Nhờ công tác vận động hội viên phát triển kinh tế được Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đặc biệt quan tâm, trong thời gian gần đây hàng chục phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo.
Năm 2013, chị Lý Thị Ninh (xã Chế Cu Nha, huyện Mù Căng Chải) vinh dự tham gia lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng. Một năm sau, chị tự hào được đứng trong hàng ngũ của "những người tiên phong".
Những tấm gương điển hình
Vẫn nhớ như in giây phút thiêng liêng đó, chị cho biết: “Từ ngày vào Đảng cuộc sống của tôi bước sang một trang mới”. Hiện chị là Tổ trưởng Tổ hợp tác thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông bản Dề Thàng.
Chị Ninh chia sẻ, chị biết đến nghề dệt thổ cẩm qua một Dự án phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo của một tổ chức tại Hà Nội. Chị tham gia kêu gọi các chị em thành lập Tổ hợp tác, học nghề và phát triển sản phẩm. Đến nay đã kêu gọi được 50 - 60 chị em phụ nữ tham gia.
Sản phẩm sau khi hoàn thành có giá trị từ hai đến bốn triệu đồng, đáng chú ý có những bộ lên tới hàng chục triệu đồng, tùy thuộc vào chất liệu, sự tỉ mỉ, hoa văn trên bộ trang phục.
Từ nỗ lực của từng thành viên, hiện tại tổ thêu đã cho ra thị trường gần hai mươi loại mặt hàng.
Với sự giúp đỡ của Trung tâm dạy nghề nhân đạo Caft Link, các sản phẩm thủ công từ bản làng miền núi xa xôi đã chắp cánh bay tới khắp các hội trợ triển lãm và giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới du khách trong và ngoài nước. Giúp thu nhập của mỗi hội viên tăng lên từ 1 đến 3,5 triệu đồng/cho một lần giao nhận hàng.
Từ khó khăn ban đầu, chị Ninh đã giúp những người phụ nữ dân tộc Mông ở xã Chế Cu Nha không chỉ thoát nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ trong xã, mà còn góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Ngoài tham gia vào kinh tế, chị còn tuyên truyền vận động các chị em tham gia tham gia vào công tác Đảng. “Mình là Đảng viên đi trước gương mẫu thì các chị em mới noi theo, hiểu biết được. Các chị em rất mong muốn vào Đảng và đang tiếp tục phấn đấu” - chị Ninh chia sẻ.
Cách thị trấn Mù Cang Chải hơn 10km, con đường đất nhỏ hẹp đi vào bản ngày nào giờ đây đã được thay bằng con đường bê tông sạch sẽ, rộng rãi dẫn đến nhà chị Khang Thị Là – Chi hội trưởng Chi hội Hua Khắt, Đảng viên chi bộ Hua Khắt, xã Nậm Khắt.
Khi kinh tế chủ lực của bà con đồng bào Mông bản Hua Khắt chủ yếu là trồng sơn tra và thảo quả. Từ khi có tỉnh lộ chạy qua địa bàn và có chợ trung tâm, chị kêu gọi các chị em trong xã tích cực sản xuất hàng hóa đưa ra thị trường trao đổi, thông thương đem lại kinh tế.
Không chỉ tích cực tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, qua đó tăng thu nhập cho gia đình, chị còn quan tâm giúp đỡ nhiều hội viên phụ nữ khác.
Chị khuyên các chị em tự tin để làm nhiều thứ: bán hàng, chăn nuôi... để mở mang uy tín cho các chị em vùng cao người Mông. Chị cũng khuyên các con cố gắng học để sau này sớm đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Nhân rộng mô hình
Chị Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Mù Cang Chải chia sẻ: Từ những nhân tố tích cực như chị Ninh, chị Là, dần dần các chị em trong huyện cũng mong muốn được học và làm theo, có lý tưởng, nguyện vọng được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Cũng theo chị Nguyệt, xác định phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Hội phụ nữ huyện luôn tích cực vận động chị em tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế thông qua nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả thiết thực. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, phụ nữ, thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo của địa phương.
Đến nay, huyện Mù Cang Chải có trên 400 mô hình kinh tế tiêu biểu do các Đảng viên tiên phong như: mô hình Tổ hợp tác Nuôi ong mật bản Dế Xu Phình, xã Dế Xu Phình; mô hình cộng đồng thân thiện với khách du lịch - Đội xe ôm Đồi Mâm Xôi, xã La Pán Tẩn; lập chòi canh gác lửa bảo vệ rừng - Ban Chỉ đạo Phòng chống cháy rừng; mô hình trang trại sinh thái, du lịch Thành Oanh ở thị trấn Mù Cang Chải; ông Sùng A Sào, bản Hú Trù Lình, xã Lao Chải với mô hình trồng sơn tra kết hợp nuôi ong mật…
Mới đây, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành kế hoạch số 186-KH/HU, ngày 10/6/2019 về phát động và triển khai mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, chị Nguyệt cũng thừa nhận, mặc dù công tác bình đẳng giới được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm và đã đạt những kết quả phấn khởi, nhưng thực tế khoảng cách bình đẳng giữa nam và nữ vẫn còn khá xa, nhất là ở vùng đồng bào vùng cao.
Phụ nữ dân tộc thiểu số thường bị hạn chế về học tập, nhiều nơi phụ nữ kết hôn sớm rồi sinh con, dẫn đến quá trình rèn luyện, phấn đấu bị ngắt quãng, không thường xuyên. “Đây cũng là một trong những “nút thắt” khiến tỷ lệ đảng viên là nữ ở huyện chưa cao” – chị Nguyệt nhấn mạnh.
KỲ II: Gỡ “nút thắt” phát triển Đảng viên nữ người dân tộc