Dao mổ kém chất lượng và lương tâm với người bệnh

Diendandoanhnghiep.vn Không bệnh viện tư nào “kêu” thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, nhưng nhiều bệnh viện công lại đang thiếu một cách có hệ thống, quy trình.

>> Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói gì về tình trạng thiếu thuốc?

Thời gian qua, nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế khiến người bệnh phải tự bỏ tiền túi để mua các mặt hàng thuốc từ bên ngoài hoặc bị đình trệ điều trị do không thể thực hiện được các kỹ thuật cần thiết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh và đời sống của người bệnh.

Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Y tế tổ chức sáng 21/8 vừa qua, ông Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chia sẻ rằng: “Trước đây chúng ta dùng dao giá tốt chỉ cần rạch 1 đường, hiện trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt”.

“Bệnh viện mua các dao mổ trĩ, mổ là chảy máu. Đơn giản hơn là dây truyền rẻ, có một đoạn để tiêm thuốc nhưng cứ châm vào lại chảy nước, trước đây mua dây truyền tốt thì không sao”, ông Nguyễn Đức Trường - Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên nói điều tương tự với Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế vào chiều 22/8.

Các y bác sĩ đang nỗ lực thực hiện ca phẫu thuật để mang lại sức khỏe cho người bệnh.

Các y bác sĩ đang nỗ lực thực hiện ca phẫu thuật để mang lại sức khỏe cho người bệnh. Ảnh: SK&ĐS

Hẳn ai cũng nhận thấy, những phát biểu trên như một quả bom tấn nổ giữa bàn Hội nghị, làm dậy sóng các diễn đàn, gây bất ngờ cho bất cứ ai được nghe. Bởi vì con dao mổ với bác sĩ ngoại khoa cũng giống khẩu súng của người chiến sĩ. Trao cho những “chiến sĩ áo trắng” những vũ khí như vậy, thì họ chiến đấu với tử thần như thế nào, sẽ cứu chữa bệnh nhân như thế nào?

Vấn đề ở chỗ, không bệnh viện tư nào “kêu” thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, nhưng khối bệnh viện công lại thiếu thốn một cách có hệ thống, quy trình, đang kiểu “con khóc mẹ mới cho bú”.

Ngay chính Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những bất cập hiện nay của ngành y tế. Theo báo cáo của 34 Sở Y tế và 21 Bệnh viện tuyến Trung ương, hiện có 28 Sở Y tế, 12 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc; 26 Sở Y tế, 15 bệnh viện tuyến Trung ương thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14 Sở Y tế, 8 bệnh viện tuyến Trung ương thiếu trang thiết bị y tế.

Nguyên nhân được xác định là do các nhà thầu có công văn không cung cấp được hàng do yếu tố bất khả kháng như ảnh hưởng dịch COVID-19, một số mặt hàng không có nhà thầu tham dự do công ty không có hàng, không đạt kỹ thuật do số đăng ký, GMP hết hiệu lực, thuốc chào vượt giá kế hoạch là giá trúng thầu trong vòng 12 tháng.

Tuy vậy, vấn đề nữa xuất phát từ nhiều vụ việc bị khởi tố, truy tố xét xử tại tòa, gây hậu quả nghiêm trọng, làm tâm lý lo ngại rằng “nếu tham gia đấu thầu trong khi quy định pháp luật đấu thầu chưa rõ, thì có bị sao không?”. Thậm chí, có trường hợp nói “thà bị kỷ luật còn hơn truy tố trước pháp luật”. Đây là tâm lý e ngại chung khó tránh khỏi.

Từ tâm lý như vậy, những người có kinh nghiệm thầu, hiểu biết về đấu thầu, có hiểu biết về thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao thì chuyển sang công việc khác an toàn hơn, dẫn tới thiếu hụt đội ngũ đấu thầu.

Nói cách khác, “nút thắt” nằm ở khâu đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế và hiện tại không thể phủ nhận rằng cơ chế chính sách, hành lang pháp lý về đấu thầu mua sắm thiết bị y tế ở Việt Nam còn nhiều bất cập.

>> Thiếu thuốc và vật tư y tế, Bộ Y tế có giải pháp gì?

>> Bộ Y tế đã đề xuất 4 giải pháp cho tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế

>> Thiếu thuốc, vật tư y tế: Người bệnh mỏi mòn chờ giải pháp

ff

Việc thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế diễn ra trong thời gian dài. Ảnh: SK&ĐS

Có thể thấy, thuốc, thiết bị vật tư y tế là những yêu cầu tối cần thiết trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thế nhưng, không phải vì nó quan trọng, mà các nhà quản lí y tế lại sợ sệt và có thể dùng nó để “mặc cả chính sách”. Việc bắt người bệnh làm “con tin bằng những con dao mổ kém chất lượng, để rồi “mặc cả chính sách” với Nhà nước là điều không thể chấp nhận được trong bất cứ tình huống nào. 

Nói vậy vì theo dưới ánh nhìn của dư luận, dù trang thiết bị y tế còn nhiều khó khăn, nhưng hết lòng cứu chữa bệnh nhân là lời thề, là lương tâm, là đạo đức của các y bác sĩ. Người dân mong đợi ở các y bác sĩ một điều giản dị như thế.

Dù sao đi nữa, tình trạng khan hiếm một số vật tư, thuốc tại một số đơn vị thời gian qua rất cần được các cơ qua hữu quan đánh giá khách quan để sớm có biện pháp khắc phục và tránh lặp lại, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Nếu cứ để tình trạng này tái diễn trên diện rộng, hệ thống y tế sẽ tê liệt. Đối tượng gánh chịu hậu quả chính là người bệnh.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách và hành lang pháp lý trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế là việc bắt buộc phải làm, và phải quyết tâm thực hiện vì lương tâm với người bệnh, chứ không phải lấy người người bệnh ra để mặc cả.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Dao mổ kém chất lượng và lương tâm với người bệnh tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713512323 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713512323 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10