Thông tin này do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết trong phiên giải trình chất vấn tại Quốc hội sáng 31/10.
Trả lời chất vấn của đại biểu Cầm thị Mẫn đoàn Thanh Hóa về vấn đề đầu tư vào di sản sáng 31/1, ông Nguyễn Ngọc Thiện – Bộ trưởng Bộ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, thời điểm hiện nay cả nước có trên 4 vạn di tích được kiểm kê, trong đó có gần 10.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, 3.500 di tích quốc gia, 95 di tích quốc gia đặc biệt có trên 62.000 di sản phi vật thể đã được kiểm kê và có 26 di tích vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO công nhận là di sản của thế giới.
Trong thời gian qua, công tác trùng tu, tôn tạo đã được tiến hành thường xuyên và nhìn chung đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua cũng có một số di tích trong tu bổ, tôn tạo chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc làm không đúng với nội dung cấp phép.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết đưa ra một số giải pháp.
Một, tiếp tục bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tu bổ di tích và theo Công ước Liên hợp quốc về di sản và Luật Di sản văn hóa phải giữ gìn tối đa các yếu tố cấu thành di tích và phải lập quy hoạch dự án để trình cơ quan, nhà nước có thẩm quyền phê duyệt sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Hai, đối với các trường hợp vi phạm được xử lý nghiêm, yêu cầu phải khắc phục, trả lại giá trị nguyên gốc của di tích và xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm, như vừa rồi xây dựng bà chúa sứ ở núi Sam - An Giang và xây dựng trái phép tại núi Cái Hạ thuộc quần thể di tích Tràng An, v.v... Chỉ đạo thanh tra, tăng cường kiểm tra để chấn chỉnh các hoạt động. Đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tăng cường và đảm bảo an toàn cho các di sản. Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển du lịch và bảo tồn.
Liên quan đến chất vấn: Phát huy phát triển du lịch như thế nào? Ông Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Đối với di sản văn hóa vật thể, trong thời gian vừa qua đã đón được 16 triệu khách, trong đó có 7 triệu khách quốc tế và 9 triệu khách trong nước. Thu hơn 2.500 tỷ đồng. Ví dụ như vịnh Hạ Long, chỉ riêng tiền bán vé đã thu 1.100 tỷ đồng trong năm 2017. Trong khi đó, ngân sách đầu tư chỉ có 50 tỷ đồng. Di tích cố đô Huế 320 tỷ đồng và ngân sách đầu tư 47 tỷ đồng. Khu phố cổ Hội An thu 219 tỷ đồng và ngân sách chỉ đầu tư 17 tỷ đồng. Riêng tiền bán vé, khi khách du lịch đến lưu trú, đi lại tham quan ăn uống v.v... gấp rất nhiều lần mà đầu tư lại rất ít.
Đây là một vấn đề nếu như chúng ta quan tâm đầu tư coi như một công trình dự án đầu tư bằng ngân sách thì có thể thu hồi vốn rất nhanh, không bị thua lỗ, công trình văn hóa được bảo tồn, không có dự án nào có lãi như thế này. Nhà nước chỉ đầu tư 50 tỷ/năm mà thu hơn 1.000 tỷ. Đối với lĩnh vực bảo tồn di sản, đề nghị Quốc hội hết sức quan tâm, vừa góp phần vào bảo tồn nhưng cũng vừa có nguồn thu rất lớn đối với ngân sách.