Đại hội XIII và công cuộc đổi mới thời 4.0

Diendandoanhnghiep.vn Nhiệm kỳ Đại hội XIII sắp tới, người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cũng như các tư lệnh ngành cần phải dám đổi mới, có tinh thần đổi mới, không sợ trách nhiệm.

Ảnh: TTXVN

Ảnh: TTXVN

“Bộ sậu” của Đại hội XIII phải “tinh”

Không ai phủ nhận thời gian qua công tác cán bộ đã có những chuyển biến tích cực, đem lại những kết quả quan trọng, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự nghiệp đổi mới đất nước.

Tuy nhiên, công tác cán bộ nói chung, nhất là trong đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ… nói riêng, có nơi, có lúc còn có biểu hiện chưa thật sự dân chủ, thiếu công khai, minh bạch, thiếu thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình, vẫn còn nể nang, né tránh, sợ va chạm..v..v.

Thực tế, câu chuyện “quan lộ thần tốc”, “gia đình trị” (nhắm mắt lại hẳn mọi người cũng điểm qua được) gây xôn xao, bức xúc trong dư luận không chỉ ở ngay chính địa phương đó, mà nó gây bất bình cho nhân dân cả nước, làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Đảng, Nhà nước với nhân dân về công tác nhân sự, tổ chức cán bộ.

Dư luận đặt câu hỏi: Những người được bổ nhiệm “thần tốc” họ có thực tài không, hay là có sự nâng đỡ và ưu ái nào đó? Và rằng, giá như người ta đừng xem công tác tổ chức cán bộ, bố trí cán bộ như “ván cờ người” để bất chấp bổ nhiệm nhằm tạo “vây cánh”, tạo “thế và lực” xung quanh cho mình thì có lẽ không có kết cục buồn.

Và tất thảy những trường hợp “thần tốc” đều cho thấy rõ điều đó, những “trái cây chín ép sẽ không bao giờ cho vị ngọt”, bằng chứng là khá những người bổ nhiệm và được bổ nhiệm “thần tốc” đã “ngã ngựa”. Đây là bài học đắt giá cho những ai lợi dụng ảnh hưởng, chức vụ quyền hạn sắp đặt cán bộ theo ý đồ cá nhân.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ rất chí lý rằng: “Trong hệ thống của ta có một tật xấu là hay quy chụp nhau. Nếu cứ quy chụp thì làm sao phát triển được tư duy. Sức mạnh của một dân tộc nói cho cùng liên quan hàng đầu, số 1 đến sức mạnh trí tuệ, tinh thần.

Dân tộc nào cũng vậy, có trường tồn không, có bảo vệ được sơn hà hay không là nhờ sức mạnh ấy trước tiên. Không thúc đẩy đổi mới tư duy, không bỏ đi cái bệnh hay quy chụp nhau, không chịu nghe nói thẳng, nghe những ý kiến khác mình thì mọi thứ sẽ cằn cỗi, không vươn nhanh lên được”.

 Ngày nay, chúng ta đang bước vào một chặng đường phát triển mới. Nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra. Đây là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, nó  diễn biến rất nhanh, là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới.

Vậy nên, Đại hội XIII này, chúng ta cần lực lượng cán bộ cấp chiến lược phải “tinh” để phục vụ cho nhu cầu đổi mới. “Tinh” ở đây được hiểu là: Người kiên định với việc xây dựng nhà nước của dân, xây dựng chế độ dân chủ và độc lập, không bị lệ thuộc chi phối bởi lực lượng nào đó từ bên ngoài; Không tài phiệt;  Không tham nhũng, lợi ích nhóm; Phải tâm huyết với đổi mới.

Đại hội XIII gắn với công cuộc đổi mới thời 4.0

Nhìn lại gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và gần 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Đó là một chặng đường gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang, có nhiều thành tựu khiến lòng dân phấn chấn, nhưng cũng để lại không ít bài học, không ít vấn đề cần tiếp tục xem xét trong thời gian tới.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc hoàn tất nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn như TPP, FTA với EU, Liên minh kinh tế Á - Âu... Song song, CMCN 4.0 lần này cũng đang đặt ra nhiều thách thức mới đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đó là thách thức tụt hậu xa hơn, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn dẫn đến phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn.

Điều này cũng có nghĩa, Việt Nam đang tiến vào giai đoan phát triển mới rất quan trọng nhằm thực hiện thành công nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì thế đòi hỏi đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phải là người tiên phong trong việc thay đổi cách tiếp cận hiện tại của mình để hoạch định và thực hiện chính sách.

Vấn đề đáng quan tâm là, trải qua các thời kỳ, giai đoạn phát triển của đất nước, qua các nhiệm kỳ Đại hội, chúng ta đều thấy Đảng đề ra nhiệm vụ, phương hướng  phát triển đất nước, trong đó không thể không đề cập đến nhiệm vụ quan trọng: Phải lựa chọn được người có đức có tài, phải đổi mới tư duy, đổi mới từ trong Đảng.

Dĩ nhiên, đây là điều hoàn toàn đúng đắn, bởi có đổi mới tư duy, có chuyển biến nhận thức thì mới có chủ trương, đường lối đúng đắn, có chính sách tốt và chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Thực tiễn cho thấy, khi đã có đường lối đúng thì phương châm hành động là: “Nghị quyết 1, quyết tâm phải 10 và tổ chức thực hiện phải 20” thì mới đem lại kết quả thắng lợi vẻ vang.

Nói cách khác, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII sắp tới, người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cũng như các tư lệnh ngành cần phải dám đổi mới, có tinh thần đổi mới, không sợ trách nhiệm. Cùng với đó là nâng cao năng lực lãnh đạo hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường..v..v.

Tuy nhiên, không phải ai cũng dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới vì lằn ranh của sự đổi mới với sai lầm nó chỉ là khoảng cách gần. Quyết định, chiến lược đổi mới thành công thì được ngợi ca, còn quyết định táo bạo nhưng sai lầm thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.

Chính cái ranh giới của sự mong manh đó mà “để thuyết phục mọi người ủng hộ sự đổi mới không bao giờ là dễ dàng… Điều quan trọng là người lãnh đạo phải biết lắng nghe và ủng hộ tinh thần đổi mới” - chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược từng nói.

Ủng hộ tinh thần đổi mới, mới đây Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nói và cho biết: “Cộng đồng doanh nghiệp hết sức ủng hộ quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung mà Bộ Chính trị xem xét ban hành. Chủ trương này được kỳ vọng sẽ trao “tấm áo giáp sắt” cho cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu dám dũng cảm, dấn thân, dám đổi mới, sáng tạo, đột phá vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc”.

Nước ta có những lợi thế vượt trội so với một số nước như: Ưu thế về địa chính trị, địa kinh tế; rồi thế mạnh của rừng, biển và khoáng sản; đặc biệt chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, lao động cần cù, sáng tạo và đang ở thời điểm “dân số vàng”… Những tiềm lực đó chính là sức mạnh vô cùng quan trọng, kết hợp sức mạnh của khoa học công nghệ… để có thể làm nên “cuộc cách mạng” cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Dẫu vậy, một lần nữa xin nhắc lại: Công cuộc đổi mới được dẫn đường nhờ đổi mới tư duy. Và thời điểm này đất nước thật sự cần những người có tư tưởng đổi mới, có tầm, có tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tất cả đang mong chờ một sự thay đổi, đột phá ở nhiệm kỳ Đại hội XIII sắp tới.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Đại hội XIII và công cuộc đổi mới thời 4.0 tại chuyên mục Chính trị của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711620128 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711620128 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10