Để Việt Nam bước qua “kinh tế thời chiến”

Hhuyền Trang thực hiện 05/04/2020 11:00

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông cho rằng Chính phủ đã kích hoạt "nền kinh tế thời chiến".

Chính phủ tuyên bố đất nước bước vào “thời chiến” chống “giặc covid”, tức vừa “sản xuất” vừa “chiến đấu” chống dịch bảo vệ sức khoẻ và sinh mạng người dân.

Theo ông Đồng, kinh tế thời chiến sẽ làm giảm quy mô và thay đổi phương thức một số hoạt động kinh tế do mô hình sản xuất, chuỗi cung ứng, hoạt động cung cấp dịch vụ bị gián đoạn tại một số mắt xích. Một số ngành dịch vụ sẽ giảm quy mô đến tối thiểu và có đóng băng cục bộ.

- Vậy tại sao lại phải "kích hoạt kinh tế thời chiến, thưa ông?

Theo tôi, “thời chiến” không có nghĩa là đóng băng tất cả, chỉ ngồi nhà và không làm gì cả. Nền kinh tế vẫn sẽ phải tiếp tục vận hành, các giao dịch sẽ “online” nhiều hơn. Dùng từ “thời chiến” là đề cao cảnh giác (chống dịch, không chủ quan, không để vỡ trận); biết tính toán rủi ro và nhìn xa trông rộng (lường trước khó khăn và cơ hội, biết thắt lưng buộc bụng, biết tính toán các kịch bản khác nhau, kịch bản ngắn hạn, kịch bản lâu dài).

“Nền kinh tế thời chiến" được kích hoạt có nghĩa là những bước đi “chiến thuật” cho ngắn hạn vốn được gấp rút thực hiện (khoang nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, thông quan hàng hoá…) là không đủ nữa mà cần có chiến lược dài hạn.

Khi bước vào những “chiến dịch”, tư duy và tiếp cận liên quan đến ưu tiên phân bổ nguồn lực quốc gia và thực hiện sao cho hiệu quả cần thiết phải được thảo luận kỹ lưỡng. Các kịch bản sẽ phải lập theo căn cứ tiến triển của dịch, dịch sẽ phát triển như thế nào, bao giờ là đỉnh dịch, sau đỉnh dịch sẽ như thế nào? Với mức độ thiếu chắc chắn và hiểu biết về đại dịch (là chưa có tiền lệ) như hiện nay, sẽ không trả lời được các mốc thời gian cố định.

Chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu sẽ thay đổi. Công nghệ sẽ đóng vai trò thay đổi cán cân và viết lại luật lệ các cuộc chơi. Ngay từ bây giờ,  các chiến lược phát triển sẽ phải thay đổi và định hình lại, cho một thế giới “hậu” Covid. 

- Các giải pháp cụ thể theo ông là gì?

Thứ nhất, bảo vệ các nguồn lực sản xuất trong nước trong thời gian dịch phát triển và chưa đạt đỉnh, và nếu dịch kéo dài có thể tiếp tục là thời gian sau dịch. Trước khi nghĩ đến “thắng”, cần biết phòng thủ để không “thua”.

Và phòng thủ ở đây là bảo vệ lực lượng và các nguồn lực sản xuất trong nước, trước hết là doanh nghiệp và người lao động. Khi toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội sẽ bị "đóng băng" trong giai đoạn này, doanh nghiệp bị cắt nguồn thu, người lao động mất thu thập và sẽ phải "sống nhờ" vào nguồn tích luỹ. Khi nguồn tiếp kiệm, tích luỹ của doanh nghiệp, hộ gia đình cạn, Chính phủ sẽ cần sử dụng các gói hỗ trợ đại trà cho doanh nghiệp, người dân với các giải pháp như: (1) giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, phí (thuế GTGT, Thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên, đất đai…) có thể là 6 tháng, 1 năm sau đỉnh dịch; (2) giảm một phần hoặc giãn đóng tiền điện cho doanh nghiệp, hộ gia đình để giảm áp lực chi tiêu trong doanh nghiệp, gia đình để phục hồi sức mua sau giai đoạn dịch, cũng đồng nghĩa đóng góp vào “kích” cầu tự nhiên. (3) Lập quỹ hỗ trợ lao động khu vực phi chính thức để bảo vệ an sinh xã hội cơ bản cho nhóm thu nhập thấp (người bán hàng rong, kinh doanh nhỏ). Sinh kế nhóm này sẽ bị cắt ngay lập tức khi "cách ly xã hội" hoặc "phong toả". Nên cắt 10% chi thường xuyên của bộ máy nhà nước và lập quỹ sẵn sàng cứu trợ khẩn cấp nhóm này.

Thứ hai, Ưu tiên nguồn lực cho 2 khu vực, khu vực sản xuất và khu vực nông nghiệp để duy trì trong giai đoạn dịch phát triển; và tăng tốc khi dịch qua đỉnh. Ngay trong giai đoạn dịch kể cả thực hiện cách ly xã hội cần hỗ trợ nguồn lực y tế và nguồn lực cần thiết khác để đảm bảo rằng sản xuất (nhà máy, xí nghiệp thông thường) và nông nghiệp vẫn có thể vận hành ở mức tối thiểu chứ không bị đóng băng. Cần đảm bảo rằng doanh nghiệp nếu có đóng băng là thiếu đơn hàng chứ không phải vì thiếu nguyên liệu, thiếu nhân lực. Như thế có nghĩa là nếu cần nhập cảnh chuyên gia, lao động nước ngoài thì vẫn nên ưu tiên cho nhập cảnh, sau cách ly an toàn họ có thể làm việc được.

Tương tự, lao động khác cũng vậy, cần ưu tiên làm sao để họ có thể vào nhà máy và sản xuất an toàn. Khu vực hải quan cần ưu tiên thông quan trước hết cho hàng hoá nguyên liệu phục vụ sản xuất (chứ không phải là hàng tiêu dùng).

Khu vực nông nghiệp luôn là bệ đỡ cho mọi khủng hoảng, cần chiếm thứ tự ưu tiên cao. Đồng hành với người nông dân để duy trì sản xuất nông nghiệp và điều phối chuỗi giá trị, từ đảm bảo vật tư nông nghiệp đầu vào đến an toàn khi sản xuất trong dịch bệnh hay kết nối với thương lái, người thu mua, hệ thống siêu thị, chợ là ưu tiên hàng đầu ở cấp tỉnh, cấp huyện có nông nghiệp là kinh tế chính.

- Vậy theo ông, trong bối khó khăn như hiện nay, nguồn lực từ chính phủ cần huy động như thế nào và sử dụng thế nào?

Thực thi "thắt lưng buộc bụng" trong khu vực công để dành nguồn lực cho các gói hỗ trợ. Nhà nước nên đồng hành và đi đầu trong công việc "tiết kiệm" này, thể hiện qua các điểm sau. Chính phủ nên mạnh tay giao chỉ tiêu cắt giảm 20% chi thường xuyên (từ khánh tiết, lễ lạt, hội họp và các hoạt động không cần thiết), để vừa giảm bội chi ngân sách (chắc chắn ngân sách sẽ bội chi cao trong các năm tới), vừa có tiền cho các quỹ hỗ trợ.

Với Đầu tư công cần rà soát và thay đổi thứ tự ưu tiên. Nên cắt hoàn toàn việc chi xây dựng nhà cửa, cơ quan trụ sở mới của cơ quan nhà nước trong 2 năm tới để tiết kiệm ngân sách. Sau đỉnh dịch, đầu tư công sẽ cần tăng tốc vừa để kích cầu khu vực xây dựng; đồng thời cũng là giải toả nút thắt hạ tầng cho nền kinh tế. Dịch bệnh cần được tiếp cận như là cơ hội để tiếp tục cải cách sâu rộng khu vực hành chính nhà nước ( quản trị chi tiêu, cắt giảm bộ máy, ứng dụng công nghệ).

- Nhưng, thời chiến rồi sẽ qua, vậy theo ông điều gì sẽ đến và cần thay đổi sau “thời chiến”?

Dịch bệnh chắc chắn sẽ đảo lộn các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đã chuẩn bị. Xác định lại thứ tự ưu tiên; có kịch bản khác nhau để bảo vệ, phục hồi, tăng tốc trở lại sản xuất kinh doanh là điều cần thiết. Song song với chống dịch, bây giờ nên là thời điểm để Chính phủ yêu cầu các bộ ngành khởi động công việc này.

Và dài hạn hơn, nhiều chuyên gia đều đồng tình, thế giới sẽ thay đổi sâu sắc sau dịch COVID-19. Toàn cầu hoá có thể sẽ không còn như quỹ đạo hiện nay. Chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu sẽ thay đổi. Ngay từ bây giờ, chúng ta cần tính toán lại các chiến lược phát triển cho một thế giới hậu COVID-19.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Để Việt Nam bước qua “kinh tế thời chiến”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO