Đại biểu Quốc hội "hiến kế" nâng cao vị thế đất nước

ANH DUY 15/06/2020 07:42

Đại biểu Quốc hội cho rằng, phải tranh thủ thời cơ hiện nay để nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp, phát triển nâng cao vị thế đất nước.

Ngày 15/6, theo chương trình làm việc của Quốc hội, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường và nghe thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020.

Hôm nay (15/6) Quốc hội

Hôm nay (15/6) Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020.

Trước đó, sau một ngày thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, đã có 40 đại biểu phát biểu ý kiến, có 9 đại biểu tham gia tranh luận.

Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhất là đánh giá về công tác điều hành, quản lý nhà nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các báo cáo đã phản ánh đầy đủ, nhận định thẳng thắn, khách quan về những kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức và đưa ra các giải pháp, chủ trương phục hồi kinh tế.

Hoàn thiện thể chế đón các nhà đầu tư

Cho ý kiến về vấn đề phát triển kinh tế năm 2020, Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp được coi là “xương sống” của nền kinh tế.

Những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng hầu hết đến các doanh nghiệp từ doanh thu, việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động… Chính phủ đã ban hành những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động nhưng quá trình thực hiện các chính sách còn chậm đi vào cuộc sống.

“Đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện các chính sách, giải quyết bất cập, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, người lao động tiếp tục tiếp cận nhanh với các chính sách; đồng thời, cũng là biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt khó, ổn định phát triển”, Đại biểu Đỗ Thị Lan nói.

Đại biểu đồng thời đề nghị Chính phủ có giải pháp đồng bộ, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thể chế, cơ chế pháp luật, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với chịu trách nhiệm, cắt giảm thủ tục hành chính ngay từ khi xây dựng ban hành văn bản pháp luật. Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách pháp luật và thực hiện hiệp định cam kết với quốc tế trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu, dự báo tình hình, cung cấp thông tin về khả năng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các nước để có sự chủ động về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng. Hoàn thiện thể chế, cơ sở pháp lý để đón nhận nhà đầu tư, phát triển kinh tế,

Đồng thời, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và các cam kết với quốc tế.

Trong khi đó, Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) cho biết, trong các giải pháp trọng tâm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có giải pháp về cơ cấu lại thực chất, phục hồi nhanh nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là rất quan trọng. Đây là giải pháp cấp bách song có chiến lược lâu dài.

“Đại dịch COVID-19 khiến chúng ta phải trầm tĩnh nghĩ lại. Xu thế toàn cầu hóa sẽ có sự điều chỉnh và cũng là yêu cầu khiến Việt Nam chúng ta phải quyết tâm hơn nữa tới nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp, chuyển đổi số và gia tăng giá trị chuỗi cung ứng toàn cầu”, Đại biểu phân tích.

Theo Đại biểu, để thực hiện thắng lợi kép vừa chống đại dịch, vừa chuyển đổi số, bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời gian ngắn nhất thì trước tiên phải vượt qua tư duy cũ và cách làm cũ. “Đây không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ mà theo tôi, nội dung quan trọng không kém là cuộc cách mạng về tư duy và thể chế”, Đại biểu Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh.

Đảm bảo "mục tiêu kép"

Đồng thời, Đại biểu đoàn Bắc Giang cho rằng trước hết yêu cầu phải đổi mới về tư duy lãnh đạo, nhận thức đầy đủ về xu thế, tính tất yếu, các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp và cách thức phối hợp hành động, nhất là ở cấp thực thi ở địa phương. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan liên quan đốc thúc triển khai nhiệm vụ này ở các địa phương nhằm thay đổi tư duy, tầm nhìn và cách thức tiến hành chuyển đổi số một cách đồng bộ. 

Giải trình và làm rõ trước Quốc hội và các Đại biểu sau đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam Phó Thủ tướng khẳng định, qua thời gian như vừa rồi càng thấy nhân dân Việt Nam thật tuyệt vời! Mỗi khi đất nước đứng trước những thử thách lớn, thì lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, cùng với những giá trị tốt đẹp nhất của mấy nghìn năm văn hiến, lại được bừng lên và giúp chúng ta chiến thắng được rất nhiều các cuộc chiến trước đây và bây giờ là cuộc chiến chống “giặc COVID”.

Theo Phó Thủ tướng: “Tinh thần ấy cần tiếp tục được khơi dậy, được nhân lên để chúng ta tranh thủ cơ hội đã kiểm soát tốt dịch bệnh trước nhiều nước trên thế giới, tranh thủ thời cơ để cải thiện vị thế đất nước trên trường quốc tế ở tất cả các lĩnh vực”.

Nói về tình hình dịch thời gian sắp tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết nguy cơ vẫn còn rất lớn. Việt Nam như “một cánh đồng trũng” nước ở ngoài sông cao hơn rất nhiều và vẫn tiếp tục mưa. Chúng ta buộc phải giữ thật chặt nhưng không thể đóng cửa cực đoan mà phải thực hiện mục tiêu kép nhưng phải đảm bảo an toàn.  

Dự kiến, trong tuần làm việc thứ tư và cũng là cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết quan trọng. Cụ thể, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua các dự án luật, gồm: Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và một số Nghị quyết quan trọng khác.

Có thể bạn quan tâm

  • Đại biểu Quốc hội phản ánh tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp sau dịch COVID-19

    14:53, 13/06/2020

  • Đại biểu Quốc hội đề nghị hai Bộ chịu trách nhiệm vấn đề thịt lợn giá cao

    11:45, 13/06/2020

  • Quốc hội thảo luận về kinh tế, xã hội: "Cần thống nhất để không tỉnh nào bị bỏ lại phía sau"

    11:43, 13/06/2020

  • Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội): Giải ngân vốn đầu tư quan trọng nhưng không phải bằng mọi giá

    16:30, 13/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đại biểu Quốc hội "hiến kế" nâng cao vị thế đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO