Đầu tư công nghệ cao: "Điểm nóng" thu hút FDI của Việt Nam

Ngọc Hà 03/03/2018 05:20

Thời gian gần đây, nhiều dự án đầu tư vào công nghệ cao của Việt Nam đã thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với quy mô hàng chục triệu USD. Điều này cho thấy những chính sách định hướng thu hút FDI kiểu mới đã phát huy hiệu qủa.

Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh

Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh

Theo số liệu mới đây của Cục đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 2/2018 số dự án thu hút đầu tư FDI vào ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là 2.535 dự án với tổng giá trị đạt khoảng 3,1 tỷ USD, tăng 53 dự án so với tháng 1/2018 USD. Đây là một con số tăng trưởng đáng ghi nhận.

Nhiều dự án công nghệ cao 

Trước tiên phải kể đến dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển khoa học sự sống, do Công ty Quantus Corporation, thuộc Tập đoàn Allied Telesis thực hiện. Đây là tập đoàn dẫn đầu về hạ tầng công nghệ cao trong nghiên cứu, phát triển mô hình cơ sở hạ tầng hiện đại.

Được biết dự án này có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1, 2018 – 2020 dự án tập trung đầu tư Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển khoa học sự sống và đào tạo nguồn nhân lực.

Giai đoạn 2, từ năm 2019-2022 dự án sẽ tập trung vào xây dựng Bệnh viện Công nghệ cao và đầu tư trang thiết bị hiện đại.

Ngoài ra, cũng phải kể đến dự án Greenvity Silicon với tổng giá trị đầu tư là 35 triệu USD do nhà đầu tư Việt Kiều tại Mỹ là Công ty Greenvity Communications Inc thực hiện tại khu Saigon Silicon City.

Được biết dự án này sẽ tập trung vào sản xuất vi mạch điện tử tích hợp chip GV-LORA (wireless) và chip GV-PLC ứng dụng trong các thiết bị kết nối Internet vạn vật (IoT), như: cảm biến chuyển động, cảm biến nhiệt độ, cảm biến ánh sáng…

Có được những dự án này không thể không nhắc đến chính sách thu hút FDI thế hệ mới vào cuối năm 2017. Thực chất, điểm mới của chính sách này chính là không thu hút FDI bằng mọi giá mà hướng đến các dự án đầu tư vào những ngành mang lại giá trị gia tăng cao, chất xám nhiều và hiệu ứng lan toả tốt.

Bắt kịp xu hướng của khu vực

GS.TSKH. Nguyễn Mại cho biết: Việt Nam ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới, nghiên cứu và phát triển… Đây là những xu hướng mới mà Việt Nam phải bắt kịp, nếu không sẽ khó có thể tối ưu hóa được lợi ích của dòng vốn FDI.

Bên cạnh các chính sách định hướng FDI mang tầm vĩ mô, thì bản thân mỗi địa phương, mỗi khu công nghệ cao cũng có những chiến lược thu hút FDI riêng. Điều này khiến cho cuộc cạnh tranh thu hút FDI càng trở nên khốc liệt hơn.

Quay trở lại dự án đầu tư Greenvity Silicon chuyên sản xuất vi mạch điện tử. Đây là một trong 5 lĩnh vực mà Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến bắt đầu thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn vào Công viên Khoa học và Công nghệ từ năm 2019. Cụ thể, 5 lĩnh vực đó là công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin - truyền thông; năng lượng tái tạo; công nghệ sinh học…

Năm 2018 là thời điểm Việt Nam bước sang năm thứ 31 thực hiện chiến lược thu hút FDI. Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đây cũng chính là thời điểm, Việt Nam cần chuyển hướng chiến lược thu hút FDI theo hướng “săn” các nhà đầu tư đẳng cấp, thay vì thu hút một cách ồ ạt, đại trà.

Những dự án đầu tư vào công nghệ cao như nêu trên cho thấy, Việt Nam không chỉ là “thỏi nam châm” thu hút FDI như các chuyên gia quốc tế nhận định mà sẽ bước những bước dài hơn trong hoạt động thu hút đầu tư công nghệ cao, bắt kịp xu hướng của khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đầu tư công nghệ cao: "Điểm nóng" thu hút FDI của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO