Đại Thiên Lộc khó về UPCOM?

Khánh Hà 21/11/2019 16:39

ĐHĐCĐ CTCP Đại Thiên Lộc (mã chứng khoán DTL) không thông qua Nghị quyết về việc hủy niêm yết tự nguyện tại Sàn Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) và đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Trong tờ trình, DTL dự kiến sẽ làm thủ tục hủy niêm yết tự nguyện với lý do tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển doanh nghiệp. Sau khi hủy niêm yết, DTL sẽ tiếp tục đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch cổ phiếu của Công ty đại chúng chưa niêm yết UPCoM.

Cổ đông Đại Thiên Lộc không đồng ý hủy niêm yết

Cổ đông Đại Thiên Lộc không đồng ý hủy niêm yết.

Tuy nhiên, việc hủy niêm yết đã không được thông qua do số biểu quyết "đồng ý" từ các cổ đông không phải cổ đông lớn chỉ chiếm 0.02%.

Kế hoạch hủy niêm yết này được công bố sau khi HOSE tiếp tục duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu DTL do lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ DTL tại Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2019 âm 37,6 tỷ đồng. Như vậy, đến nay DTL đã thua lỗ trong 3 quý liên tiếp, từ quý IV/2018 đến quý II/2019.

Thành lập từ năm 2001 với vốn điều lệ 6 tỷ đồng, DTL là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm tôn, thép như thép lá cán nguội, tôn lạnh, tôn kẽm, tôn lạnh màu/tôn màu, thép hộp, ống thép…

Sau giai đoạn 2012-2015 gặp nhiều khó khăn với đỉnh điểm là thua lỗ 73,7 tỷ đồng trong năm 2015, bước sang năm 2016 - “năm vàng” của ngành thép Việt Nam khi một mặt hưởng lợi từ thị trường xây dựng, bất động sản tăng trưởng mạnh mẽ, mặt khác là giá cả sắt thép tăng trong khi Công ty có sẵn tồn kho và mua hàng giá thấp, đã giúp lợi nhuận của DTL liên tục được cải thiện.

Kết thúc năm 2016, DTL ghi nhận 184 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và tăng lên 241 tỷ đồng trong năm 2017 - cũng là năm có lợi nhuận tốt nhất từ khi thành lập. Ðây cũng là giai đoạn thị giá DTL tăng từ dưới 20.000 đồng/cổ phiếu lên đến hơn 55.000 đồng/cổ phiếu.

Trong nửa đầu năm 2018, tình hình kinh doanh của DTL vẫn lạc quan với 1.524 tỷ đồng doanh thu và 59,7 tỷ đồng lãi trước thuế. Tuy nhiên, những khó khăn chồng chất trong nửa cuối năm, nhất là trong quý IV/2018, đã xóa sạch thành quả thu được và khiến cả năm lỗ 14,1 tỷ đồng.

Chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá bán không tăng tương ứng, doanh thu xuất khẩu giảm mạnh do các thị trường xuất khẩu chính áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại… là những vấn đề khiến DTL thua lỗ.

Có thể bạn quan tâm

  • Đại Thiên Lộc loay hoay thoát khó

    Đại Thiên Lộc loay hoay thoát khó

    02:02, 02/10/2019

  • Đại Thiên Lộc có

    Đại Thiên Lộc có "quá sức" khi đặt kế hoạch cao đột biến trong năm 2017?

    06:11, 05/05/2017

Cổ phiếu DTL đang trong tình trạng bị cảnh báo bởi lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính năm 2018 âm. Cụ thể, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành thép, Công ty báo lỗ hợp nhất hơn 17 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 198 tỷ đồng năm 2017.

Tình hình khó khăn chưa có nhiều cải thiện đối với Đại Thiên Lộc kể từ đầu năm tới nay. Nửa đầu năm 2019, doanh thu của Công ty giảm gần 10%, lỗ ròng gần 38 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Công ty báo lỗ nửa đầu năm kể từ khi lên niêm yết (năm 2010).

Bước sang quý III, doanh thu và lợi nhuận công ty mẹ giảm mạnh so với cùng kỳ, nguyên nhân là chi phí sản xuất tăng cao, trong khi giá bán các thành phẩm lại không tăng nhiều.

Cụ thể, doanh thu thuần giảm 90%, đạt 55,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp âm 1,4 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước đạt 189 triệu đồng.

Trên báo cáo tài chính hợp nhất quý III, doanh thu thuần giảm 50%, đạt 443,2 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 6,89 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 637 triệu đồng.

Theo Đại Thiên Lộc, lợi nhuận đi lên nhờ Công ty đã tiến hành kiểm soát chi phí sản xuất, giảm tối đa các chi phí bán hàng, chi phí quản lý…, khiến tổng chi phí giảm mạnh.

Biên lãi gộp của Công ty có xu hướng tích cực hơn, đạt 14,5% trong quý III/2019, cao hơn mức 5% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do kết quả kinh doanh không tích cực nửa đầu năm, Công ty vẫn lỗ lũy kế gần 32 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 70 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hàng tồn kho của Công ty đạt gần 1.973 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với đầu năm. Trong khi đó, giá trị khoản phải thu ngắn hạn giảm hơn 57%, còn gần 127 tỷ đồng. Hiện tại, nợ ngắn hạn chiếm gần 97% nợ phải trả của Công ty, ở mức 1.869 tỷ đồng.

Trong 1 năm qua, giá cổ phiếu DTL đã giảm 16,19%, hiện giao dịch ở mức 33.650 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch/ngày không đáng kể, chỉ đạt 214 cổ phiếu/phiên trong năm qua.

Ban lãnh đạo Công ty nhận định, giá thép nguyên liệu giảm mạnh, lượng hàng tồn kho tăng khá cao, chênh lệch giá nhập và giá bán đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của Công ty, gây lỗ ngay từ giá nguyên liệu.

Trong khi đó, một số nước xuất khẩu chính trong khu vực Đông Nam Á và một số thị trường mới tìm kiếm, xuất khẩu được đã tiến hành áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Do đó, doanh thu xuất khẩu lao dốc, gây ảnh hưởng đến tổng doanh thu của Công ty.

Chưa kể, đa số khách hàng đều có nhu cầu hạn mức dư nợ, nhưng hiện Công ty không thể đáp ứng được hầu hết do nguồn vốn chủ sở hữu hạn chế.

Dù vậy, giá thép trong nước và thế giới đang theo hướng hồi phục và giữ ở mức ổn định, nhờ vậy, giá trị hàng hóa, nhất là lượng hàng tồn kho dự trữ sẽ tăng lên, tạo điều kiện trong việc xoay vòng nguồn vốn và tăng giá trị đầu tư.

Bên cạnh đó, hàng nhập khẩu giá rẻ đã không còn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Hàng sản xuất trong nước sẽ có thêm chỗ đứng, tạo ưu thế cho các sản phẩm của doanh nghiệp nội địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đại Thiên Lộc khó về UPCOM?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO