Văn hóa liêm chính trong một bộ phận đông cán bộ lãnh đạo các cấp đang bị phai nhạt nên “động đến chỗ nào là thấy sai phạm chỗ đó”.
>>“Lò” chống tham nhũng: Mừng lắm, nhưng vẫn còn trăn trở lắm
Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc đã kết tinh nên nền văn hóa Việt đặc sắc, thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chắc chắn có một văn hóa liêm chính của người Việt Nam chúng ta.
Văn hóa đó được hình thành trước hết từ nền giáo dục dân gian, được đúc kết bằng các câu tục ngữ, như: “Đói cho sạch, rách cho thơm/ Chớ có bờm xôm, để đời tiếng xấu”; hay “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”; hoặc “Áo rách cốt cách người thương”.
Về sau, người Việt chịu ảnh hưởng của Nho giáo và giáo dục khoa cử Nho học, đã tiếp thu một số tri thức trong Nho giáo trở thành phương châm sống, chuẩn mực đạo đức như “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” và cao hơn cả là với người quân tử “Thực vô cầu bão, cư vô cầu an”. Đó chính là phương châm sống, phẩm chất đạo đức quan trọng của kẻ sĩ, người làm quan.
Rất nhiều vị quan sống rất đạm bạc vì thanh liêm, về hưu sống trong bần hàn, thậm chí có người chết ở công sở chỉ có bộ quần áo đang mặc trên người, ấy là trường hợp Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân thời vua Minh Mạng-người xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất (nay thuộc TP Hà Nội).
Trong di sản Hồ Chí Minh, Người đã tỏ rõ một nghị lực phi thường và sống với phương châm “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không hề chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Với tinh thần “Cần, kiệm, liêm, chính” và chính Người đã sống một cuộc sống thanh cao, giản dị. Từ đó sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức sáng ngời của Người sống mãi trong lòng kính yêu vô hạn của nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, từ khi nền kinh tế nước ta chuyển mạnh sang kinh tế thị trường, một bộ phận không nhỏ cán bộ các cấp bị cám dỗ trước đồng tiền, nguồn lợi vật chất, đã xa rời lý tưởng cao đẹp mà họ được giáo dục, xa rời văn hóa liêm chính, dẫn đến tha hóa.
>>“Lỗ hổng quyền lực” trong chống tham nhũng
>>Đất đai và mạch nguồn tham nhũng
>>Minh bạch để “bịt” kẽ hở tham nhũng chính sách
Có thể nói, văn hóa liêm chính trong một bộ phận đông cán bộ lãnh đạo các cấp đang bị phai nhạt nên “động đến chỗ nào là thấy sai phạm chỗ đó”. Câu chuyện hàng loạt cán bộ đảng viên từ Trung ương đến địa phương “nhúng chàm” đã, đang bị “lò” chống tham nhũng của Tổng Bí thư “sấy” là minh chứng rõ ràng nhất.
Nói cách khác, liên tiếp những vụ đại án, và không ít những cán bộ, thậm chí cán bộ cấp cao bị khởi tố, có người đang phải ở tù, đều bởi do bản thân họ không chịu tu dưỡng, sửa mình, nên sa vào tệ nạn tham nhũng, hối lộ, bị tiền bạc, vật chất lung lạc chỉ nghĩ cho lợi ích bản thân mà quên đi lợi ích của quốc gia và Nhân dân.
Đỉnh cao quyền lực và vực sâu tội lỗi trong những trường hợp như thế chỉ cách nhau trong gang tấc. Nói như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thì “ai làm sai pháp luật phải xử lý. Còn ai không làm sai, vì người dân, thì cứ yên tâm làm việc” - lời này của Chủ tịch nước như trúng gan ruột không chỉ đội ngũ cán bộ mà còn của cả người dân.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày 30/6/2022 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá hiện nay tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ.
Điều này cũng có nghĩa, với những gì đã và đang diễn ra của công cuộc phòng chống tham nhũng là tất yếu. Có vi phạm thì phải xử lý, sai đến đâu xử lý đến đó, cá nhân nào làm sai người đó phải chịu trách nhiệm.
Chúng ta không thể coi thường một đám lửa nhỏ, vì nó có thể thiêu rụi cả một cánh rừng. Vì thế phải làm sao để dập đám lửa đó khi còn nhen nhóm, còn nhỏ. Cũng như chuyện về một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, phải đại phẫu chặn đứng trước khi di căn và chỉ có như vậy mới chấm dứt được những đau đớn kéo dài. Đâu có căn bệnh nào muốn chữa trị dứt bệnh mà không chịu đau đớn tạm thời.
Nhân đây nhìn lại Truyện Kiều – Nguyễn Du, ông đã có câu nói rất đáng lưu tâm về bậc làm quan: “Nghĩ mình phương diện quốc gia / Quan trên trông xuống, người ta trông vào”.
Phàm đã làm quan thời xưa, hay cán bộ thời này, mà lại là cán bộ cao cấp thì phải là rường cột xã tắc, gương mặt quốc gia. Nếu không chịu tu thân, không nghĩ đến lợi ích quốc gia và Nhân dân thì căn bệnh chủ nghĩa cá nhân sẽ trỗi dậy và thắng thế thì sớm muộn cũng sẽ mắc sai lầm, thậm chí phạm trọng tội.
Do vậy, kiên trì xây dựng “văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực” trong cán bộ, đảng viên, trong hệ thống chính trị, âu cũng là lẽ tất yếu.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 14/06/2022
13:43, 23/05/2022
01:21, 17/05/2022
14:32, 13/05/2022
04:55, 03/05/2022
00:00, 07/04/2022
15:56, 06/04/2022
15:15, 06/04/2022
23:36, 15/03/2022
03:50, 13/03/2022