Để văn hoá doanh nghiệp không còn "xa xỉ"

Nguyễn Minh 15/05/2019 17:00

Vì sao hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng văn hoá doanh nghiệp và chưa coi đây là yếu tố tạo nên thành công của doanh nghiệp? Phải chăng văn hoá doanh nghiệp vẫn là thứ yếu?

một doanh nghiệp thiếu vốn có thể đi vay, thiếu chiến lược có thể mời tư vấn, thiếu nhân sự thì tuyển dụng, đào tạo… nhưng không thể bỏ tiền để mua sự đồng cam cộng khổ, sự gắn bó của đội ngũ nhân viên.

Một doanh nghiệp thiếu vốn có thể đi vay, thiếu chiến lược có thể mời tư vấn, thiếu nhân sự thì tuyển dụng, đào tạo… nhưng không thể bỏ tiền để mua sự đồng cam cộng khổ, sự gắn bó của đội ngũ nhân viên.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, trong hệ thống doanh nghiệp, trừ một số doanh nghiệp lớn, thương hiệu uy tín đã xây dựng được văn hóa doanh nghiệp đúng tầm thì nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự coi trọng đến việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp.

Coi nhẹ văn hóa doanh nghiệp

PGS.TS Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Kinh doanh cho rằng, việc xây dựng văn hóa doanh nhân ở nước ta hiện nay nhìn chung chưa tương xứng với tầm quan trọng và vai trò của văn hoá doanh nhân. Còn nhiều doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa thực sự tham gia vào Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở phạm vi quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phát động. Còn nhiều doanh nhân làm văn hóa doanh nghiệp không theo chuẩn, mang tính phiến diện, đối phó hoặc nặng về hình thức nên ít tác dụng và hiệu quả thấp. Nhiều người đã hiểu sai về văn hóa doanh nghiệp đó là văn nghệ, giải trí nhưng văn hóa doanh nghiệp ngoài những cái đó thì còn ở yếu tố sản phẩm, giá trị cho khách hàng.

Ở góc độ quản lý, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, văn hóa doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy bởi văn hóa quản lý Nhà nước. Thực tế, nếu văn hóa quản lý lành mạnh thì văn hóa doanh nghiệp cũng lành mạnh và ngày một tốt hơn. Trường hợp của Khải Silk là một ví dụ. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước làm tốt giám sát doanh nghiệp thì đã ngăn chặn ngay từ đầu những vấn đề của Khải Silk.

Mặt khác, ông Phong cho hay, tình trạng “bôi trơn” hiện nay vẫn phổ biến trong tâm lý của không ít doanh nghiệp. Điều này đến từ việc doanh nghiệp nào cũng muốn chen ngang lấy lợi ích. Chính vì vậy, trong văn hóa doanh nghiệp cần chú ý đến chuẩn mực văn hóa quản lý Nhà nước để xóa bỏ lợi ích nhóm và hỗ trợ tốt hơn cho văn hóa doanh nghiệp.

Cũng theo ông Phong, điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là tính chủ động, tuân thủ và tự giác tự thân. Nhiều doanh nghiệp chưa nâng tiêu chuẩn của mình theo quy chuẩn quốc gia. Tính đồng bộ cũng chưa đầy đủ. Và đặc biệt là còn coi nhẹ xây dựng thương hiệu trong văn hóa doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp chưa hiểu văn hóa doanh nghiệp buộc họ phải tuân thủ quy định pháp luật, phải ứng xử có văn hóa trong kinh doanh. Nếu có văn hóa thì sẽ giúp doanh nghiệp có khả năng phát hiện và đáp ứng được thị trường, tạo sức hút với khách hàng, từ đó phát triển bền vững.

Khẳng định văn hóa doanh nhân quyết định sự phát triển sự bền vững của doanh nghiệp, PGS. TS Phạm Thị Tuyết - Chánh văn phòng Hiệp hội, Văn phòng Thường trực Ban tổ chức 248 cho rằng, một doanh nghiệp thiếu vốn có thể đi vay, thiếu chiến lược có thể mời tư vấn, thiếu nhân sự thì tuyển dụng, đào tạo… nhưng không thể bỏ tiền để mua sự đồng cam cộng khổ, sự gắn bó của đội ngũ nhân viên.

“Đó là điều tôi muốn nhấn mạnh, văn hóa chính là nguồn gốc cốt lõi để doanh nghiệp phát triển” PGS. TS Tuyết nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Văn hóa doanh nghiệp: Nền tảng của sự phát triển doanh nghiệp

    08:00, 03/05/2019

  • Văn hóa doanh nghiệp: Đừng cố giấu đi thật thà

    06:22, 03/05/2019

  • Đặt văn hóa thương hiệu vào văn hóa doanh nghiệp

    08:35, 20/02/2019

  • Công ty cổ phần thương mại XNK Việt Phát: Văn hóa doanh nghiệp - kim chỉ nam phát triển bền vững

    16:00, 02/02/2019

Đâu là giải pháp?

Đại diện nhà quản lý, ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, bất kể doanh nghiệp nào để phát triển bền vững cũng cần hội tụ đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Trong đó, văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố “nhân hòa”. Vì vậy, yêu cầu mỗi người trong doanh nghiệp đó phải có văn hóa, muốn thành đạt thì phải trở lên tốt hơn. Mỗi người trong doanh nghiệp phải hoàn thiện bổn phận của mình, tất cả hệ thống tốt mới tạo ra văn hóa của doanh nghiệp.

“Đến lúc phải nhìn nhận, văn hóa là mục đích của sự phát triển, vừa là động lực, vừa là mục tiêu. Bản chất doanh nghiệp sinh ra là để kiếm lợi nhuận, phát triển, nhưng muốn phát triển bền vững thì bắt buộc phải có văn hóa. Văn hóa không thể tự có. Các doanh nghiệp cần biết mình đứng đâu, làm gì, nhận thức lại mình, lợi thế tiềm năng của mình để tự sửa đổi theo hướng tốt lên, xây dựng bản sắc riêng mình”, ông Thắng khẳng định.

để phát triển bền vững cũng cần hội tụ đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Trong đó, văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố “nhân hòa”.

Để phát triển bền vững cũng cần hội tụ đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Trong đó, văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố “nhân hòa”.

Để doanh nghiệp chú trọng việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp, ông Cương hiến kế, doanh nghiệp cần phải nâng cao được nhận thức về văn hóa doanh nghiệp, quan trọng nhất là từ người sáng lập, lãnh đạo doanh nghiệp đó, từ đó truyền đạt, lan tỏa xuống bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý và xuống tận các công nhân viên và đơn vị cơ sở. Lãnh đạo và cán bộ quản lý doanh nghiệp phải được đào tạo về văn hóa doanh nghiệp một cách hệ thống, không chỉ biết các lý luận, mô hình, phương pháp quốc tế mà còn cả các yêu cầu, tiêu chí đánh giá và chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam.

Đồng quan điểm trên, ông Mạc Quốc Anh - Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội trao đổi thêm, bên cạnh những doanh nghiệp bất chấp việc vi phạm văn hóa và đạo đức cũng như vi phạm pháp luật nhằm đạt được lợi nhuận trong việc kinh doanh, còn có nhiều doanh nghiệp xây dựng và phát triển kinh doanh một cách bền vững nhờ đẩy mạnh sử dụng bộ tiêu chí văn hóa ứng xử và đạo đức.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm ngăn chặn hàng giả, và những hành động vi phạm pháp luật từ một số các doanh nghiệp hiện này cũng là điều cần thiết. Ngoài ra, cần phát động và phát triển cuộc vận động của Thủ tướng trong vấn đề tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp có thể tạo ra thể chế, giúp doanh nghiệp phát triển văn hóa của mình, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Để doanh nghiệp phát triển bền vững, PGS. TS Tuyết cho rằng, bên cạnh việc doanh nghiệp phải xác định rõ chiến lược, mục tiêu kinh doanh cụ thể, không ngừng đổi mới, sáng tạo thì doanh nghiệp phải xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, coi văn hóa doanh nghiệp là cốt lõi, nền tảng phát triển. Bản sắc văn hóa doanh nghiệp là kết tinh những tinh hoa quản lý và kinh doanh của một doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cần tạo bản sắc văn hóa doanh nghiệp của riêng mình nhằm nâng cao hình ảnh thương hiệu… không thể sao chép văn hóa của doanh nghiệp khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Để văn hoá doanh nghiệp không còn "xa xỉ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO