Đặt “đồng hồ” đếm ngược cho các dự án yếu kém

NGUYỄN VIỆT 05/04/2022 14:02

Chúng ta phải đặt “đồng hồ” đếm ngược cho tất cả các dự án đang tồn tại để giải quyết trong thời gian sớm nhất.

>>Doanh nghiệp nhà nước cần cách tiếp cận mới

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh tại Toạ đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo", do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ngày 5/4.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng (phải).

TS. Nguyễn Sĩ Dũng (bên phải).

TS. Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá, với các dự án yếu kém, kể cả những dự án đã xử lý xong vấn đề cơ chế nhưng sẽ không có phương án tuyệt đối tốt, chỉ có phương án tối ưu để xử lý với mức thiệt hại thấp nhất cho Nhà nước, đem lại hiệu quả tốt nhất có thể. “Sắp tới có thể các dự án khác cũng theo phương án xử lý như vậy”, ông Dũng nói.

Không tính tối đa, chỉ tính tối ưu

Đồng quan điểm, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, hiện nay chúng ta có cách tiếp cận đặt lợi ích của Nhà nước lên cao nhất, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất.

“Tôi nhất trí với nguyên tắc xử lý như vậy. Sau khi nghe trao đổi của doanh nghiệp, các cơ quan có liên quan, tôi rất mừng vì nguyên tắc đó được thống nhất. Sự không thống nhất trong nguyên tắc sẽ rất khó để xử lý”, ông Hiếu chia sẻ.

Vẫn theo ông Hiếu, với những dự án không có thị trường thì phải tính đến phương án phá sản, thu hồi tài sản… Tư duy và cách tiếp cận này rất hợp lý. 

Qua trao đổi với doanh nghiệp, ông Hiếu nhận thấy việc xử lý các dự án yếu kém rất thị trường. Chúng ta không thể phá vỡ được các nguyên tắc của quản trị doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp hay Luật Đầu tư và sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Khi xử lý các dự án thì tính toán các lợi ích, cơ cấu lại chính bản thân dự án, tiết giảm các chi phí để nâng cao hiệu quả. Thậm chí tính đến cả phương án cơ cấu lại sản phẩm phù hợp, phục hồi đúng sản phẩm ban đầu nếu không có thị trường và cần tính đến cả dài hạn.

>>Xử lý dứt điểm doanh nghiệp nhà nước yếu kém

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hộip/Phan Đức Hiếu.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu.

Ngay cả khi khôi phục ở một giai đoạn nhất định thì có thể tạo điều kiện thoái vốn hoàn toàn ra khỏi các dự án. “Tôi đánh giá và nhất trí rất cao cách tiếp cận tối ưu hoá lợi ích theo cả chiều xuôi và chiều ngược, tính đến từng lợi ích cụ thể, giao trách nhiệm cho từng bên có liên quan”, ông Hiếu bày tỏ.

Nhìn nhận về vấn đề này, theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, quan điểm này rất quan trọng vì ở đây có liên quan đến vốn của Nhà nước. Phần Nhà nước nhiều khi rất khó bởi vì đụng chạm nhiều quy định khác nhau của pháp luật. Để xử lý dễ thì quan điểm là phải tìm cái tối ưu.

“Tôi nhớ khi tôi đi học ở Australia, chiều thứ 5 người ta bán tháo hàng hoá, hàng thực phẩm, ăn uống nếu không sẽ quá hạn. Phản ứng như vậy rất linh hoạt. Kể cả cho không hàng hoá thì cũng tiết kiệm được chi phí kho bãi. Việc chính là làm thế nào để thất thoát ít nhất”, ông Dũng bình luận.

Nêu quan điểm về việc xử lý các dự án yếu kém thời gian qua, TS. Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định, kết quả tích cực bước đầu này mang tính lịch sử. Bởi nguyên nhân được nhận diện là tồn tại về tài chính để lại quá lớn, tổng mức đầu tư hầu hết phải điều chỉnh lên cao so với dự toán ban đầu.

Cơ cấu nguồn vốn chủ yếu bằng nguồn vay với lãi suất cao, khi đưa vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo thì đã thua lỗ nặng nề. Một số không còn vốn chủ sở hữu, hầu hết không có khả năng trả nợ đến hạn.

Có thể thấy, để có kết quả tích cực như hiện nay, Bộ Công Thương đã đóng góp vai trò không nhỏ. Bộ Công Thương đã cùng các đơn vị tham mưu cho Chính phủ cách "chèo chống" xử lý vấn đề này. 

>>Tháo "nút thắt" về cơ chế, chính sách cho DNNN

Cái gì làm được phải xử lý dứt điểm 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, những khó khăn của các dự án rất đa dạng. Đơn cử, tổng mức đầu tư tăng lên, chi phí vay vốn cao hay vấn đề của thị trường và nhiên liệu. Có những dự án vướng do liên quan đến tranh chấp hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An.

Tuy nhiên, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở cấp cao nhất đã có sự chỉ đạo rất sát sao và quyết liệt đối với các dự án này. Với tư cách tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công Thương đã rà soát các dự án và báo cáo với Chính phủ lập 1 Ban Chỉ đạo để xử lý các dự án này. Chính phủ cũng cử một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó Trưởng ban Thường trực.

Đến năm 2019, do chuyển đổi cơ cấu quản lý, chúng ta chuyển Phó Trưởng ban thường trực sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Công Thương với vai trò là Trưởng ban Thường trực cũng đã tham mưu với Thủ tướng, với Ban Chỉ đạo ban hành kế hoạch hành động thực hiện đề án và Chính phủ đã có Quyết định 1468 phê duyệt Đề án, sau đó ban hành Quyết định 4269 về kế hoạch hành động.

Trong quá trình xử lý các dự án này, Chính phủ khoá trước và khoá này đã có tới 20 cuộc họp để chỉ đạo. Sự tham gia của các bộ, ngành gồm Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp cũng rất sát sao.

Toạ đàm

Toạ đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo".

Các tổ chức tín dụng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ và những nhà tài trợ vốn cho dự án cũng đã tham gia rất tích cực, kể cả các giải pháp liên quan đến chính sách như khấu hao…

“Có thể nói chưa bao giờ chúng ta thấy các dự án nhận được sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục như vậy”, ông An nhấn mạnh.

Những vấn đề liên quan tới chính sách, cơ chế đã căn bản được tháo gỡ và đấy cũng là cơ sở để chúng ta báo cáo Bộ Chính trị xử lý bước đầu các dự án. Một số dự án đã được đưa ra khỏi danh mục các dự án nhóm này.

“Hiện nay, một số dự án đã có khởi sắc thực sự. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu, vì thời gian kéo dài lâu cho nên phải tìm cách xử lý dứt điểm, cái gì làm được phải xử lý dứt điểm, không kéo dài từ ngày này sang tháng khác. Kết quả tích cực bước đầu như vừa qua có sự chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ”, ông An nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Tháo "nút thắt" về cơ chế, chính sách cho DNNN

    21:55, 30/03/2022

  • DNNN phải chấp nhận cạnh tranh

    09:45, 29/03/2022

  • “Cởi trói” cơ chế cho DNNN

    02:00, 28/03/2022

  • Cổ phần hoá DNNN: Tách đất đai khỏi phần giá trị doanh nghiệp

    11:00, 27/03/2022

  • Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nâng cao vai trò DNNN trong xây dựng nền kinh tế tự chủ

    17:09, 24/03/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN

    20:20, 18/03/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đặt “đồng hồ” đếm ngược cho các dự án yếu kém
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO