Để doanh nghiệp ghi điểm chính quyền

Diendandoanhnghiep.vn Ngoài việc tổ chức đối thoại 4 lần/năm, Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch Kiên Giang hàng quý tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngay tại “tuyến” huyện.

Những năm trước đây, Kiên Giang là một trong những tỉnh đi đầu đánh giá về sự phục vụ của chính quyền thông qua việc khảo sát doanh nghiệp về sự phục vụ của chính quyền. Qua đó, PCI của Kiên Giang luôn nằm trong top đầu các tỉnh thành cả nước.

Bất cập cần tháo gỡ

Mặc dù Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Kiên Giang nằm trong top “Khá”, nhưng qua phân tích, đánh giá, trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2017, Kiên Giang có 5 chỉ số tăng điểm, tăng hạng; 02 chỉ số tăng điểm, giảm hạng và 3 chỉ số giảm điểm, giảm hạng so năm 2016.

Nguyên nhân của sự bất cập trên được người đứng đầu chính quyền nhìn nhận, một số sở, ban, ngành và địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh... Công tác lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp chưa quyết liệt, chưa tập trung vào những khâu yếu kém để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; chưa có biện pháp xử lý đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân làm chưa tốt; đồng thời chưa thực hiện tốt việc công khai minh bạch quy hoạch, kế hoạch phát triển và cung cấp thông tin nên nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong tiếp cận thông tin để quyết định đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, chất lượng thông tin của tỉnh trên các websites của các sở, ban, ngành và các huyện, thị còn hạn chế…

Hiện thực hoá giải pháp cải thiện PCI 2018

Từ những bất cập trên, người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu các Sở ban ngành, huyện, thị… tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/1/2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2018, Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp…; đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương chủ trì từng chỉ số thành phần phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các chỉ tiêu đã được giao.

Theo đó, việc cải cách TTHC được rà soát, rút ngắn quy trình xử lý nâng cao hiệu quả. Thái độ ứng xử làm việc của đội ngũ cán bộ tiếp xúc làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp đã được cải thiện. Công tác cho thuê đất, đấu giá đất và các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cho các loại hình dự án, vùng dự án theo quy định được công khai. Kết nối 100% cổng thông tin điện tử giữa cơ quan, đơn vị liên quan về việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, cấp phép đầu tư, hồ sơ giao đất, cho thuê đất, quy hoạch,... Đặc biệt, hầu hết những “rào cản” liên quan đến sở ngành, huyện, Cục thuế được giải quyết thoả đáng...

Những giải pháp quyết liệt nói trên của chính quyền Kiên Giang đã được các doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, đồng thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã được giải quyết dứt điểm.

Ông Nguyễn Đức Chín – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang: Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến

 

Một trong những mục tiêu quan trọng nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, trong đó có cải cách thủ tục hành chính (TTHC), là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) vào việc giải quyết TTHC, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của mỗi cơ quan, đơn vị.

Công tác cải cách TTHC được Sở triển khai thực hiện nghiêm túc, không để hồ sơ quá hạn. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của công chức; nghiêm cấm công chức lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát công chức trong thực thi nhiệm vụ, không để xảy ra vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng DVCTT trong giải quyết TTHC vẫn còn tồn tại hạn chế về trình độ CNTT của một bộ phận người dân không đồng đều, không thường xuyên tiếp xúc với mạng internet. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn còn tâm lý muốn đến làm việc trực tiếp với cơ quan Nhà nước hơn là gửi hồ sơ qua mạng...

Ông Ngô Công Tước – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang: “Bệ đỡ” doanh nghiệp phát triển

 

Thời gian qua, Sở đã rất nỗ lực trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Để kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm, Sở đã tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, kết nối cung - cầu cho trên 40 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, xuất khẩu tại 35 thị trường chủ yếu là các mặt hàng nông thủy sản, da giày, tạo kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khoảng 10%/năm.

Ngoài ra, để hỗ trợ phát triển thị trường, Sở tổ chức cho doanh nghiệp tham gia hội chợ để quảng bá sản phẩm của mình ra thị trường trong và ngoài tỉnh, cũng như xuất khẩu. Ngoài những hội nghị kết nối cung cầu, Sở còn giúp doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong khu vực ĐBSCL, các tỉnh duyên hải miền Trung Tây Nguyên…, qua đó giúp các doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, tham gia bình chọn sản phẩm tiêu biểu trong tỉnh, khu vực và quốc gia. Mặt khác, với các doanh nghiệp khởi nghiệp, Trung tâm Khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, doanh nghiệp còn được tiếp cận những kỹ thuật tiên tiến để thay thế những kỹ thuật thủ công, lạc hậu để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Nguyễn Quốc Cường - Cục trưởng Cục thuế tỉnh Kiên Giang: Đưa Nghị quyết số 35/2018/NQ-CP vào cuộc sống

 

Việc nâng cao chỉ số PCI được Cục thuế xác định là động lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ. Năm 2018, Cục đã đề ra các giải pháp tiếp tục cải cách hành chính, triển khai kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 19/6/2017 của UBND tỉnh... Cụ thể, Cục tiếp tục phối hợp giữa cơ quan thuế, Sở KH&ĐT rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp còn 1,5 ngày, đăng ký thay đổi còn 1 ngày. Trong 6 tháng đầu năm nay, Cục phối hợp với Sở KH&ĐT cấp mới 820 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Đồng thời, Cục đẩy mạnh triển khai cho doanh nghiệp kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế qua mạng Internet, rút ngắn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Theo đó, Kiên Giang có 7.247 đơn vị đăng ký nộp thuế điện tử với 5.863 lượt giao dịch của 5.787 đơn vị và số thuế nộp 1.304 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cục hỗ trợ người nộp thuế theo hình thức hỗ trợ qua điện thoại, tại bàn, bằng văn bản; tổ chức đối thoại định kỳ nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế. Với nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt như: đẩy mạnh cải cách TTHC thuế; ứng dụng CNTT trong quản lý thuế,... đã góp phần rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp thuế xuống còn 119 giờ/năm.

Ông Nguyễn Xuân Lộc – GĐ Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang: Cải thiện hiệu quả chỉ số Tiếp cận đất đai

 

Để cải thiện Chỉ số tiếp cận đất đai, Sở đã tham mưu UBND tỉnh, phối hợp với các sở ngành, huyện, thị… ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về giao đất, cho thuê đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), định giá, đấu giá đất…, đồng thời thường xuyên kiểm tra, rà soát, theo dõi và đánh giá việc thực thi chính sách, kịp thời phát hiện những bất cập để kiến nghị, sửa đổi, hoàn thành nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra. Ngoài ra, Sở cập nhật, công bố các TTHC có liên quan tạo điều kiện nhà đầu tư…; Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của công chức, viên chức của ngành; Công bố và thực hiện Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh sau khi được Chính phủ phê duyệt; Lập Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; niêm yết công khai các kế hoạch sử dụng đất sau khi được UBND tỉnh phê duyệt. Mặt khác, Sở tập trung rà soát các TTHC về đất đai; bãi bỏ các TTHC chồng chéo không phù hợp, ban hành các quy định mới theo hướng đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận các thông tin về đất đai, đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tin vào đăng ký và thực hiện dịch vụ công. Đối với các dự án trong điểm, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo riêng để thực hiện công tác GPMB…

Ông Nguyễn Ngọc Thái – CTHĐQT công ty CP dịch vụ kế toán Thái Sơn: Cần sửa đổi, bổ sung Thông tư số 71/2010/TT-BTC

 

Những năm qua, Cty luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền Kiên Giang. Hiện nay trong lĩnh vực kinh doanh, tôi cho rằng, Bộ Tài Chính, Tổng Cục thuế cần có giải pháp xử lý cho CTCP Dịch vụ Kế toán Thái Sơn nói riêng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cả nước nói chung. Cụ thể là giá bán xe mô tô, ô tô hiện nay, theo Thông tư 71/2010/TT-BTC ngày 7/5/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn ấn định thuế đối với cơ sở kinh doanh xe ôtô, xe hai bánh gắn máy ghi giá bán xe ô tô, xe hai bánh gắn máy trên hóa đơn giao cho người tiêu dùng thấp hơn giá giao dịch thông thường trên thị trường. Nhưng trên thực tế, phát sinh chênh lệch giữa giá trên hóa đơn bán hàng đối với người mua và giá bán thông thường trên thị trường, buộc các doanh nghiệp phân phối cũng phải xuất hóa đơn cho người tiêu dùng thấp hơn giá bán thực tế. Như vậy, khi cơ quan thuế kiểm tra và áp vào giá bán ra được xác định theo bảng giá tối thiểu xe ô tô, xe hai bánh để thu lệ phí trước bạ, thì doanh nghiệp sẽ vi phạm pháp luật, vì chênh lệch giá hóa đơn và giá bán ấn định. Điều này đã ảnh hưởng đến doanh thu doanh nghiệp, nhất là khi số lượng xe ô tô, xe máy càng ngày càng lớn.

Ông Giản Viết Lai - Công ty TTHH MTV Giản Trường Giang: Gỡ “nút thắt” tiếp cận vốn vay cho các doanh nghiệp tư nhân

 

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2003 ghi là hộ gia đình (ông, bà, bố mẹ, con…) dẫn đến việc doanh nghiệp không thể thực hiện giao dịch thế chấp vay vốn ngân hàng bởi ngân hàng không chấp nhận. Vì vậy, doanh nghiệp bắt buộc phải làm thủ tục chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng rất mất thời gian và khó khăn vì phải có xác nhận của những người có tên trong hộ gia đình, nhất là khi con đi làm xa hay ở nước ngoài…, khiến doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư kinh doanh.

Ngoài ra, thủ tục công chứng rất vướng vì doanh nghiệp cũng như người dân bắt buộc phải công chứng tại Phòng Công chứng ở 5/14 huyện, thị, thành phố theo quy định của ngân hàng mới được vay vốn. Bởi vậy, tôi kiến nghị cho phép có thể công chứng, chứng thực tại UBND cấp xã, thay vì bắt buộc phải công chứng tại Phòng Công Chứng ở 5/14 huyện, thị, thành phố. Mặt khác, theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN, khách hàng vay vốn tại TCTD là cá nhân, pháp nhân, khiến rất nhiều doanh nghiệp tư nhân phải chuyển đổi lên Cty để có đủ điều kiện vay vốn, nhưng việc chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của doanh nghiệp tư nhân sang Cty rất khó mất thời gian.

Bà Lê Thị Lệ Huyền, Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Hồng Vân: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

 

Trong những năm qua, tỉnh, các Sở ngành, huyện… đã tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Do điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp mua đất đầu tư và muốn chuyển đổi từ đất trồng cây nông nghiệp lâu năm sang đất thương mại dịch vụ, nhưng đến nay sau gần một năm vẫn chưa chuyển đổi được mục đích sử dụng đất để hoạt động kinh doanh theo đúng quy định. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, không thể đầu tư, xây dựng hạ tầng kinh doanh xăng dầu khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là thời gian cấp phép hoạt động kinh doanh xăng dầu cho doanh nghiệp sắp hết hạn (5 năm). Tôi cho rằng các Sở, ngành cũng như chính quyền huyện cần đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao trách nhiệm phục vụ doanh nghiệp, người dân hơn nữa theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như UBND tỉnh Kiên Giang. Đồng thời, các cấp các ngành chính quyền cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp cùng lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng doanh nghiệp “yêu”, doanh nghiệp “ghét”, như trường hợp doanh nghiệp Hồng Vân bị quản lý thị trường phạt vì vi phạm trong kinh doanh, trong khi doanh nghiệp khác cũng vi phạm như doanh nghiệp Hồng Vân nhưng không bị phạt.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Huy Nam: Cần gỡ vướng về chính sách chế biến thuỷ sản xuất khẩu

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đang vướng mắc về chính sách ưu đãi thuế. Theo đó, toàn bộ sản phẩm thủy hải sản đông lạnh chưa được coi là hàng chế biến, mà chỉ được xem là hàng sơ chế nên không được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, dù doanh nghiệp đang thực hiện kinh doanh thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn (Ví dụ con mực đã được cắt khoanh luộc chín ăn được vẫn xem như hàng sơ chế). Vì vậy, tôi đề nghị hiệp hội doanh nghiệp, Trung tâm XT, ĐT,TM,DL tỉnh, Cục thuế Kiên Giang và UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh phát triển bền vững lâu dài. Bên cạnh đó, trước sự cạnh tranh gay gắt, công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm luôn là mục tiêu chiến lược hàng đầu của doanh nghiệp. Để nắm bắt được thị trường mới, khách hàng mới, doanh nghiệp luôn phải thực hiện xúc tiến thương mại ra nước ngoài. Chúng tôi mong muốn tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại năm 2018, góp phần giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Bà Trần Hồng Tươi – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ sản Minh Khuê: Gỡ vướng từ Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT

Thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phát triển. Tỉnh Kiên Giang ngày càng khẳng định là “đất lành” để doanh nghiệp đến và phát triển. Nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, các lô hàng của các doanh nghiệp thuỷ sản trên địa bàn tỉnh bị tồn kho không thể xuất xuất khẩu sang thị trường Châu Âu vì không thể làm giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản (SC) theo yêu cầu của Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT và yêu cầu của Ban quản lý Cảng cá Tắc Cậu – Kiên Giang. Nguyên nhân do nhật ký khai thác viết không đầy đủ, không đúng quy định, ghi không đúng độ, phút do người dân thiếu trình độ. Mặt khác, ghi sai cột, tên hải sản không ghi… chủ tàu không cho doanh nghiệp mượn và photo giấy phép khai thác. Ngoài ra, Ban quản lý Cảng cá yêu cầu thêm mẫu “Bảng đối chiếu sản lượng hàng thủy sản xuất khẩu cập cảng” (Thông tư 02 không yêu cầu nộp mẫu này). Thực tế, biểu mẫu này không cần thiết và khó thực hiện vì sản lượng ước tính mà thuyền trưởng và chủ tàu khai với biên phòng và BQL cảng là rất ít so với thực tế. Mặt khác, số nguyên liệu ở các cảng, bến cá phải chờ BQL cảng xác nhận nên rất mất thời gian…

Ông Nguyễn Văn Tuấn – giám đốc Công ty TNHH Đức Quân: Cần thống nhất quy đổi sản lượng nộp phí

Các doanh nghiệp hoạt động khai thác đất, đá, xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh đang vướng mắc do tỷ lệ qui đổi sản lượng thành phẩm sang nguyên khai không thống nhất trong các qui định của bộ, ngành, địa phương, nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nộp phí tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Hiện nay, theo Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND quy định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai để áp giá tính phí tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, thì 1m3 được quy đổi ra 02 loại khối lượng khác nhau, vì vậy áp 02 loại giá cho 02 loại phí cũng khác nhau. Ví dụ, Cty khai thác đá vôi sản xuất xi măng 1m3 thành phần tương ứng 1,03 m3 thành phần nguyên khai nhân với giá tính thuế tài nguyên môi trường. Tuy nhiên, việc quy đổi lại khác, 1m3 được tính 1,07 – 1,08m3. Tôi cho rằng, ngành thuế không thể quy đổi 1m3 để tính phí tài nguyên môi trường và phí bảo vệ môi trường theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều về Luật khoáng sản và Nghị định 161/2017/NĐ-CP qui định ghi sổ sách kế toán theo lĩnh vực khoáng sản. Chúng tôi đề nghị Sở TN&MT, Cục thuế tỉnh tháo gỡ khó vướng mắc này cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Để doanh nghiệp ghi điểm chính quyền tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713622643 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713622643 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10