“Dấu mốc” quan trọng của hoạt động hoà giải thương mại Việt Nam

Diendandoanhnghiep.vn Trong bối cảnh các tranh chấp kinh tế, thương mại phát sinh với số lượng ngày càng nhiều và phát triển mạnh mẽ hơn, phức tạp hơn, mới đây ngày 24/2/2017 Chính phủ ban hành Nghị định 22/2017/NĐ-CP, đánh dấu bước tiến mới, luật hoá hoạt động hòa giải thươg mại.

 
Hội thảo “Quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về hoạt động hoà giải thương mại” tại Hà Nội.

Hội thảo “Quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về hoạt động hoà giải thương mại” do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức tại Hà Nội

Chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế đã tạo ra nhiều cơ hội, thúc đẩy kinh doanh, thương mại phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội cũng ấn chứa nhiều rủi ro và phát sinh tranh chấp là điều không thể tránh khỏi. Các tranh chấp kinh tế, thương mại phát sinh với số lượng ngày càng nhiều và phát triển mạnh mẽ hơn, đòi hỏi phải có những cơ chế để có thể giải quyết tranh chấp linh hoạt, phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu thực tiễn của Việt Nam, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp khi tham gia quan hệ hợp đồng, qua đó, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh và ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, hôm nay (ngày 17/1/2017), Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phối hợp với Tổ chức IFC - Thành viên Nhóm Ngân hàng thế giới tổ chức Hội thảo “Quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về hoạt động hoà giải thương mại” tại Hà Nội nhằm giúp giới luật sư và cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ những quy định về hoạt động hoà giải thương mại trong Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

Trước đó, vào năm 2015, Quốc hội đã ban hành Bộ Luật tố tụng Dân sự, trong đó có dành hẳn một chương để quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án. Theo đó, tòa án sẽ công nhận các kết quả hòa giải được tiến hành theo thủ tục hòa giải.

Hòa giải thương mại - phương thức thời hội nhập

Theo ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết: “Việc ban hành Nghị định hòa giải thương mại và Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 đã thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW  ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách ngành tư pháp đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh” khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”. Các quy định của pháp luật về hòa giải thực sự là hành lang pháp lý quan trọng, góp phần khuyến khích giải quyết tranh chấp hòa giải, nâng cao hiệu quả của biệc sử dụng hòa giải, đặc biệt là lựa chọn phương thức hòa giải.

Trong năm 2017, đã có 19 vụ tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải, theo đó, Hội đồng Trọng tài ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành giữa các bên và được các bên đánh giá cao. Đáng lưu ý là các bên tranh chấp đã tự nguyện thi hành kết quả hòa giải. 

“Là tổ chức giải quyết tranh chấp, VIAC đã đi tiên phong trong việc quảng bá phương thức hòa giải, tích cực chủ động trong việc triển khai nghị định hòa giải,  tích cực chủ động triển khai nghị định hòa giải với Bộ Tư pháp và được Bộ Tư pháp bổ sung hoạt động hòa giải”, ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết.
Còn bà Nina Mocheva, Chuyên gia Tài chính cấp cao, Thị trường - Tài chính, Nhóm Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam đã có bước đi quan trọng trong việc thông qua khuôn khổ pháp lý mới về giải quyết tranh chấp thương mại bằng cả hoà giải và trọng tài: “Chúng ta có cơ chế khá tiến bộ, có cả 1 Chương về vấn đề thi hành, có Luật về trọng tài thương mại và Nghị định về hoà giải thương mại. Đây là bước tiến quan trọng và tiếp theo sẽ là việc đưa vào thực thi trong thực tiễn”, bà Nina Mocheva khẳng định.

Cũng theo bà Nina Mocheva, để có một phương thức giải quyết hoà giải cho các tranh chấp thương mại cần rất nhiều nỗ lực, cụ thể, cần có một cơ chế pháp lý hoàn chỉnh, cần có sự cam kết thúc đẩy hoà giải thương mại của các nhà làm chính sách, cùng với đó có sự khuyến khích được các bên liên quan tham gia vào quá trình này từ các luật sư, doanh nghiệp... bởi khác với trọng tài, quá trình hoà giải thương mại là quá trình mang tính tự nguyện.

“Để sử dụng các quá trình hoà giải thương mại này doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của các trọng tài viên có năng lực. Điều này đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực hoà giải thương mại”, bà Nina Mocheva lưu ý.

Cùng với đó, kinh nghiệm của nhóm ngân hàng thế giới về hoà giải thương mại ở nhiều quốc gia cũng cho thấy, khi bắt dầu áp dụng hoà giải thương mại cộng đồng những người làm luật có thể miễn cưỡng, tuy nhiên, cần thời gian để vượt qua sự ngần ngại và do dự này. “Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn “trứng nước”, do đó, điều quan trọng là phải xây dựng được uy tín, khẳng định vị thế”, bà Nina Mocheva nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Tiến - Phó Chánh toà, Toà Kinh tế, Toà án nhân dân TP Hà Nội đã trình bày các quy định về hoà giải thương mại trong Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Ông Tiến cho biết, trước khi có Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại, công tác hoà giải cũng đã được thực hiện trong hệ thống toà án trong quá trình giải quyết các tranh chấp thương mại nhưng vẫn khá đơn giản.

“Tuy nhiên, hoạt động hoà giải còn thực hiện khá đơn giản, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của các thẩm phán. Ví dụ như thẩm phán phải về tận địa phương để tiến hành hoà giải tranh chấp cho các doanh nghiệp tại đó. Còn tại toà án kinh tế, chúng tôi cũng luôn khuyến khích động viên các bên tự thương lượng hoà giải để giải quyết mâu thuẫn. Thậm chí, ngay kể cả sau khi có bản án sơ thẩm, chúng tôi vẫn tiếp tục động viên các bên hoà giải nốt những mâu thuẫn còn lại nếu có thể, nhằm đạt được kết quả hoà giải thành tại phiên phúc thẩm”, ông Tiến dẫn chứng.

Phó Chánh toà, Toà Kinh tế, Toà án nhân dân TP Hà Nội cũng cho biết, những quy định về Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 với các vấn đề liên quan tới hoà giải từ Điều 205-213. Trong đó, về thủ tục tiến hành hoà giải được nhận định là còn gây phát sinh nhiều chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. “Có thể thấy rằng, thủ tục hoà giải trong tố tụng toà án tuy được đánh giá là khá hiệu quả, nhưng lại quá chặt chẽ và tương đối rườm rà. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận với việc quá tải của hệ thống toà án thì việc thời gian xử lý lâu là không tránh được” - ông Tiến cho biết.

Ông Tiến cũng cho biết thêm, các hoạt động hoà giải ngoài tố tụng được quy định trong Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại được đánh giá là linh hoạt hơn và ngắn gọn hơn. “Chúng tôi với tư cách là toà án hi vọng thời gian tới sẽ có những vụ hoà giải thành đầu tiên theo Nghị định 22 mang đến Toà án xin công nhận để chúng tôi thực hiện đúng theo quy định tại Chương 33 Luật Tố tụng Dân sự 2015”, ông Tiến nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Hội thảo về những quy định của Nghị định 22/2017/NĐ-CP, ông Lê Văn Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Đấu giá tài sản và Trọng tài thương mại, Vụ Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp Việt Nam khẳng định, Nghị định 22 được ban hành nhằm thúc đẩy phương thức giải quyết tranh chấp cấp tiến bằng hoà giải thương mại đã được hình thành và phát triển rất lâu trên thế giới đồng thời giảm tải cho hệ thống toà án hiện nay.

"Hoạt động hoà giải thương mại sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên, “bảo tồn” quan hệ các bên sau tranh chấp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hoạt động hoà giải thương mại mới thực sự được công nhận khi Nghị định 22/2017/NĐ-CP được ban hành. Đặc biệt, hoạt động hoà giải thương mại mới thực sự chuyên nghiệp khi có các trung tâm trọng tài, trung tâm hoà giải ví dụ như VIAC với những bộ quy tắc hoà giải", ông Tuấn nhấn mạnh. 

Trên thế giới, hiện tồn tại hai mô hình về hoà giải thương mại, thứ nhất, tại các nước như Pháp, Nhật Bản, Bỉ là các nước có hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành về hoà giải thương mại. Thứ hai, là mô hình không có hệ thống văn bản chuyên ngành như các nước Anh và Hà lan.

“Việt Nam với tư cách là quốc gia có hệ thống dân luật nên đã lựa chọn theo mô hình của Pháp, nên mới có sự ra đời của Nghị định 22/2017/NĐ-CP. Đặc biệt, Nghị định này thúc đẩy từ phía nhà nước, tạo cơ sở pháp lý giữa hoạt động hoà giải thương mại và các hoạt động ngành nghề khác”, ông Tuấn cho biết thêm.

Điều kiện giải quyết tranh chấp về thương mại bằng hoà giải thương mại bao gồm 4 trường hợp, thứ nhất tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, thứ 2 tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại, thứ 3 tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại, thứ 4 thỏa thuận lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp hoặc bất kỳ thời điểm nào.

 Về hoà giải viên thương mại, ông Tuấn cũng cho biết đã có ý kiến cho rằng đề nghị hoạt động hoà giải thương mại là thoả thuận giữa các bên, các bên tranh chấp tự biết tìm người làm hoà giải viên, do đó không nên có quy định cứng về hoà giải viên. “Sau khi xem xét các ý kiến, chúng tôi cũng đưa ra các yếu tố định lượng về tiêu chuẩn hành vi của hoà giải viên. Nghi định cũng cho phép các tổ chức hoà giải thương mại có thể đặt yêu cầu cao hơn cho hoà giải viên của tổ chức đó”, ông Tuấn cho biết. Cũng theo Nghị định 22 sẽ có 2 hình thức cho hoà giải viên là hòa giải viên thương mại vụ việc và hòa giải viên của tổ chức hòa giải thương mại. 

Về trình tự, thủ tục hoà giải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng tối đa thoả thuận của các bên và đảm bảo tính linh hoạt đơn giản. Đặc biệt, thoả thuận hoà giải là điều khoản trong hợp đồng hoặc thoả thuận riêng bằng văn bản. 

Ông Tuấn cũng cho biết, các bên có thể thoả thuận lựa chọn hoà giải viên vụ việc đã đăng ký tại Sở Tư pháp hoặc của các tổ chức thương mại. các bên có quyền lựa chọn trình tự và quy tắc hoà giải thương mại cho mình, bao gồm cả thời gian, địa điểm và số lượng hoà giải viên. “Nghị định 22 tôn trọng tối đa quyền tự quyết của các bên. Hà giải viên thương mại chỉ ghi nhận các ý kiến của các bên”, ông Tuấn nói. 

Hiện Việt Nam có 2 trung tâm trọng tài tiến hành đăng ký bổ sung hoạt động hoà giải thương mại và sắp tớicác tổ chức hoà giải thương mại nước ngoài cũng sẽ hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Nghị định 22.

Cũng tại Hội thảo, các trọng tài viên, luật sư, chuyên gia và các doanh nghiệp cũng đã trao đổi các nội dung về hoà giải thương mại. Luật sư Châu Huy Quang, Trọng tài viên trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam hỏi: 

Tôi có nghe là ở tòa Hà Nội, từng có một vụ tranh chấp, các bên thỏa thuận rằng khi có tranh chấp thì tiến hành hòa giải trước, 30 ngày sau mới khởi kiện ra trọng tài nhưng các bên không thực hiện bước hòa giải như thỏa thuận mà khởi kiện trọng tài luôn. Sau này, tòa Hà Nội hủy phán quyết này. Nhưng với một vụ việc khác có tình tiết tương tự thì tòa hồ chí minh lại không hủy? Đề nghị thẩm phán tiến xác nhận giúp có vụ việc như thế không?

Trả lời câu hỏi của Luật sư Quang, ông Nguyễn Đình Tiến - Phó Chánh toà, Toà Kinh tế, Toà án nhân dân TP Hà Nội cho biết, liên quan đến việc hủy phán quyết trọng tài do không hòa giải thì có lẽ đây là do việc quan điểm chưa được thống nhất giữa các thẩm phán, tuy nhiên sau khi có Nghị quyết 01/2014 của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết về vấn đề này đã không có việc này.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng Quang và cộng sự băn khoăn: Tại điều 417, Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 có quy định điều thứ 2 về trường hợp việc nội dung thỏa thuận hòa giải thành có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ 3 thì phải được người thứ 3 đồng ý. Liệu quy định này có thể được hiểu là trong một số trường hợp tòa án sẽ xem lại toàn bộ vụ việc mới biết được sự liên quan của người thứ 3, trước khi quyết định công nhận hay không công nhận kết quả hòa giải thành hay không?

Liên quan đến vấn đề thời hiệu thì việc hòa giải ngoài tố tụng có thể kéo dài và trong một số quan hệ tranh chấp chỉ quy định những khoảng thời hiệu rất ngắn như trong tranh chấp vận tải chỉ trong 6 tháng còn thông thường khoảng 2 năm thì hòa giải ngoài tố tụng có ảnh hưởng đến thời hiệu khởi kiện này hay không?

Ông Nguyễn Đình Tiến trả lời, theo điều 417, Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định rõ việc xem xét công nhận kết quả hòa giải thành chỉ là một thủ tục, việc không phải là việc xét xử nên vì thế nên thẩm phán sẽ không xem xét lại vụ việc mà áp dụng đúng Điều 417 nếu trong nội dung biên bản hòa giải thành có nội dung về bên thứ 3 không phải là các bên hòa giải, chúng tôi sẽ yêu cầu bên thứ 3 cho ý kiến. Nếu như bên thứ ba đồng ý thì chúng tôi công nhận, nếu không đồng ý thì chúng tôi không công nhân. Đây đơn giản chỉ là vấn đề thủ tục mà thôi.

Liên quan đến vấn đề thời hiệu khởi kiện tôi nghĩ rằng, khi lựa chọn việc đưa tranh chấp ra hòa giải thương mại thì các bên phải lường trước là khả năng hòa giải có thể kéo dài, để đảm bảo không hết thời hiệu khởi kiện. Trong luật chỉ quy định rằng hoạt động hòa giải trong tố tụng tóa án và trọng tài mới được trừ ra khỏi thời hiệu còn hoạt động hòa giả ngoài tố tụng này không được trừ ra khỏi thời hiệu.

Luật sư Nguyễn Việt Anh (công ty luật tư vấn trách nhiệm độc lập đặt câu hỏi:  Tôi muốn kiến nghị Bộ Tư pháp đưa vấn đề hòa giải thương mại phát triển hơn bằng cách có quy định “tất cả các tranh chấp phải trải qua bước hòa giải trước khi ra trọng tài hay tòa án” hay không?

Ông Nguyễn Đình Tiến cho biết, từ hiểu biết và kinh nghiệm của tôi ủng hộ việc thực hiện hòa giải trước. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng để mà có thể thuyết phục cơ quan cấp trên về vấn đề này thì sẽ mất tương đối nhiều thời gian bởi vì sự việc có thể được nhìn theo hướng hạn chế quyền khởi kiện. Tôi cho rằng vấn đề này các trung tâm hòa giải nên có quy định trong các bộ quy tắc hòa giải của mình để tránh trường hợp hết thời hiệu.

Bổ sung thêm phần trả lời của ông Tiến, ông Lê Văn Tuấn cho biết về vấn đề quy định hòa giải thương mại như một bước bắt buộc trước khi tiến hành trọng tài hay tòa án thì cũng đã được ban soạn thảo bàn luận tới trong quá trình làm Nghị định 22. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên cân nhắc bối cảnh hiện nay là hòa giải thương mại vẫn còn mới tại Việt Nam. Hơn nữa, văn bản này mở ở tầm nghị định, nếu quy định như vậy thì sẽ ảnh hưởng ngược lại tới các luật như luật trọng tài thương mại và Bộ Luật tố tụng dân sự. nên là có thể sau nay khi mà có luật hòa giải, hi vọng sẽ có quy định này. Điều này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Hòa giải viên cần thêm nhiều... kỹ năng mềm

Theo ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng thư ký VIAC cho biết, tại Nghị định 22/2017/NĐ-CP ba tiêu chuẩn của hoà giải viên, thứ nhất có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ Luật dân sự, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín độc lập, khách quan. Thứ hai, có trình độ đại học và có kinh nghiệm 2 năm trở lên trong lĩnh vực. Thứ ba, có kỹ năng hoà giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh. 

“Các tiêu chuẩn hiện được quy định tại Nghị định là các tiêu chuẩn tương đối thấp, với việc đạt được các tiêu chuẩn này thì có lẽ vẫn chưa đủ để các hoà giải viên tiến hành hoà giải một cách hiệu quả trên thực tế”, ông Đạt nói.

Bởi ông Đạt cho rằng, thực chất, các hoà giải viên cần phải có nhiều kỹ năng mềm và kinh nghiệm hơn cả một trọng tài viên để có thể tiến hành hoạt động hoà giải. Ngoài ra, uy tín của hoà giải viên đóng vai trò quan trọng đối với quá trình và kết quả hoà giải. Nghị định 22 cũng cho phép các tổ chức hoà giải thương mại được đặt ra các quy chuẩn cho các hoà giải viên của tổ chức đó cao hơn tiêu chuẩn của Nghị định.

Bên cạnh đó, để thực hiện hoà giải, Nghị định 22 cũng trao cho hoà giải viên bốn quyền và 5 nghĩa vụ cơ bản, trong đó nổi bật là các nghĩa vụ độc lập, vô tư, khách quan, trung thực. “Một trong những nghĩa vụ đặc thù của hoà giải viên là “bảo vệ” bí mật thông tin về vụ tranh chấp mà mình tham gia hoà giải, trừ trường hợp các bên có thoả thuận bằng văn bản hoặc theo các quy định pháp luật. Ngoài ra, với bản chất của hoà giải thương mại là sự thiện chí và tự nguyện của các bên để giải quyết tranh chấp, hoà giải viên cũng bị cấm thực hiện một số hành vi như nhận hay đòi hỏi những khoản tiền lợi ích khác ngoài thù lao” ông Đạt cho biết.

Theo ông Đạt, các quy định này nhằm đảm bảo tạo cơ chế hoà giải thương mại minh bạch thân thiện và đáng tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp. Tất cả những quy định pháp luật tại Nghị định 22/2017/NĐ-CP đã được cụ thể hoá trong Bộ quy tắc dành cho hoà giải viên của Trung tâm hoà giải thương mại Việt Nam (VMC, thuộc VIAC). Đây sẽ là Bộ quy tắc điều chỉnh toàn bộ các thủ tục hoà giải thương mại diễn ra tại VMC.

Chia sẻ tại Hội thảo về những kinh nghiệm, thông lệ của quốc tế về hoà giải thương mại, bà Nina Mocheva, Chuyên gia Tài chính cấp cao, Thị trường & Tài chính, Nhóm Ngân hàng Thế giới nhận định: “Hoà giải là cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các bên, ít chính thức hơn nhưng nhiều quốc gia đã có quy định cụ thể nhằm đảm bảo tính tiên liệu. Việt Nam theo truyền thống dân luật nên việc có quy định của nhà nước về nội dung này là điều dễ hiểu” bà Nina Mocheva nói. 

Bà Nina Mocheva cũng cho biết, để xây dựng cơ chế pháp lý cho hoà giải phải căn cứ nguyên nhân, động lực, đồng thời đưa ra quy định vê việc quản lý quy trình thực hiện, nưhnxg nguyên tắc cơ bản và yêu cầu tối thiểu về hành nghề. “Tuy nhiên, chúng ta không có hệ thống cấp chứng chỉ như Hồng Kông”, bà Nina Mocheva cho biết. 

Về quá trình xây dựng cơ sở pháp lý cho hoà giải thương mại, Chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho biết, yếu tố chính phải cân nhắc về mặt pháp luật để đảm bảo sử dụng cơ chế này thành công đó là cho phép thực thi các thoả thuận đạt được trong quá trình hoà giải, thứ hai cho phép bảo mật và chấp nhận chứng cứ mà không làm ảnh hưởng xấu cho các bên, thứ ba đảm bảo ở mức độ quyền tự quyết của các bên, thứ 4 quy định thời hiệu. 

Nhiều quốc gia xây dựng pháp luật quốc gia cho hoà giải đi theo hướng dẫn của Luật mẫu UNCITRAL. “Tại Việt Nam, có thể thấy quy định nằm rải rác ở các luật và các tầm khác nhau, những quy định trong Luật Tố tụng Dân sự, Nghị định về hoà giải…đây cũng là khó khăn . Dẫn đến những vướng mắc về thời hiệu, về việc sử dụng các thông tin trao đổi trong toà. Luật Tố tụng Dân sự lại có trước Nghị định 22”, bà Nina Mocheva chỉ rõ. 

Về thủ tục hỗn hợp “hoà giải - trọng tài”, bà Nina Mocheva cho biết, Nghị định hoà giải thương mại và Luật Trọng tài thương mại cho biết hoà giải viên có thể trở thành trọng tài viên với cùng vụ việc, tuy nhiên không khuyến khích bởi có rủi ro. Cách quy định của Việt Nam hiện phù hợp với quy định quốc tế về thủ tục hỗn hợp “hoà giải - trọng tài”, thủ tục này phổ biến ở các nước theo hệ thống Dân luật. Quy tắc trọng tài thế giới của IFC cũng khuyến khích thủ tục hỗn hợp.

Sau khi nghe giới thiệu Bộ quy tắc cho hoà giải viên và kinh nghiệm quốc tế, Luật sư Đinh Nhật Quang, Công ty trách nhiệm hữu hạn Leadco đặt câu hỏi: “Sau khi kết thúc quá trình hòa giải, đạt được kết quả hòa giải thành với biên bản có đầy đủ chữ ký của các bên và hòa giải viên, một bên mang biên bản ra tòa yêu cầu công nhận kết quả hòa giải nhưng bên còn lại không đồng ý với biên bản này thì trường hợp này như thế nào? Kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này ra sao?

Trả lời ông Quang, bà Nina Mocheva cho biết, ở các nước đều có nguyên tắc hợp đồng/thỏa thuận giữa các bên luôn được tôn trọng và thực thi. Các nước khuyến khích rằng tranh chấp được kết thúc bằng một phán quyết trên cơ sở đồng thuận (hòa giải thành công). Tuy nhiên, cơ chế thực thi phán quyết trên cơ sở đồng thuận khác nhau giữa các quốc gia.

Ở một số nước phán quyết trên cơ sở đồng thuận được tòa án và pháp luật công nhận nên việc thi hành những phán quyết này tuân theo cơ chế thực thi phán quyết của tòa án hoặc trọng tài. Ở một số quốc gia thì việc thi hành chỉ cần đơn giản là tòa án ban hành ra một quyết định thi hành nhằm đảm bảo phán quyết trên cơ sở đồng thuận không vi phạm chính sách công. Hiện nay, chưa có một quy định nào cụ thể về cách tiếp cận chung cho vấn đề này. Tuy vậy, cần phải nói thêm rằng theo thống kê, mức độ tuân thủ các phán quyết trên cơ sở đồng thuận (hòa giải thành công) rất cao.

Trả lời bổ sung, ông Vũ Ánh Dương cho biết, nếu như một bên khi ra tòa phủ nhận lại ý kiến đồng ý hòa giải thành đã mà mình đã thỏa thuận thì trong quá trình chúng tôi góp ý dự thảo từng có thời điểm trong dự thảo nghị định có quy định là các bên không còn tranh chấp nữa thì mới công nhận kết quả hòa giải thành. Lúc đó VIAC có ý kiến rằng đây là cái bẫy khiến toàn bộ các kết quả hòa giải thành có thể không được công nhận tài tòa.

Chúng ta cần hiểu rằng, khi các bên đã ký vào biên bản thỏa thuận hòa giải thì tức đã đồng ý giải quyết tranh chấp giữa các bên và không thể lật lại trừ các vấn đề như: cưỡng bức, vi phạm chính sách công…

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết “Dấu mốc” quan trọng của hoạt động hoà giải thương mại Việt Nam tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711643995 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711643995 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10