Vàng vẫn như “cô gái đang ngủ say trong rừng”, mà chưa thấy cơ quan quản lý Nhà nước có động thái nào đánh thức “nàng” đón xuân sang.
Theo ước tính của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), hiện nay có khoảng 1.100 tấn vàng đang “ngủ” trong dân Việt Nam. Nếu quy đổi theo giá vàng quốc tế ngày 10/7 (1.324USD/oz), thì số lượng vàng này tương đương khoảng hơn 46,8 tỷ USD.
Tự chuyển hóa khó khả thi
Từ nhiều năm nay, NHNN vẫn luôn ấp ủ chủ trương để vàng tự chuyển hóa trong nền kinh tế thông qua quan hệ mua bán trên thị trường. Điều này vừa không tốn chi phí huy động, vừa không chịu rủi ro của thị trường.
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng vẫn một mực khẳng định, giải pháp căn cơ nhất, bền vững nhất và khả thi nhất là Chính phủ và các bộ ngành phải kiên định mục tiêu điều hành để ổn định kinh tế vĩ mô. Qua đó củng cố giá trị của đồng Việt Nam, tạo lập lòng tin của người dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, người dân sẽ không bỏ vốn đầu tư vào những tài sản tài chính như vàng, ngoại tệ, mà chuyển sang đồng Việt Nam để gửi tiền tiết kiệm hoặc trực tiếp đầu tư trên thị trường chứng khoán và đầu tư vào kinh doanh. "Trên thực tế, chúng ta đã chuyển hóa được một phần nguồn lực từ vàng sang nền kinh tế", Thống đốc Lê Minh Hưng nhận định.
Vẫn biết “đánh thức” vàng sẽ phải hứng chịu rủi ro, nhưng thật khó khả thi khi để vàng tự chuyển hóa trong nền kinh tế; bởi hiện nay các doanh nghiệp không còn nguồn cung để cân đối vàng trong kinh doanh, nên cứ mua vào đến đâu thì bán ra đến đó nhằm nhẹ gánh rủi ro. Điều này cũng chỉ làm cho vàng chuyển từ tay người dân sang doanh nghiệp và ngược lại, chứ chưa hề được bổ sung vào nguồn lực phát triển nền kinh tế.
Hơn nữa, trong điều kiện nước ta còn thiếu nguồn lực để phát triển, mới cần đến nguồn lực vàng trong dân, chứ khi kinh tế vĩ mô đã ổn định, vị thế đồng Việt Nam đã được nâng cao, thì huy động vàng cũng chỉ là thứ yếu.
“Chi phí huy động vàng rẻ hơn rất nhiều so với lãi suất vay ngoại tệ trên thị trường quốc tế. Nếu tổ chức huy động vàng có hiệu quả, sẽ thực sự “ích nước, lợi nhà”, Tổng giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội cho biết và nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là làm thế nào để người dân yên tâm gửi trọn niềm tin khi giao vàng cho Nhà nước.
Chế ngự “con ngựa bất kham”
Vàng vốn như “con ngựa bất kham”, luôn biến động rất khó lường, đây cũng là một trong những lý do chính khiến cơ quan quản lý Nhà nước e ngại khi tính chuyện huy động vàng. Thế nhưng, thật lãng phí nguồn lực nếu không tìm cách chế ngự vàng để nguồn lực này chảy vào các dự án đầu tư phát triển kinh tế của đất nước.
“Đánh thức” vàng đã khó, nhưng quản lý rủi ro và khai thác hiệu quả số vàng huy động càng khó hơn. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, đã từng cho rằng, NHNN có thể sử dụng số vàng huy động được để thế chấp vay ngoại tệ tại các ngân hàng quốc tế với kỳ hạn phù hợp với kỳ hạn huy động vàng trong nước. Sau đó, cho vay lại đối với các TCTD để tài trợ cho các dự án.
Với giải pháp này, NHNN sẽ phải chịu chi phí chuyển đổi từ các loại vàng trong nước sang vàng tiêu chuẩn quốc tế và ngược lại. Tuy nhiên, chi phí này không đáng kể so với mức chênh lệch lãi suất thu được khi hoán đổi vàng lấy USD và cho vay lại. Như vậy, Nhà nước vẫn có lợi khi chọn giải pháp này, mà lại tránh được rủi ro biến động giá vàng.
Nhà nước độc quyền huy động cho phát triển kinh tế là lẽ đương nhiên, nhưng cũng cần làm rõ khái niệm này trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh. Nếu không, quy định này sẽ bao hàm cả việc doanh nghiệp vay mượn vàng của dân làm nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thì sẽ vô tình đẩy doanh nghiệp vào vòng lao lý. Trong khi đó, hoạt động này được điều chỉnh theo Luật dân sự, chứ không phải là hoạt động kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư.
Trên thực tế, việc doanh nghiệp vay mượn vàng của dân cũng có thể được coi như đã chuyển hóa nguồn lực vàng trong dân vào sản xuất, kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ có đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất, mà không phải mua vàng trôi nổi như hiện nay, góp phần giảm thiểu tình trạng nhập lậu vàng, đồng thời tiết kiệm được ngoại tệ nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, nếu hoạt động này cứ diễn ra tự phát như hiện nay, sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro khó lường. Bởi vậy, đã tới lúc cơ quan chức năng cần nghiên cứu quy định điều kiện thực hiện hoạt động này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Nếu cơ quan quản lý Nhà nước không quyết tâm và vẫn ngại rủi ro, thì vàng có thể vẫn mãi “ngủ yên” trong dân, để mặc cho Nhà nước đi vay nợ nước ngoài cho phát triển kinh tế.