Đằng sau những con số...

Đại Dương 08/03/2018 10:20

Kinh tế Việt Nam trong các số liệu thống kê của Diễn đàn kinh tế thế giới và World Bank trong năm qua có những điểm sáng mà nhiều chuyên gia, thậm chí cả nguyên thủ cũng luôn nhấn mạnh.

Trong đó, Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc. Còn World Bank, trong chỉ số EDBI, đánh giá Việt Nam tăng 14 bậc. Thủ tướng trong nhiều buổi tổng kết 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ở nhiều nơi đều nhấn mạnh tới những đánh giá tích cực này.

Hẳn nhiên là có những con số có thể chứng minh cho mức độ thuận lợi kinh doanh tại Việt Nam. Chẳng hạn số doanh nghiệp thành lập mới mà Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 12-2017 lên tới trên 126.000. Cùng với đó là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng so với các năm trước.

Hiệu quả của nền kinh tế cũng được đặc biệt nhấn mạnh khi 6.81% tăng trưởng GDP không chỉ được dùng làm dấu chỉ của tăng trưởng đầu tư, sản xuất, kinh doanh, mà còn trở thành minh chứng cho những điều hành mạnh mẽ, cải cách của Chính phủ. Cuộc chiến cắt giảm điều kiện kinh doanh tiếp tục được tiến hành và thực sự là đã mang lại những con số có thể cân đong đo đếm. Dẫu cho có người đặt ra chất lượng tăng trưởng và con số 6.81% không hẳn đã thuyết phục được toàn thể công luận, nhưng rõ ràng việc lặp đi lặp lại con số ấy cũng có những tác dụng tích cực đáng kể đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, dù chỉ số trong EDBI của World Bank đánh giá Việt Nam khá cao, nhưng có hai chỉ số cơ bản là Khởi sự kinh doanh (Starting Business) và Thủ tục phá sản (Resolving Insolvency) của Việt Nam đang ở thứ hạng chưa tốt. Trong đó, chỉ số về thủ tục phá sản chỉ xếp hạng 129/190 nền kinh tế. Điều này đã được nêu ra từ rất lâu, kể cả từ lúc soạn thảo Luật phá sản. Thậm chí, ngay thời điểm 2015, lúc cả nước sôi nổi góp ý văn kiện Đại hội XII của Đảng, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng: từ khi có Luật phá sản, thì mới chỉ có 8 doanh nghiệp… được phá sản.

Trong khi ai cũng biết, phá sản là một trong những hoạt động rất bình thường của cộng đồng kinh doanh, nó giúp giảm thiểu những hệ lụy gây ra do tình trạng “muốn chết mà không chết được” của doanh nghiệp. Điều ấy khiến cho ngay cả một ngành nghề được dự báo sẽ rất phát triển ở Việt Nam là “quản tài viên” đến nay vẫn là… tiềm năng.

Dĩ nhiên, trên con đường phát triển, sẽ còn nhiều khó khăn cần vượt qua, nhiều khúc quanh cần cẩn trọng. Tuy vậy, chỉ khi nào những tâm tư của doanh nghiệp không trái chiều với những chỉ số tốt lành được công bố, thì khi ấy sức bền của doanh nghiệp và sự bền vững của nền kinh tế mới trở nên đồng điệu.

Chỉ khi nào những tiếng kêu của doanh nghiệp không còn hoặc chỉ còn rất ít, thì những chỉ số mà quốc tế đánh giá về kinh tế Việt Nam mới thực sự phản ánh được tính chuẩn chỉnh của một nền kinh tế thị trường. Bởi ngay cả các cấp lãnh đạo cũng hiểu rằng: doanh nghiệp chính là lý do, là động lực quan trọng của nền kinh tế. Mà minh chứng hùng hồn nhất phải kể đến mục tiêu “1.000.000 doanh nghiệp vào năm 2020”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đằng sau những con số...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO