Với 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền.
>>Căng thẳng Nga - Ukraine... chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Theo đó, số phiếu thuận đã vượt mức 2/3 cần thiết để đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền (các nước bỏ phiếu trắng không được tính). Trên thực tế, rất ít các quốc gia bị đình chỉ khỏi hội đồng gồm 47 thành viên có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ. Trước đó, Libya đã bị đình chỉ năm 2011 vì cáo buộc bạo lực chống lại người biểu tình.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết nói thêm rằng hội đồng có "mối quan tâm sâu sắc" liên quan đến các báo cáo về "các vi phạm và lạm dụng nhân quyền một cách có hệ thống" và "vi phạm luật nhân đạo quốc tế" do Nga thực hiện trong chiến sự tại Ukraine.
Theo nghị quyết vừa được bỏ phiếu, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ họp để chính thức ra quyết định đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền. Nga sẽ vẫn là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhưng không thể đề xuất các nghị quyết hay tham gia thảo luận về các vấn đề tại cơ quan này, ngoại trừ những vấn đề liên quan trực tiếp đến Nga. Việc đình chỉ sẽ kết thúc khi Đại hội đồng quyết định dỡ bỏ hoặc cho đến cuối năm 2023, khi nhiệm kỳ thành viên của Nga kết thúc.
Sau cuộc bỏ phiếu, phó đại sứ Nga tại LHQ Gennady Kuzmin mô tả động thái này là "bước đi bất hợp pháp và mang động cơ chính trị", đồng thời tuyên bố Nga quyết định tự rút khỏi Hội đồng Nhân quyền. Ông nhấn mạnh Nga "bác bỏ các cáo buộc không trung thực chống lại chúng tôi dựa trên các sự kiện dàn dựng và các thông tin giả được lan truyền".
Louis Charbonneau, Giám đốc Liên hợp quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết trong một tuyên bố rằng đại hội đồng đã gửi một thông điệp rõ ràng tới giới lãnh đạo của Nga rằng một chính phủ mà quân đội thường xuyên vi phạm nhân quyền thì không có quyền tham gia vào các công việc trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
"Những hình ảnh thương vong từ Bucha đã khiến mọi người trên khắp thế giới phải bàng hoàng. Nạn nhân và gia đình của họ xứng đáng để những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm", ông Charbonneau nhấn mạnh.
>>Đàm phán Nga - Ukraine tiếp tục gặp trở ngại
Sau hai lần bỏ phiếu trắng các nghị quyết liên quan Nga tại Đại hội đồng LHQ gần đây, Trung Quốc hôm nay bỏ phiếu chống. 58 quốc gia bỏ phiếu trắng bao gồm Brazil, Ấn Độ, Mexico, Senegal và Nam Phi.
"Một động thái vội vàng như vậy tại Đại hội đồng, buộc các nước phải chọn bên, sẽ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên, gia tăng đối đầu giữa các bên liên quan, chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa", Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân phát biểu trước cuộc bỏ phiếu.
Mặt khác nhiều quốc gia cũng cho rằng, LHQ nên tập trung vào việc chấm dứt xung đột thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao. T.S. Tirumurti, đại sứ của Ấn Độ tại Liên hợp quốc cho biết: "Khi mạng sống của con người vô tội bị đe dọa, ngoại giao phải được coi như một lựa chọn khả thi duy nhất".
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
‘Việt Nam phản đối mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, đồng thời cho rằng cần xác minh, kiểm chứng các thông tin gần đây một cách công khai, minh bạch, khách quan, với sự hợp tác của các bên liên quan”, ĐS Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là các trao đổi, quyết định của các cơ quan, tổ chức quốc tế cần tuân thủ đúng quy trình, thủ tục hoạt động của mình, mọi trao đổi, quyết định của Đại hội đồng LHQ cần dựa trên thông tin được kiểm chứng, khách quan, minh bạch, với sự hợp tác của các bên liên quan và có sự tham vấn rộng rãi với các nước.
Đại diện Việt Nam cũng cho rằng LHQ và cộng đồng quốc tế nên tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực đối thoại, thương lượng ngoại giao giữa các bên liên quan để tìm kiếm giải pháp hòa bình, toàn diện.
Có thể bạn quan tâm
Tác động từ Nga - Ukraine: Tiền tệ suy yếu gây áp lực với các quốc gia châu Á
05:15, 08/04/2022
Đàm phán Nga - Ukraine tiếp tục gặp trở ngại
04:44, 08/04/2022
Căng thẳng Nga - Ukraine... chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
04:38, 07/04/2022
JPMorgan: Chiến sự Nga – Ukraine làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu
11:30, 06/04/2022