Vai trò đào tạo phát triển đúng đắn từ một người thày là chìa khóa cho thành công cho đội bóng cũng như một doanh nghiệp.
Năm 2018 chứng kiến sự lột xác phi thường của bóng đá Việt Nam. Và chiếc cup AFF là một minh chứng hùng hồn.
Tại sao chỉ vẫn những cầu thủ như vậy, chúng ta có thể thành công. Câu trả lời không gì khác đó chính là đội bóng đã có được một người thày vĩ đại – Huấn luyện viên Park. Vai trò đào tạo phát triển đúng đắn từ một người thầy là chìa khóa thành công cho đội bóng cũng như một doanh nghiệp. Nếu coi doanh nghiệp là một đội bóng thì người huấn luyện viên chính là CEO của doanh nghiệp. Tuy nhiên, may mắn hơn so với đội bóng, “người thầy” – “huấn luyện viên” trong doanh nghiệp không nhất thiết phải có tài năng như huấn luyện viên Park mà họ chỉ cần triển khai các hạng mục quan trọng trong đào tạo và phát triển nhân viên quan trọng như sau:
Kích hoạt và phát triển lãnh đạo cho mọi nhân viên
Một doanh nghiệp thành công phải sở hữu tập thể nhân viên là ông chủ. Các nhân viên trong doanh nghiệp cần hiểu mình là ông chủ tại vị trí làm việc để chịu trách nhiệm 100 % với những gì xẩy ra, gắn kết 100 % với công việc và cam kết 100 % với kết quả cuối cùng. Đây chính là thách thức lớn nhất trong quá trình đào tạo và phát triển nhân viên. Nó cũng là một lý do quan trọng tại sao chúng ta cần những nhân viên tử tế và chính trực.
Cài đặt và duy trì tâm thế khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
Thế giới kinh doanh đầy bất định cũng như đối thủ trong sân bóng luôn luôn biến ảo khó lường. Đội bóng cần phải có tâm thế khởi nghiệp đương đầu với mọi bất trắc biến động từ đối phương để từ đó tìm ra cách khắc phục và chiến thắng trong 90 phút của trận đấu. Các cầu thủ cần phải có khả năng đổi mới sáng tạo tìm cách chiến thắng những thay đổi mới của đối phương.
Đào tạo nền tảng cho nhân viên
Khả năng lãnh đạo cũng nhu tâm thế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng trở nên vô ích nếu như doanh nghiệp không đào tạo những kỹ năng kiến thức và thái độ cơ bản cho nhân viên. Đội bóng có 100 thầy Park cũng sẽ bó tay thất bại nếu như đội ngũ cầu thủ trẻ không có được nền tảng đào tạo tốt từ 10 năm trước tại các câu lạc bộ bóng đá trong nước. Các doanh chủ có lẽ nên thay đổi cách tiếp cận từ “đào tạo cho nhân viên thì sẽ được gì sang “muốn sở hữu đội bóng đoạt cup chúng ta cần phải đào tạo đội hình giỏi nhất”.
Coaching trong công việc
Bóng đá là một ví dụ tuyệt vời chỉ ra cách đào tạo hiện tại trong các doanh nghiệp chưa hiệu quả. Các nhân viên trẻ sau khi đào tạo cần phải được cầm tay chỉ việc hướng dẫn áp dụng những điều đã dạy trong công việc. Thông thường, các doanh nghiệp tập trung ngân quỹ vào đào tạo nhưng không chú ý hệ thống coaching giúp kích hoạt đào tạo trong thực tế. Huấn luyện viên Park chính là người Coach vĩ đại đã giúp các cầu thủ trẻ thực hiện tốt nhất những gì họ được đào tạo trên sân bóng. Trong doanh nghiệp tương tự như vậy, các cấp quản lý trực tiếp – trưởng phòng chính là những người Coach trực tiếp cho nhân viên.
Mentoring vượt qua khó khăn
Trong bóng đá cũng như kinh doanh luôn luôn có những giây phút khó khăn tưởng chừng không thể nào vượt qua. Tại các thời điểm này, vai trò Mentoring rất quan trọng nhằm khơi gợi khát vọng, năng lượng và tiềm năng trong mỗi con người của tổ chức để vượt qua khó khăn.
Theo một lý thuyết trong lực lượng Seal nổi tiếng của Mỹ, mỗi con người chỉ vận hành tại 40 % mức có thể của họ trong cuộc sống. Mentoring chính là công cụ để kích hoạt nguồn năng lượng vô hạn trong mỗi con người hay tổ chức để có được kết quả vượt trội.
Lời kết
Nhìn theo hệ thống, huấn luyện viên Park đã làm tròn 5 cột trụ nói trên đối với các cầu thủ. Ông đã trao vai trò lãnh đạo với các bạn trẻ khi nói về trách nhiệm và vinh dự của cầu thủ Việt Nam với tổ quốc. Ông đã trao cho họ niềm tin vào khả năng sáng tạo, thay đổi của toàn đội để vượt qua các cầu thủ và các đội bóng khác nhau về kỹ thuật cũng như chiến thuật. Ông đã duy trì và đào tạo thêm cho họ những tri thức kỹ năng về bóng đá hiện đại. Quan trọng nhất, ông đã thực hiện tuyệt vời vai trò coaching/ mentoring nhằm biến các cầu thủ thành những cá nhân thực thi hoàn hảo với năng lượng bên trong 200 % vượt qua mọi khó khăn chiến thắng trong các trận đấu.
Các CEO cần thực thi 5 cột trụ đào tạo và phát triển nhân lực nói trên. Các doanh nghiệp hiện tại còn làm rất yếu cột trụ đào tạo và hầu như chưa triển khai hệ thống 4 cột trụ còn lại. Tuy nhiên, hoạt động đào tạo có thể cải thiện nhanh chóng trong doanh nghiệp thông qua phân bổ thêm ngân quỹ. Quan trọng nhất cho hệ thống đào tạo phát triển trong doanh nghiệp chính là Coaching-Mentoring. Hai cột trụ này là hai động lực quan trọng phát triển lãnh đạo, tâm thế khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho nguồn nhân lực. Coaching và Mentoring là một đề tài đào tạo quan trọng và bắt buộc cho các cấp lãnh đạo và quản lý trong doanh nghiệp nếu như người CEO muốn sở hữu lực lượng nhân viên thực chiến.
Lời chia sẻ thành công trong năm 2019 tới cộng đồng doanh nghiệp: các CEO muốn sở hữu đội hình đoạt cup trong lĩnh vực kinh doanh của mình, họ phải sở hữu đội ngũ huấn luyện viên thực thi tuyệt hảo năm cột trụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: lãnh đạo- tâm thế khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo- đào tạo- coaching- mentoring.