.
“Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thì bên cạnh các vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động, bảo đảm chuỗi cung ứng sản xuất không bị đứt gãy trong trường hợp xảy ra tại các khu công nghiệp thì cũng cần quan tâm đến quyền của người lao động trong khu công nghiệp bị cách ly để họ được bảo đảm quyền lợi về ăn nghỉ, vui chơi, giải trí, đời sống gia đình”, bà Tâm nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
12:50, 26/07/2021
11:32, 26/07/2021
10:00, 26/07/2021
20:32, 25/07/2021
17:43, 25/07/2021
14:04, 25/07/2021
12:45, 25/07/2021
19:54, 24/07/2021
17:02, 24/07/2021
16:27, 24/07/2021
12:54, 24/07/2021
11:20, 24/07/2021
00:19, 24/07/2021
20:37, 23/07/2021
19:48, 23/07/2021
18:25, 23/07/2021
12:54, 23/07/2021
09:39, 23/07/2021
16:05, 22/07/2021
15:22, 22/07/2021
12:13, 22/07/2021
10:54, 22/07/2021
10:23, 22/07/2021
09:18, 22/07/2021
20:00, 21/07/2021