Để cán bộ dám nghĩ, dám làm

Diendandoanhnghiep.vn Sau loạt vụ án trong ngành y vừa qua, hoạt động mua sắm thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế bị đình trệ, việc thực hiện hợp tác kinh doanh, đầu tư các trang thiết bị từ nguồn xã hội cũng dừng lại.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: K.N

Đó là một trong những nội dung được Viện trưởng VKSND tối cao đề cập tại phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội sáng 2/6 vừa qua. Viện trưởng VKSND Tối cao ông Lê Minh Trí cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm “bịt các lỗ hổng trong quản lý”, tạo điều kiện phát triển, nhưng cũng phải tạo sự an tâm cho cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Xung quanh câu chuyện này, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với Luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

- Thưa Luật sư, với những ý kiến nêu trên của Viện trưởng VKSND tối cao, ông có thể cho biết quan điểm của mình?

Tôi hoàn toàn đồng ý quan điểm của Viện trưởng VKSND tối cao, hiện nay có một thực tế đáng lo ngại sau khi cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi cố ý làm trái gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước, đặc biệt những vụ án liên quan đến việc đầu tư mua sắm trang thiết bị trong ngành y tế đã tạo ra tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của người đứng đầu Bệnh viện công lập, không dám hợp tác đầu tư mua sắm thiết bị, vật tư y tế làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Về nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự mọi hành vi vi phạm pháp luật cần phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh và kịp thời, vừa qua đại dịch COVID-19 bùng phát ở nước ta gây ra hậu quả rất nặng nề về kinh tế cũng như tính mạng, sức khỏe của nhân dân, đứng trước tình trạng khẩn cấp về y tế buộc ngành y tế phải huy động mọi nguồn lực, vật lực của nhà nước và nguồn lực từ bên ngoài (xã hội hóa y tế) để mua thuốc men, vắc-xin, sinh phẩm, kít xét nghiêm COVID-19 và trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trong quá trình đầu tư, mua sắm người được Nhà nước giao quản lý và sử dụng tài sản của Nhà nước tại các Bệnh viện công lập (có sử dụng vốn ngân sách của Nhà nước) khó có thể kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc mua sắm theo đúng quy định dẫn đến hậu quả làm thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước, thực tế vừa qua cơ quan điều tra đã khởi tố, điều tra về hành vi này, điển hình vụ án liên quan đến việc mua sắm kít xét nghiêm COVID-19 của Công ty Việt Á, một số giám đốc trung tâm CDC các tỉnh đã bị khởi tố, bắt tạm giam, vụ án xảy ra tại Bệnh viên Bạch Mai, Bệnh viện tim Hà Nội…

Việc cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra các vụ án liên quan đến tội phạm về chức vụ, tham nhũng nói chung và các tội phạm về kinh tế nói riêng là nhiệm vụ chính trị được đặt lên hàng đầu của Đảng và Nhà nước trong hoàn cảnh hiện nay, với phương châm “Mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý thật nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Do vậy việc khởi tố, điều tra về hành vi gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước của cơ quan tiến hành tố tụng là rất cần thiết được nhân dân đồng tình ủng hộ, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, qua hoạt động điều tra, truy tố xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng đối với loại tội phạm về tham nhũng, chức vụ, kinh tế thời gian qua có phần nào làm ảnh hưởng đến tâm lý của người đứng đầu tại các đơn vị, tổ chức sử dụng vốn, tài sản của nhà nước có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm không dám hợp tác đầu tư, mua sắm, trang thiết bị vật tư phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động khám, chữa bệnh tại đơn vị mình là thực tế đang tồn tại hiện nay.

- Với tư cách là luật sư đã từng tham gia bào chữa cho các thân chủ trong một số vụ án liên quan đến hành vi cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân chính dẫn đến việc gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước?

Tôi nhận thấy nguyên nhân chính (nguyên nhân chủ quan) dẫn đến việc gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước là do sự buông lỏng quản lý, thiếu sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của người đứng đầu đơn vị, tổ chức được Nhà nước giao quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, sự buông lỏng trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước được thể hiện qua hành vi hành động hoặc không hành động.

Người được nhà nước giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các đơn vị, tổ chức của Nhà nước là người có chức vụ quyền hạn, họ là chủ thể đặc biệt được Nhà nước giao quản lý, sử dụng tài sản thông qua quyết định hoặc ủy quyền, trong thực thi nhiệm vụ được giao. Nếu họ thực hiện không đúng, thực hiện không đầy đủ hoặc không thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ quản lý, sử dụng tài sản tại đơn vị mà họ có trách nhiệm quản lý, gây thất thoát, lãng phí thì tùy theo tính chất mức độ hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực quản lý kinh tế hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

>>Kết luận số 14-KL/TW về khuyến khích và bảo vệ cán bộ: Dám nghĩ, dám làm

Luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

Luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Giang

- Theo luật sư, phải làm thế nào để có thể vừa bịt các lỗ hổng trong quản lý, tạo điều kiện phát triển, nhưng cũng vừa phải tạo sự an tâm cho cán bộ dám nghĩ, dám làm?

Để giải quyết vấn đề trên, theo quan điểm của tôi, các bộ, ngành chủ quản cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các tổ chức, đơn vị được nhà nước giao cho quản lý, sử dụng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra sẽ sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho những cán bộ quản lý an tâm, dám nghĩ, dám làm, nhất thiết tới đây Quốc hội nên sửa đổi, bổ sung Điều 219 tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Theo quy định hiện nay và thực tiễn xét xử đối với tội danh này còn nhiều bất cập chưa phù hợp với thực tiễn, bởi lẽ: Để truy cứu TNHS người có hành vi phạm tội về tội danh quy định tại Điều 219 phải thỏa mãn 4 yếu tố cấu thành tội phạm gồm:

+ Mặt khách thể: Tội phạm đến quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 .

+ Hành vi khách quan: Có hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về chế độ quản lý, sử dụng tài sản mà gây thất thoát, hư hỏng tài sản.

+ Mặt chủ quan: Tội phạm thực hiện hành vi với lỗi cố ý; có trường hợp thực hiện lỗi vô ý.

+ Chủ thể: Chủ thể đặc biệt là người được giao quản lý tài sản nhà nước.

Như vậy, người thực hiện hành vi phạm tội phải thỏa mãn đầy đủ 4 yếu tố cấu thành như đã nêu mới bị khởi tố điều tra về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

So với Điều 165 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì dấu hiệu định tội quy định tại khoản 1, Điều 219 BLHS năm 2015 mức khởi điểm truy cứu TNHS về tội danh này là có hành vi gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thấp hơn so với Điều 165 BLHS năm 1999 quy định phải gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu trở lên; về hình phạt theo khoản 1 Điều 219 BLHS năm 2015 là rất nghiêm khắc, có mức hình phạt tù từ 01 năm đến năm 05 năm. Quy định này theo tôi là chưa phù hợp.

Về yếu tố lỗi (mặt chủ quan tội phạm) người phạm tội thực hiện hành vi do lỗi cố ý và lỗi vô ý. Về yếu tố này thực tiễn xét xử vụ án liên quan đến tội danh Điều 219 chỉ cần người phạm tội với lỗi vô ý đã thỏa mãn dấu hiệu tội danh này. Qua thực tiễn xét xử cho thấy một số vụ án mà tôi đã từng tham gia bào chữa có những bị cáo tôi cảm thấy xót xa và nuối tiếc chỉ vì tin tưởng cấp dưới báo cáo, bị cáo không kiểm tra dẫn đến việc việc thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước (lỗi vô ý) vẫn bị truy tố về tội danh này với cáo buộc pháp luật đã có quy định buộc bị cáo phải biết.  

Từ những bất cập trên, theo tôi cần thiết phải sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

- Xin cảm ơn Luật sư!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Để cán bộ dám nghĩ, dám làm tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714034073 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714034073 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10