Đề nghị trình Quốc hội luật sửa đổi các luật kế toán và luật thuế hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) 27/10/2018 10:41

Để đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội luật sửa đổi các luật kế toán và luật thuế.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận Hội trường Quốc hội sáng 27/10. Báo Diễn đàn Doanh nghiệp xin trích đăng toàn văn bài phát biểu của đại biểu Vũ Tiến Lộc.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc

Tôi nhất trí với các báo cáo về kinh tế xã hội của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Những việc làm được thì các báo cáo đã đề cập tương đối cụ thể và khá toàn diện, trên lĩnh vực kinh tế, tôi chỉ xin được nêu 3 nhận xét:

Một là, Chính phủ đã xây dựng được và triển khai rất kiên định chương trình hành động về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp. Và đây là lần đầu tiên trong lịch sử Chính phủ có một chương trình như vậy cho cả nhiệm kỳ.

Hai là, Chính phủ cũng đã ghi thêm những dấu mốc mới rất quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, với việc ký kết, hoàn tất đàm phán và thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: CPTPP và EVFTA.

Ba là, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, chúng ta thấy: Niềm tin và những động lực mới của cải cách đang được khơi dậy. Kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, đầu tư trong và ngoài nước được mở rộng, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ qua. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đó thực sự là những kỳ tích !

Về những vấn đề còn băn khoăn và kiến nghị, tôi xin được nêu ba việc:

Một là, về tăng trưởng, qua các báo cáo, tôi thấy chúng ta dường như đã hơi quá lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Mặc dù giai đoạn 2016-2018, nền kinh tế tăng trưởng khả quan với tốc độ trung bình ước tính khoảng 6,57%/năm, nhưng việc đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5-7%/năm trong cả giai đoạn 2016-2020, theo tôi, vẫn là thách thức rất lớn.

Nền kinh tế của chúng ta hiện nay có độ mở rất cao vì thế rất nhạy cảm với các tác động từ bên ngoài. Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt tiền tệ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và giữa các nền kinh tế lớn có nguy cơ tiếp tục leo thang, thì liệu Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10% mỗi năm cho 2 năm tới ? và liệu các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài có tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam? Trong khi cả xuất khẩu và đầu tư FDI đang là các động lực chính của tăng trưởng.

Nhiều dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tăng trưởng kinh tế Mỹ trong giai đoạn 2019-2020 đang được điều chỉnh theo hướng giảm đi, trong bối cảnh đó, tôi cho rằng các xu hướng về xuất khẩu và đầu tư trong thời gian tới sẽ khó khả quan và thuận lợi như trong 3 năm qua đối với nền kinh tế của chúng ta. Và do vậy, tôi đề nghị, việc xác định các mục tiêu khác như thu/chi ngân sách, nợ công… rất cần có sự thận trọng và cân nhắc kỹ, không nên dựa vào kế hoạch tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn 6,5%.

Hai là, về vấn đề lạm phát. Trong khi lạc quan về tăng trưởng, thì Chính phủ lại có vẻ như còn thiếu tự tin đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Trong 3 năm qua, đặc biệt là trong năm 2018, chúng ta vẫn luôn giữ được lạm phát ở mức dưới 4% bất chấp những biến động mạnh về giá dầu, giá thực phẩm và tỷ giá diễn ra đồng thời. Đó là một trong những thành tựu quan trọng bậc nhất, thể hiện bản lĩnh và năng lực điều hành kinh tế của Chính phủ. Lạm phát thấp đã và đang tạo điều kiện cho việc ổn định giá cả, ổn định lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn. Vậy tại sao chúng ta lại không tiếp tục kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%.

Với việc Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát “khoảng 4%” thay cho “dưới 4%” trong năm 2019, thì tôi cũng không rõ, tới đây Quốc hội sẽ đánh giá việc hoàn thành chỉ tiêu này như thế nào? Nếu lạm phát là 4,1 - 4,2%, thì có thể chấp nhận được. Nhưng nếu là 4,3 - 4,4 - 4,5% thì có còn gọi là hoàn thành nhiệm vụ được không? Tôi cho rằng việc chuyển từ một mục tiêu cứng và rõ ràng (dưới 4%) sang một mục tiêu mềm và có phần mơ hồ hơn (khoảng 4%) là một bước lùi trong hoạch định chính sách. Và hậu quả sẽ khó lường.

Khi Chính phủ không bị ràng buộc bằng một mục tiêu kiềm chế lạm phát cứng thì sự quyết liệt trong thực hiện sẽ giảm đi nhiều. Các bộ ngành sẽ không còn phải cân nhắc nhiều khi đưa ra những đề xuất tăng giá, phá giá, điều chỉnh giá hay đưa ra các sắc thuế mới... Nếu Chính phủ bằng lòng với mức lạm phát trên 4%, thì người dân sẽ có quyền đặt câu hỏi: liệu trong tương lai, mục tiêu lạm phát có được điều chỉnh thành “khoảng 5%” hay “khoảng 6%”? Và liệu các nhà đầu tư có còn tin rằng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn luôn là mục tiêu xuyên suốt và lâu dài của Chính phủ? Rồi lãi suất, tỷ giá liệu có “té nước theo mưa” cùng với sự điều chỉnh mục tiêu lạm phát theo đề xuất của Chính phủ?

Tóm lại, khi thay đổi mục tiêu lạm phát từ “dưới 4%” thành “khoảng 4%”, Chính phủ dường như đang rút khỏi một cam kết “Vàng” đang được người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đồng lòng ủng hộ. Và với sự điều chỉnh này, Chính phủ sẽ khó bảo đảm thực hiện được nghị quyết của Quốc hội về việc đưa lạm phát về mức dưới 3% vào cuối nhiệm kỳ này.

Ba là, về mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020, thì cả trong Báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế đều có chung một nhận định: đây là một mục tiêu đầy thách thức. Tôi nhớ lại, mười mấy năm trước, khi còn tại nhiệm, Cố Thủ tướng Phan Văn khải - vị Thủ tướng của luật doanh nghiệp - cũng đã đặt ra mục tiêu nước ta có được 500.000 doanh nghiệp vào năm 2010. Nhưng chúng ta đã trễ hẹn tới 6 năm để thực hiện mục tiêu này, vậy lần này, câu hỏi được đặt ra là: Liệu mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Chính phủ có hay không thêm một lần lỡ hẹn ? Vào thời điểm này, sau nhiều nỗ lực để xây dựng quốc gia khởi nghiệp và đã nói rất nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng chúng ta mới chỉ có 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động và để đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp sau 2 năm nữa, mỗi năm, chúng ta phải có thêm ít nhất trên 200.000 doanh nghiệp mới ra đời. Nhiệm vụ gần như là bất khả thi. Bất khả thi vì tốc độ thành lập các doanh nghiệp mới đang giảm dần và trên 5 triệu hộ kinh doanh lại “không muốn lớn”, trong khi xét về bản chất kinh tế, khu vực này đã là doanh nghiệp, đang đóng góp tới 30% GDP và là đội dự bị hùng hậu nhất của cộng đồng doanh nghiệp.

Điểm nghẽn thể chế ở đây là chúng ta chưa có được một chế độ kế toán và chính sách thuế phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để bảo đảm các doanh nghiệp này không chỉ không bất lợi so với các doanh nghiệp lớn mà còn được đối xử công bằng với các hộ kinh doanh.

Để khai thông điểm nghẽn này, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội luật sửa đổi các luật kế toán và luật thuế để có thể áp dụng một chế độ kế toán và thuế thật đơn giản, dễ áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như các nước khác đã làm. Đây là giải pháp có ý nghĩa đột phá. Giải pháp này cộng hưởng với những nỗ lực cải cách quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, đặc biệt là trong việc cắt bỏ giấy phép con và các thủ tục hành chính…với phương châm chính sách là “tiếp tục cởi trói cho doanh nghiệp”, theo tinh thần thực thi là “trên nóng, dưới nóng, ở giữa cũng phải nóng” chứ không phải như hiện nay “trên nóng, dưới nóng nhưng giữa còn lạnh” … thì chúng ta sẽ khởi động được một hành trình nâng cấp, chính thức hóa khu vực kinh tế tư nhân - chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Với hành trình này, mục tiêu có được 1, 2 hay 3 triệu...doanh nghiệp ở nước ta, tưởng như xa vời, sẽ lại là mục tiêu trong tầm tay với. Tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được điều này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề nghị trình Quốc hội luật sửa đổi các luật kế toán và luật thuế hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO