Đâu là vấn đề trung tâm trong Hội nghị Mỹ - Triều lần 2?

Diendandoanhnghiep.vn Trong Hội nghị tới đây, hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều sẽ đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề phi hạt nhân hóa, gỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế, hay vai trò của Trung Quốc...

Tại Hà Nội lần này, Tổng thống Trump được cho là đang tìm kiếm tiến bộ đáng kể trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên để đổi lấy lời hứa hỗ trợ kinh tế, nhưng ông Kim sẽ không dễ dàng từ bỏ mục tiêu hạt nhân của mình. 

Tổng thống Trump mong đợi gì từ nhà lãnh đạo Kim?

Thậm chí, ông Kim còn luôn coi vấn đề hạt nhân là biện pháp phòng vệ chính đáng cho chế độ. Hội nghị thượng đỉnh lần này liệu có tạo ra tiến bộ thực sự về phi hạt nhân hóa? Dưới đây là năm vấn đề sẽ là trung tâm của hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Mục tiêu chính của Washington trong Hội nghị lần này là yêu cầu Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và đặc biệt là tên lửa đạn đạo liên lục địa, đặc biệt sau khi nước này chứng tỏ khả năng có thể thể phóng tên lửa liên lục địa vào năm 2017.

Nếu đàm phán lần này thành công, đây sẽ là một thành tựu ngoại giao lớn trong lịch sử Mỹ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với cho nhiệm kỳ Tổng thống tới đây của ông Trump.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Mỹ có thể đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên?

Trước hết, Washington muốn Bình Nhưỡng đồng ý với lộ trình phi hạt nhân hóa và thực hiện một số bước đi cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu đó, chẳng hạn như việc quay trở lại Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), tiết lộ đầy đủ về chương trình hạt nhân và chấp nhận các phái đoàn thanh tra quốc tế.

Sau Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất, quá trình đàm phán giữa hai bên hầu như vẫn giậm chân tại chỗ. Dư luận Mỹ kỳ vọng cuộc gặp lần này sẽ có được các kết quả cụ thể, không chung chung và mang tính biểu tượng như cuộc gặp trước, hoặc ít nhất cuộc gặp này sẽ vạch ra được một lộ trình cụ thể, mở đường cho các cuộc đàm phán sâu hơn sau này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore ngày 12/6/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore ngày 12/6/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tuy nhiên, mặc dù kỳ vọng là vậy, nhưng có không ít ý kiến lo ngại rằng Tổng thống Donald Trump, với tính khí bốc đồng của mình và sự nôn nóng muốn có một thỏa thuận với Triều Tiên, có thể sẽ đưa ra những nhượng bộ quá đà khiến sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á bị ảnh hưởng.

Phía bên kia, Kim muốn gì từ Trump?

Nếu như Tổng thống Trump chú tâm vào vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thì nhà lãnh đạo Kim cũng có một danh sách dài những điều Triều Tiên muốn đạt được qua Hội nghị lần này, bao gồm việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt, tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, Mỹ rút quân đội ra khỏi Hàn Quốc, hay sự công nhận chính thức về mặt ngoại giao của Mỹ…

Gỡ bỏ lệnh trừng phạt và cũng như những gói cứu trợ kinh tế có tầm quan trọng đặc biệt đối với chế độ của nhà lãnh đạo Kim, vốn đã chuyển trọng tâm sang cải cách kinh tế sau khi thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới lục địa Mỹ vào năm 2017.

Tại Bình Nhưỡng, người dân địa phương bày tỏ hy vọng rằng nền kinh tế Triều Tiên sẽ được hồi sinh, nhờ sự cải thiện mối quan hệ với Mỹ.

Tại quốc gia nằm ở khu vực Đông Bắc Á này, những khẩu hiệu thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo cũng như phản đối "chủ nghĩa đế quốc Mỹ" từng thịnh hành giờ đây không còn phổ biến.

Thay vào đó, các biểu ngữ và bảng hiệu nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng kinh tế được đưa ra, nhấn mạnh sự nghiêm túc của Triều Tiên về việc thúc đẩy nền kinh tế quốc gia thay vì tăng cường khả năng vũ khí.

Trước đó, ngày 15/2, Rodong Sinmun - tờ báo có sức ảnh hưởng lớn nhất tại quốc gia này cho biết "Triều Tiên sẽ phát triển quan hệ đối ngoại với tất cả các quốc gia tôn trọng chủ quyền của Triều Tiên và thân thiện với họ dù khác biệt về ý tưởng và hệ thống xã hội." Triều Tiên sẵn sàng "bắt tay và tạo ra một lịch sử mới" ngay cả với một quốc gia có sự thù địch trong quá khứ, nếu bây giờ họ có ý định cải thiện mối quan hệ.

Hôị nghị sẽ đạt kết quả thực chất?

Vì phát triển vũ khí hạt nhân là công cụ bảo tồn chế độ, nên không nhiều người tin việc Triều Tiên sẽ từ bỏ hoàn toàn mục tiêu phát triển hạt nhân của mình. Tuy nhiên, Triều Tiên sẽ nhượng bộ phần nào những đòi hỏi của Mỹ để làm Trump hài lòng, chẳng hạn như cho phép giám sát viên của Cơ quan nguyên tử năng quốc tế đến Yongbyon, nhưng Triều Tiên sẽ không trở laị Hiệp ước NPT mà nước này đã rút khỏi vào tháng 1/2003.

Tổng thống Trump dường như đang khao khát tìm một chiến thắng cho chính sách đối ngoại, giúp ông tăng uy tín với cử tri trong nước, thuận lợi cho cuộc bầu cử tổng thống năm tới nên ông sẵn sàng đáp ứng những nguyện vọng của nhà lãnh đạo Kim để Hội nghị thành công.

Mỹ có thể nhượng bộ, dỡ bỏ một phần cấm vận song song với việc phi hạt nhân hóa và thay thế lệnh ngừng bắn năm 1953 tại Triều Tiên bằng một tuyên bố kết thúc chiến tranh.

Đây là tuyên bố biểu hiện thiện ý chí chính trị, thế nhưng để đạt được một Hiệp định hoà bình còn cần thời gian thương thảo với nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, hay Hàn Quốc.

Mỹ hỗ trợ các dự án kinh tế liên Hàn ở đặc khu kỹ nghệ Kaesong hoặc thúc đẩy chương trình du lịch vùng núi Kumgang ở Bắc Hàn. Mỹ đồng ý khởi đầu bình thường hóa ngoại giao qua việc hai bên sẽ thiết lập cơ quan đại diện liên lạc.

Tại sao lại là Việt Nam?

Bằng cách tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam, Tổng thống Trump đang muốn gửi một thông điệp tới Bình Nhưỡng rằng các quốc gia có chiến tranh với nhau có thể có mối quan hệ tích cực, và rằng Bình Nhưỡng có thể giữ chế độ của mình mà không nhất thiết phải trở thành một quốc gia dân chủ như mô hình của Mỹ. Và Triều Tiên nên tập trung vào cải cách kinh tế, thay vì phát triển hạt nhân.

Tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam đã đạt trung bình 6,3% trong hai thập kỷ qua, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Kế hoạch của chính quyền Mỹ dường như là thúc đẩy Bình Nhưỡng chấp nhận mô hình Việt Nam bằng cách nhấn mạnh lợi ích của cải cách kinh tế trong khi vẫn có thể duy trì vị thế của nhà cầm quyền.

Đây không phải là một ý tưởng mới. Mô hình Việt Nam đã được các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Việt Nam bàn thảo từ những năm 1990 và năm 2012, Triều Tiên đã cử một phái đoàn đến Hà Nội tập trung vào tìm hiểu kinh nghiệm của Việt Nam về cải cách và phát triển chủ nghĩa xã hội theo định hướng thị trường.

Đến thời điểm này, dường như Chủ tịch Kim Jong-un hiểu rằng không thể hiện ý định hợp tác nghĩa là có thể quay trở lại sự cô lập và thù địch với hầu hết thế giới, bỏ phí cơ hội dỡ bỏ mối đe dọa của Mỹ và mang lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên. 

Thông qua việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần này, Việt Nam sẽ gặt hái những lợi ích đáng kể cho quan hệ song phương và đa phương.

Về mặt quan hệ song phương, sự chuẩn bị kỹ càng trong việc tổ chức một sự kiện quan trọng như vậy trực tiếp đóng góp một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Bán đảo Triều Tiên, từ đó tiếp tục cải thiện quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và Hàn Quốc, cũng như mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Triều Tiên. 

Về quan hệ đa phương, từ cuối những năm 1980, Việt Nam vẫn duy trì nguyên tắc “là bạn và là đối tác đáng tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, tích cực tham gia các quá trình hợp tác quốc tế và khu vực”.

Kết quả, Việt Nam đã nâng cao vai trò và vị thế của mình trong các vấn đề khu vực và quốc tế thông qua việc tổ chức các hội nghị quốc tế hoặc vận động tranh cử vị trí không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Điều này giúp ích cho việc một ngày nào đó, Việt Nam trở thành nhà trung gian hòa giải quốc tế tin cậy, đồng thời sự hiện diện tích cực trong các vấn đề quốc tế sẽ giúp Việt Nam dễ dàng kêu gọi sự chú ý từ các đối tác khu vực và quốc tế khác đối với các vấn đề như tình hình Biển Đông.

Vì vậy, tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống D. Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un là cơ hội không thể bỏ lỡ đối với Việt Nam.

Thái độ của Trung Quốc trước Hội nghị thượng đỉnh lần này như thế nào?

Bắc Kinh đương nhiên sẽ nâng cao tinh thần cảnh giác với một mối quan hệ tiến triển quá nhanh giữa Washington và Bình Nhưỡng. "Trung Quốc không muốn Triều Tiên gần gũi với Mỹ trong trung hạn", nhà nghiên cứu Shawn Ho đến từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định.

nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) đã hai lần gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Dường như, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có mối quan hệ khá thân thiết với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Theo giới phân tích, trong ngắn hạn, Trung Quốc lo ngại khả năng Triều Tiên có thể đạt được một số thỏa thuận với Mỹ, dẫn tới thay đổi hiện trạng chiến lược khu vực biên giới xung quanh Trung Quốc. Từ đó, Washington có thể gia tăng vị trí của mình trong cuộc đối đầu thương mại hiện giờ khiến quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc dường như kết luận rằng để đạt được bất kỳ thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân nào, Mỹ cũng sẽ phải nhượng bộ phần nào đó. Việc này có khả năng làm suy yếu vị thế của quân đội Mỹ tại Bán đảo Triều Tiên cũng như trên toàn khu vực châu Á.

Bất cứ điều gì làm suy yếu ảnh hưởng và sức mạnh của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương, ví dụ như di dời một phần hoặc toàn bộ 28.000 quân nhân khỏi Hàn Quốc, hay dỡ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong khu vực, sẽ tăng cường đáng kể vị thế của Trung Quốc trong khu vực.

Dường như ông Tập Cận Bình đã đạt được mục tiêu ngắn hạn. Thông qua việc thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Trung Quốc đã tái khẳng định vai trò không thể thay thế của Trung Quốc trong việc đàm phán về sự thay đổi đối với bản đồ địa chính trị Đông Á hiện nay.

Theo chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc - bà Elizabeth Economy tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế nhận định: “Nếu hai miền Triều Tiên thống nhất, Mỹ chắc chắn sẽ bị ra rìa về mặt hiện diện quân sự, và thế giới sẽ có một Bán đảo Triều Tiên trung lập hoặc hướng về Trung Quốc. Xét về vai trò kinh tế của nước này đối với cả Hàn Quốc và Triều Tiên, đó không phải là một mong đợi phi lý”.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Đâu là vấn đề trung tâm trong Hội nghị Mỹ - Triều lần 2? tại chuyên mục Quốc tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713602034 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713602034 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10