Đại hội XIII của Đảng: Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng!

Diendandoanhnghiep.vn Nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, trong đó chú trọng phòng ngừa với những chế tài cụ thể.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết khi trao đổi với báo chí trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đó là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có điểm dừng và trên tất cả lĩnh vực, kể cả đấu tranh phòng chống tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng và lĩnh vực chính trị.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, trong số các nhiệm vụ trong tâm của nhiệm kỳ tới đã được nêu trong dự thảo báo cáo chính trị, có việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"...

"Đây là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, nhân dân tham gia cùng Đảng để đấu tranh phòng, chống tham nhũng; sao cho cán bộ, đảng viên không thể, không dám và không cần tham nhũng", ông Thắng nói.

Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thực sự quyết liệt từ tháng 6/2016 - khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chưa đầy 5 tháng. Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được đặt ở vị trí cao hơn, đề cập rõ cả trong xây dựng Nhà nước và xây dựng Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng đối với tệ nạn nguy hiểm này, coi tham nhũng là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đất nước, chế độ.

Nghị quyết Đại hội XII nêu rõ: "Nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng."

Trong nhiệm kỳ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chỉ đạo để hoàn thiện các luật, quy định về phòng, chống lãng phí. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020 để triển khai thực hiện; tập trung chỉ đạo thực hiện phòng, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước, đầu tư công, quản lý tài nguyên, vốn, tài sản của Nhà nước ở các doanh nghiệp…

Đảng đã lãnh đạo thể chế hóa chủ trương thành các đạo luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng để phòng, chống tham nhũng như Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Tố cáo (sửa đổi)...

Công tác phòng chống tham nhũng trong năm 2018 đã có nhiều bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá. (Ảnh minh họa)

Công tác phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đã có nhiều bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá. Ảnh minh họa: Internet.

Trong suốt 5 năm của nhiệm kỳ XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã luôn quán triệt công tác phòng chống “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. “Ai bàn lùi thì đứng sang một bên cho người khác làm”, Tổng Bí thư nhiều lần chia sẻ quan điểm trong các cuộc tiếp xúc cử tri và cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Theo đó, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, khởi tố, truy tố và xử lý công khai; có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ đối với cán bộ, đảng viên; đồng thời, khẳng định quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự đã trở thành phong trào, xu thế.

Qua đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, hơn 87.000 cán bộ, đảng viên đã bị kỷ luật; trong đó, trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng. Các cơ quan có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). 

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Từ năm 2013 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, các cơ quan đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700.000 tỷ đồng, hơn 20.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14.000 tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trên cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao.

Đáng chú ý, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013-2020 đạt 32,04%.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: "Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm."

Từ kết quả đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn.

Đại hội XIII sẽ diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 2/2 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước, tăng gần 80 người so với Đại hội XII, đông nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Đại biểu cao tuổi nhất 77, đại biểu thấp tuổi nhất là 34.
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Đại hội XIII của Đảng: Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng! tại chuyên mục Chính trị của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714088033 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714088033 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10