Công ty Cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) là một trong 4 "quả đấm thép" của Vinachem, thuộc 12 đại dự án thuộc Bộ Công Thương hiện đang chìm trong thua lỗ, luỹ kế đến nay Đạm Hà Bắc đã lỗ tổng cộng 2.332 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Phân bón và Hoá chất Hà Bắc vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2017. Với 730 tỷ đồng doanh thu trong kỳ, tăng hơn 20% so với quý IV/2016, doanh thu cả năm của Đạm Hà Bắc đạt 2.511 tỷ đồng, tăng gần 19% so với năm 2016.
Đạm Hà Bắc lỗ ròng gần 612 tỷ đồng trong năm vừa qua, giảm lỗ gần 400 tỷ đồng so với năm 2016. Kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm vừa qua đã tăng thêm khoản lỗ luỹ kế đến cuối năm 2017 lên mức 2.333 tỷ đồng.
Theo lý giải của Đạm Hà Bắc, kế hoạch năm 2017 lỗ do nguyên liệu chính cho sản xuất là than đã tăng tới gần 100% khiến cho chi phí đầu vào của công ty tăng lên hàng trăm tỷ đồng so với năm 2009.
Bên cạnh đó, giá bán sản phẩm đầu ra của công ty cũng chịu áp lực lớn. Bởi các doanh nghiệp khác như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau lại sản xuất phân ure từ khí, trong khi giá khí từ năm 2015 giảm mạnh đến 50%. Giá bán ure hiện ở mức thấp hơn giá thành, bình quân năm 2016 chỉ đạt 6.138 đồng/kg, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2015. Vì thế các doanh nghiệp này giảm giá bán để cạnh tranh, theo đó Đạm Hà Bắc cũng phải giảm giá bán sản phẩm, gây ra thua lỗ càng lớn hơn.
Ngoài ra, công ty này còn bị ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân khác như thuế giá trị giá tăng quy định mặt hàng phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế; tỷ giá tăng từ quý 3/2015; dự án mở rộng nhà máy mới đi vào hoạt động nên áp lực về chi phí lãi vay bị phân bổ và trích khấu hao cao.
Lý giải việc Nhà máy đạm Hà Bắc thua lỗ nghìn tỷ, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại cho rằng có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan dẫn đến tình trạng này.
Yếu tố đầu tiên theo ông Nam là do chất lượng đạm của Việt Nam kém, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công nghệ không đảm bảo.
Khi thiết kế mở rộng nhà máy này chúng ta khẳng định lấy tiêu chuẩn châu Âu, từ các thị trường nổi tiếng như Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Ý. Tuy nhiên vấn đề là việc thiết kế, xây dựng, lắp đặt lại được thực hiện bởi nhà thầu Trung Quốc.
Nguyên nhân thứ hai được vị chuyên gia chỉ ra, đó là do hàng hóa của Việt Nam làm ra không thể cạnh tranh được với hàng hóa từ các nước, đặc biệt là phân đạm từ Trung Quốc.
Ngoài ra, cây giống của Trung Quốc cũng đang tràn vào Việt Nam. Nên theo ông Nam, đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn đạm Trung Quốc.
Theo Đề án tái cơ cấu Vinachem được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký phê duyệt trước đó, có phương án thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 4 công ty phân đạm đang thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có Đạm Hà Bắc.
Lãnh đạo Bộ Công thương và Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả. Đồng thời, kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp.