Để ly nông mà không ly hương

Diendandoanhnghiep.vn Cuộc hồi hương vừa qua đã phản ánh những điểm rất đặc biệt nhìn từ phương diện phát triển của Việt Nam nói chung và quá trình công nghiệp hoá nói riêng.

Đó là nhận định của Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên VIAC với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?

Trước hết, làn sóng "di cư về quê" bất ngờ và không ai lường trước. Tuy nhiên, với kinh nghiệm chung, tôi có thể đưa ra các nhận xét trực tiếp ở ba góc độ như sau:

Thứ nhất, về phương diện quản lý phòng, chống dịch, điều này phản ánh sự thiếu sót và bất cập của chính quyền một số địa phương trong việc thực hiện giải pháp giãn cách và phong toả.

Thứ hai, nó bộc lộ một khoảng trống trong hệ thống an sinh xã hội cho người dân nói chung và người lao động nói riêng. Với người dân, đó là sự bảo trợ và cứu trợ xã hội trong tình huống cấp thiết không được bảo đảm. Còn với người lao động, chúng ta có tới ba hệ thống hạ tầng song song tồn tại, đó là bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp và quỹ Công đoàn song lại chưa được thực thi một cách nghiêm túc.

Thứ ba, có một điều nữa, tôi cho rằng nghiêm trọng và căn bản hơn. Đó là tình trạng người lao động trong cả nước nói chung hầu như có lượng tài chính dự trữ cho bản thân quá ít. Nó nói lên tiền lương và thu nhập ổn định của người lao động và công nhân công nghiệp của nước ta còn thấp và nếu điều này là phổ biến thì rất đáng quan ngại.

- Như ông nói, cuộc hồi hương "đặc biệt" này dường như đang phản ánh những mâu thuẫn, bất cập trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, khi mà giai cấp công nhân Việt Nam đang vẫn đang "nửa nông dân, nửa công nhân", thưa ông?

Chúng ta đều biết rằng trong ba mươi năm qua, đất nước đã trải qua quá trình phát triển rất mạnh về công nghiệp, đi kèm với mở rộng nhanh các khu dân cư tập trung, qua đó hình thành các đô thị lớn hay siêu đô thị. Về mặt xã hội, đó là quá trình di cư vĩ đại của người nông dân từ làng quê ra các khu công nghiệp và thành phố. Điều này đương nhiên là bình thường và trùng với hiện tượng có tính quy luật đã từng xảy ra hàng trăm năm trước ở các nước phương Tây.

 Sự bấp bênh trong đời sống công nhân đương nhiên cũng tạo ra sự bấp bênh cho cả nền công nghiệp. (Trao tặng “Túi An sinh Công đoàn” cho người lao động tại khu công nghiệp Nội Bài. Ảnh: LĐTD)

Sự bấp bênh trong đời sống công nhân đương nhiên cũng tạo ra sự bấp bênh cho cả nền công nghiệp. (Trao tặng “Túi An sinh Công đoàn” cho người lao động tại khu công nghiệp Nội Bài. Ảnh: LĐTD)

- Nhưng trong bối cảnh này, hãy thử đặt câu hỏi rằng nếu sự ra đi của người nông dân từ làng đến thành phố là xu hướng tích cực thì sự “trở về” của họ nói lên điều gì và sẽ mang đến các hệ luỵ và hậu quả ra sao?

Hệ luỵ đầu tiên là đối với các khu công nghiệp, điều kiện cần cho sự tồn tại của nó không chỉ là nguồn lao động dồi dào từ nông thôn mà còn là các dịch vụ phụ trợ gián tiếp khác cũng do lực lượng lao động mới và rẻ từ nguồn tương tự cung cấp. Vậy, nếu sau đại dịch, nếu nguồn lao động này không được bù đắp bằng sự quay lại của những người vừa hồi hương thì tác động của nó sẽ như thế nào?

Vấn đề quan trọng hơn, sự bấp bênh về thân phận của một tầng lớp xã hội lên đến hàng triệu người như vậy đương nhiên cũng tạo ra sự bấp bênh cho cả nền công nghiệp cũng như tính ổn định của đời sống đô thị. Nhưng ở khía cạnh này của đại dịch cũng sẽ có một tác dụng tích cực, đó là thức tỉnh một nhận thức khác cùng với tầm nhìn, tầm nghĩ mới của chúng ta về công nghiệp hoá, hiện đại hoá hay phát triển bao trùm bền vững của đất nước.

- Ông có nói đây là tình hình chung của thế giới. Vậy các nước đi trước đã xử lý ra sao và chúng ta có áp dụng được trong thời điểm này, thưa ông?

Tôi đã có cơ hội quan sát thực chứng. Đó chính là một thành phố của CHDC Đức trước kia, nơi tôi từng ở khi học đại học là Halle – Neustadt, tức thành phố “Halle Mới”, được hình thành độc lập bên cạnh thành phố Halle Cũ. Nó được xây từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước chỉ nhằm phục vụ nhu cầu sinh sống trước hết cho hơn 50 ngàn công nhân đến từ khắp nơi để làm việc cho một Khu công nghiệp hoá chất tập trung.

Nhà nước Đức lúc đó chủ trương “đô thị hoá” và ổn định đời sống của một lực lượng lao động vãng lai bằng việc xây cho họ cả một thành phố, thay cho các khu nhà tập thể đơn giản. Kết quả là cho tới nay, sau khi nước Đức thống nhất, mặc dù Khu công nghiệp hoá chất ngày xưa đã bị phá bỏ nhưng bản thân thành phố mới này vẫn tiếp tục tồn tại là bộ phần hiện đại của toàn bộ đô thị Halle.

Qua ví dụ trên, ít nhất chúng ta có một bài học, đó là quy hoạch công nghiệp phải gắn với quy hoạch phát triển đô thị. Suy cho cùng, mọi người có thể lựa chọn sống ở đâu cũng được miễn phải họ đạt được sự an cư. E rằng đó chính là một vấn đề xã hội lớn có thực cần được giải quyết, mà tôi cho rằng đại dịch này chỉ là một bài tập tình huống.

- Là một chuyên gia pháp lý, ở góc độ pháp luật, theo ông, đâu sẽ là giải pháp căn cơ cho câu chuyện này, thưa ông?

Tôi e rằng pháp luật chỉ đóng một vai trò hạn chế trong giải quyết vấn đề lớn này. Đó trước hết chính là các công cụ hợp đồng lao động cùng với chế độ bảo hiểm và an sinh xã hội cho những ai mất việc làm. Đó còn là các giải pháp miễn giảm trách nhiệm về bồi thường trong quan hệ dân sự và thương mại, hay công cụ miễn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp khi đại dịch được coi là tình huống khẩn cấp bất khả kháng. Nếu các cơ chế pháp lý trong khung khổ pháp luật hiện hành về bảo đảm và bảo hiểm như vậy được kích hoạt kịp thời, tôi cho rằng các khó khăn trực tiếp mà các đối tượng bị tác động đang gặp phải chắc chắn được hạn chế.

Ngoài ra, bởi đại dịch Covid 19 là tình huống đặc biệt nên về lâu dài tham khảo kinh nghiệm các nước cho thấy, cơ quan lập pháp đã ban hành các đạo luật liên quan để trang bị cho mọi đối tượng của xã hội thêm năng lực và công cụ, bao gồm các quyền và trách nhiệm đặc biệt, để ứng phó với tình huống mới này.

- Xin cảm ơn ông.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Để ly nông mà không ly hương tại chuyên mục Kinh tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713900564 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713900564 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10