Đàm phán Mỹ - Trung: Có dễ dàng tới Florida?

Cẩm Anh 05/03/2019 05:30

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể gặp nhau vào cuối tháng này để kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nước.

Liệu hai bên có dễ dàng đi đến kết thúc chiến tranh thương mại?

Liệu hai bên có dễ dàng đi đến kết thúc chiến tranh thương mại?

Theo The Wall Street Journal đưa tin, Mỹ và Trung Quốc gần hoàn tất một hiệp ước thương mại. Bắc Kinh và Washington đang xem xét loại bỏ hầu hết các lệnh áp thuế bổ sung áp đặt lên nhau kể từ giữa năm 2018.

Theo tờ báo, cả hai bên tin rằng các cuộc đàm phán đã tiến triển đủ để hai nhà lãnh đạo có thể đạt được thỏa thuận chính thức tại một cuộc họp tiềm năng dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 27/3 tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Florida.

Có thể bạn quan tâm

  • Tín hiệu mới trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung

    06:00, 14/02/2019

  • Dùng dằng đàm phán thương mại Mỹ - Trung

    14:31, 12/02/2019

  • “Mập mờ” đàm phán thương mại Mỹ - Trung

    13:30, 19/01/2019

  • Nguy cơ nào đe dọa Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Trung sắp tới?

    05:48, 02/03/2019

Hai bên đang trong giai đoạn cuối cùng để đàm phán một thỏa thuận có liên quan đến việc Trung Quốc cam kết tăng tốc thời gian loại bỏ các hạn chế sở hữu nước ngoài đối với các dự án xe hơi, giảm thuế đối với xe nhập khẩu từ Mỹ xuống dưới mức hiện tại là 15% nếu chính quyền Trump xóa bỏ lệnh trừng phạt với Bắc Kinh.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ mua thêm hàng hóa của Mỹ trong nỗ lực thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ, một vấn đề mà Tổng thống Trump đã tập trung chú ý từ lâu. Thỏa thuận tiềm năng này sẽ mở rộng thị trường cho các công ty dịch vụ tài chính và nông dân Mỹ bằng cách yêu cầu Trung Quốc mua một lượng lớn năng lượng và nông sản, như khí tự nhiên lỏng và đậu nành.

Mặt khác, chính quyền Trump cũng đang thúc đẩy Trung Quốc chấp nhận một cơ chế thực thi cho phép Hoa Kỳ nhanh chóng khôi phục thuế quan nếu Bắc Kinh không thực hiện được những lời hứa cụ thể.

Đổi lại, về phía Trung Quốc, Mỹ rất có thể sẽ giảm thuế đối với ít nhất 200 tỷ USD trong tổng số 250 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc hiện đang chịu thuế của Mỹ. Nếu thuận lợi hơn, theo một nguồn tin cho biết, phía Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy việc xóa bỏ tất cả các mức thuế của chính quyền Trump.

Tiến trình hướng tới một thỏa thuận là tin tức đáng hoan nghênh cho chính phủ Trung Quốc khi các nhà lãnh đạo hàng đầu tập trung trong tuần này tại Bắc Kinh cho các sự kiện Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tức Mặt trận tổ quốc) thuộc kỳ họp Lưỡng hội thường niên đã khai mạc tại Bắc Kinh.

Việc chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, dù có thể sẽ chỉ là tạm thời, sẽ là một chiến thắng lớn cho Chủ tịch Tập Cận Bình và chính quyền của ông trong nỗ lực cố gắng chống lại sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc.

Có thể thấy, cuộc chiến thương mại leo thang, trong đó hai bên áp đặt thuế quan đối với khối lượng lớn hàng hóa của nhau, đã gây thêm áp lực cho nền kinh tế Trung Quốc vốn đã mất đà do các nỗ lực của chính phủ nhằm kiềm chế cho vay rủi ro.

Mặc dù vậy, hiện đã có một số dấu hiệu bất đồng trong chính quyền Trump về việc liệu thời điểm này có đúng để thực hiện một thỏa thuận với Bắc Kinh hay không. Cho đến thời điểm hiện tại, chi tiết về một cơ chế thực thi để đảm bảo Bắc Kinh tuân thủ các cam kết chính sách vẫn chưa được thiết lập.

 Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn cuối cùng của việc hoàn thiện một thỏa thuận thương mại.

Mỹ cho rằng, Trung Quốc cần đưa ra những nhượng bộ cụ thể hơn nữa để đạt được những thỏa thuận cần thiết

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã nói với các nhà lập pháp rằng Bắc Kinh chưa đưa ra những nhượng bộ cụ thể, có thể xác định được và có thể được thi hành ở tất cả các cấp chính quyền. 

Cùng với đó, trong số các vấn đề gây tranh cãi nhất giữa hai nước là các chính sách công nghiệp mạnh mẽ của Bắc Kinh đã bơm một khoản tiền lớn vào việc thúc đẩy sự phát triển của các công ty tư nhân trong các lĩnh vực quan trọng, và việc Trung Quốc buộc các công ty Mỹ phải tiến hành chuyển giao công nghệ có giá trị để kinh doanh tại nước này.

"Vẫn có sự khác biệt đáng kể về các vấn đề như chuyển giao công nghệ bắt buộc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường", Tai Hui, chiến lược gia trưởng thị trường của JPMorgan Asset Management tại Châu Á Thái Bình Dương cho biết.

"Trung Quốc sẽ thừa nhận nhượng bộ trong bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Hoa Kỳ vì mục đích ổn định quan hệ với Mỹ, nhưng không có khả năng đáp ứng yêu cầu thay đổi mô hình kinh tế ngay cả khi phải đối mặt với việc Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế quan". - Tai Hui nói thêm.

Việc hủy bỏ các chính sách kinh tế được xây dựng hàng thập kỷ sẽ không xảy ra trong một đêm. Sẽ rất khó để Chủ tịch Tập đồng ý với yêu cầu Trung Quốc cải tổ vai trò của các doanh nghiệp nhà nước và các chính sách công nghiệp cốt lõi khác. 

Các tính năng cốt lõi của mô hình Trung Quốc, những vấn đề này sẽ được để lại trong tương lai. Cuộc xung đột này đang có chiều hướng được mở rộng sang các khu vực khác, thậm chí ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây. Vì vậy, Trung Quốc muốn kiểm soát điều đó. 

Nếu Trung Quốc nhượng bộ quá lớn đối với Mỹ, điều này có thể tạo ra rối loạn kinh tế trong nước. Và Chủ tịch Tập Cận BÌnh sẽ giải thích như thế nào với các đảng viên Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc? 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đàm phán Mỹ - Trung: Có dễ dàng tới Florida?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO