Trong cái không gian hơn 600km2 của miền đá khô khát miên man bất tận đó, những vẻ đẹp từ cuộc sống khắc nghiệt vẫn hiển hiện sức sống diệu kỳ.
Ai đã một lần đặt chân lên mảnh đất địa đầu tổ quốc, đã qua những con đường cheo leo bên vách núi đá dựng đứng của cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên về sức sống mãnh liệt của con người và vùng đất “sống trong đá, chết vùi trong đá” này.
Sức sống mãnh liệt từ đá
Có rất nhiều bãi đá khác nhau ở cao nguyên Đồng Văn như “vườn thú đá Lũng Pù” với nhiều phiến đá hình con thú to nhỏ, hay như “bãi đá hải cẩu” ở Vần Chải, “vườn hoa đá” Khâu Vai, “rừng đá Sà Phìn – Lũng Táo”, “tháp kim Pả Vi”… Nhưng kỳ lạ là, trong cái không gian hơn 600km2 của miền đá khô khát miên man bất tận đó, những vẻ đẹp từ cuộc sống khắc nghiệt vẫn hiển hiện sức sống diệu kỳ.
Chúng tôi đặt chân đến phố cổ Đồng Văn khoảng đầu giờ chiều một ngày đầu thu. Thôn Đề Lía, xã Tả Lủng có 34 hộ người Mông. Họ ở quây quần bên nhau trong những căn nhà lợp mái phi-brô xi măng, tường xây bằng gạch blốc, hoặc trình tường, xung quanh xếp rào bằng đá.
Thiếu nữ Mông ở Quản Bạ
Nhà nào trong thôn Đề Lía cũng tự trồng cây lanh dệt vải, tự làm đồ mộc, xếp đá xây dựng nhà ở cho gia đình mình.
Những viên đá vốn thô ráp, gồ ghề, đầy góc cạnh đã được bàn tay tài hoa của những người đàn ông trong gia đình lựa chọn, sắp xếp một cách khéo léo mà không cần dùng tới xi măng hay bất cứ chất liệu kết dính nào để tạo thành những hàng rào đá vững chãi và độc đáo. Hàng rào đá càng đẹp, càng cao thì càng chứng minh được ngôi nhà ấy có một người đàn ông trụ cột chu đáo với gia đình.
Vàng Cha Dếnh, năm nay ở tuổi 35, người nhỏ bé, đang say sưa đóng bộ giường đôi để cưới vợ cho con trai. Dếnh cho biết: “Thôn còn khó khăn lắm! Lúc giáp hạt thiếu ăn cả tháng đấy. Rồi Dếnh chỉ ra cửa: “Anh chị thấy không, chỉ đá là đá, người Mông gùi được đất ở dưới kia lên thả vào đá rồi mới thả hạt ngô xuống cho nó mọc lên. Cây lanh cũng thế, trồng xung quanh nhà, cứ chỗ nào mang đất về thả xuống kẽ đá là trồng được”.
Dếnh cho biết, với người Mông, đá là một vật thiêng trong nhà, là công cụ giúp người Mông sinh tồn. “Trong gia đình người Mông nào cũng có một chiếc cối đá. Người Mông có tục lệ, khi chuyển nhà, nhất định
phải mang theo 3 thứ: cái váy của người phụ nữ, túi đựng hạt lanh và cái cối đá. Vì không có cối đá thì không thể xay ngô, nấu mèn mén được” – Dếnh cho biết.
Hơn thế, đá còn gắn bó trong cả đời sống tâm linh. Người Mông thờ thần đá. Họ thường cúng thần đá vào ngày rằm, mùng một để cầu bình an. Với những đứa trẻ người Mông, đá cũng là thần hộ mệnh. Người Mông tin sự vững chãi của tảng đá sẽ tiếp bước cho những đứa trẻ lớn khôn, bước từng bước đi vững chãi trên đá.
Người mông tin sự vững chãi của tảng đá sẽ tiếp bước cho những đứa trẻ lớn khôn, bước từng bước đi vững chãi trên đá.
Gắn kết con người và thiên nhiên
Đúng như câu dân ca Mông: “Loài cá sống ở nước /Loài chim bay trên trời/ Người Mông sống ở núi”, người Mông ở Hà Giang thích nghi với đời sống trên các dãy núi cao từ 800m đến 1.700m so với mặt nước biển, trong điều kiện vô cùng khó khăn.
Tôi đã từng đặt câu hỏi, tại sao họ lại chọn sống nơi lưng trời mà không di cư xuống vùng thấp hơn? Lý giải điều này, Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến, tác giả của cuốn sách Những đỉnh núi du ca - một lối tìm về cá tính H’Mông cho rằng, việc người Mông sống trên đỉnh núi là một sự lựa chọn tất yếu của lịch sử. Bởi khi họ di cư đến, những nơi thuận tiện cho canh tác và sinh hoạt đều đã có chủ. Người Mông đến sau buộc phải chọn ở đỉnh núi cao. Nhưng ngay cả sau này khi được lựa chọn, nhờ thích nghi điều kiện tự nhiên cộng thêm bản tính kiêu hãnh, độc lập mà người Mông đời đời vẫn bám trụ trên những đỉnh núi, quyết không rời bỏ quê hương, dòng tộc.
Tập quán canh tác trong những hốc đá nằm trên những triền núi dựng đứng cao chót vót vừa là một minh chứng hùng hồn và sống động cho khả năng thích nghi của người Mông với điều kiện hiện tại để duy trì cuộc sống.
Ở cao nguyên này, có thể nói, đá là thứ hình thành nên lối sống của người Mông, đá chở che suốt cuộc đời họ, đá cho họ chỗ dựa, đá cho họ niềm tin vào cuộc sống và đá đã rèn nên một chí khí mãnh liệt cho họ sống và làm chủ mảnh đất này. Đấy là sự gắn kết thiêng liêng giữa con người với thiên nhiên.
Tuy nhiên, nhìn những gia đình đồng bào dân tộc ở Đồng Văn như Vàng A Dếnh, dường như cuộc sống của họ mới chỉ ở mức sinh tồn.
Được biết, Hà Giang đã đặt mục tiêu đến năm 2020, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, thu hút được 1,5 triệu lượt khách trở lên, tạo tiền đề đến năm 2030, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Trong đó, Hà Giang ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tại vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Hy vọng, trong công cuộc đầu tư ấy, sự thụ hưởng đến được với những chủ nhân của đá, chứ không như nhiều người lo lắng, sau mỗi lần được trao danh hiệu, được đặt mục tiêu, cao nguyên lại chìm sâu vào giấc ngủ lặng thinh…