Đại biểu Đinh Văn Nhã đề nghị Chính phủ giữ nguyên lộ trình tăng lương từ 1/7/2020 với người nghỉ hưu, hưởng trợ cấp xã hội và có công với cách mạng.
Phát biểu trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều 15/6, ông Đinh Văn Nhã - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nêu đề xuất trên và bày tỏ "với tất cả chúng ta, dù thu nhập cao hay thấp nhưng mỗi khi nghe đến tăng lương thì ai cũng vui. Vì vậy, khi nghe đề xuất hoãn tăng lương của Chính phủ, nhiều người sẽ buồn".
"Dù còn một năm nữa mới về hưu, nhưng tôi thử đặt mình vào vị trí của những người hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp xã hội vốn có thu nhập thấp, thì sẽ hiểu tâm thế của họ. Vì vậy, Chính phủ nên xử lý đề xuất hoãn tăng lương một cách hợp tình, hợp lý hơn", ông Nhã nói.
Do đó, đại biểu Nhã đề nghị Chính phủ cần xử lý vấn đề tăng lương cơ sở một cách “hợp tình, hợp lý” bằng cách phân thành 2 nhóm đối tượng.
Nhóm thứ nhất với người nghỉ hưu, hưởng trợ cấp xã hội, có công với cách mạng, vẫn tăng lương theo lộ trình từ 1/7.
Theo đại biểu Nhã, "nếu Chính phủ rà soát lại, thấy không cân đối được ngân sách để tăng lương cho tất cả những người này, tôi đề nghị tăng lương trước với những người nghỉ hưu từ năm 1995 trở về trước, bởi đây là nhóm người có thu nhập rất thấp".
Nhóm thứ hai, những người đang làm việc hưởng lương từ ngân sách, tạm thời chưa tăng lương.
"Nếu đến tháng 10 tăng trưởng kinh tế đạt kịch bản số một, GDP đạt 4,9% trở lên thì đề nghị Chính phủ tăng lương cho nhóm này từ tháng 1/2021", ông Nhã đề xuất.
Trước đó, tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 13/6, nhất trí việc Chính phủ tạm dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ, công chức, tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lăk) cho rằng "đây chỉ nên là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ".
Đại biểu Xuân lý giải, về tâm lý, đa số người hưởng lương từ ngân sách không hào hứng và chưa thật sự yên tâm về việc này. Trong khi lạm phát tăng, chỉ số giá tiêu dùng tăng làm giảm sức mua của người dân, việc giữ nguyên lương thực chất đã làm giảm giá trị của đồng lương. Giá trị đồng lương danh nghĩa bị thấp xuống, đồng thời đa số công chức, viên chức sẽ khó khăn hơn, tính giữ liêm sẽ bị giảm sút.
Từ đó đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề xuất “Giải pháp căn cơ trong tình hình hiện nay là phải thực sự tiết kiệm trong chi tiêu, chống lãng phí, đầu tư công phải có trọng điểm, hiệu quả và đặc biệt, phải chống thất thu, chống thất thoát ngân sách nhà nước”.
Được biết, tại báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ đề nghị lùi thời gian tăng lương cơ sở từ 1/7 (dự kiến tăng 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng).
Có thể bạn quan tâm
11:40, 13/06/2020
11:23, 09/04/2020
11:03, 19/11/2019
05:00, 16/11/2019